Tuy nhiên, việc sử dụng AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đối với nhà báo và cơ quan báo chí.
Cần hiểu về AI
Sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) đang tác động sâu rộng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội và báo chí. Báo chí với sứ mệnh thông tin nhạy bén, đi đầu cũng không đứng ngoài sự tác động này. AI đang được đánh giá sẽ làm thay đổi toàn diện ngành báo chí, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, tăng tốc độ và hiệu quả trong việc truyền tải thông tin.
Vào ngày 30/11/2022, một nhánh của AI có tên Chat GPT đã xuất hiện khiến thế giới xôn xao vì sự thông minh và khả năng tư duy, cách sử dụng ngôn ngữ tự nhiên giống như con người. Công cụ này có tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer do Công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển.
Chat GPT ra đời như đánh dấu một bước phát triển mới của trí tuệ nhân tạo, có tác động lớn đối với người làm việc trong nhiều ngành nghề. Công cụ này trở thành đề tài "hot" không chỉ trong môi trường làm việc mà ngay cả những buổi gặp gỡ, trò chuyện hằng ngày, từ hội thảo lớn đến trà đá vỉa hè cũng "vào cuộc" bàn luận.
Một số chuyên gia nhận định, Chat GPT có thể thay thế lực lượng lao động một số lĩnh vực trong tương lai. Chỉ riêng tính năng tạo văn bản giống hệt như con người, khả năng đọc và lưu trữ thông tin lớn đem đến nhận định rằng công nghệ có thể thay thế các nhà báo, người làm truyền hình ngay trong thời điểm hiện tại khiến những người làm trong lĩnh vực này sẽ bị ảnh hưởng.
"Biến" AI thành công cụ hỗ trợ người làm báo
Thực sự Chất GPT hay những ứng dụng khác của AI có thay thế được vai trò của người viết, vị thế của nhà báo trong tương lai hay không là điều được nhiều người quan tâm và mong muốn tìm được câu trả lời xác đáng.
Ðể có được những câu trả lời đó, phóng viên Báo Sức khỏe và Ðời sống đã có buổi phỏng vấn PGS.TS. Ðỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam về ảnh hưởng của AI và những thách thức cần vượt qua của báo chí trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ số. Từ đó "biến" AI thành công cụ hỗ trợ các tòa soạn phân tích dữ liệu độc giả, sáng tạo nội dung, giảm bớt những công việc lặp lại, tốn công sức.
Theo PGS.TS. Ðỗ Thị Thu Hằng, AI cùng với các công nghệ số mới như: Blockchain, xR… - công cụ không thể thiếu của ngành công nghiệp nội dung số, cũng là một thách thức lớn trong sáng tạo nội dung và quản trị tòa soạn, nhất là với tòa soạn số hiện nay. Chat GPT chatbot do Công ty OpenAI phát triển - là một ví dụ điển hình của AI.
AI là trợ lý ảo đắc lực cho nhà báo và tòa soạn nhằm tối ưu hóa sản xuất nội dung, tăng hiệu suất sản xuất nội dung số theo yêu cầu cá nhân hóa và các đặc tính của tác phẩm, sản phẩm báo chí số (tính thời gian thực, tính tương tác, tính đồng bộ trên nền tảng số và trong hệ sinh thái số). AI có thể là trợ lý ảo đắc lực cho nhà báo trong tìm kiếm, xác định thông tin. Có thể sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ AI để phát hiện đề tài, thu thập xử lý thông tin để theo dõi sự kiện, trích xuất thông tin và xác định xu hướng.
AI có thể hỗ trợ phân tích các định dạng nội dung, từ đó gợi ý nội dung cần xuất bản để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của công chúng. Về nghiệp vụ ảnh báo chí, có thể sử dụng các phần mềm AI có tính năng nhận dạng hình ảnh để phân tích giới tính, tuổi... để xác định các nhân vật trong ảnh.
"Hiện một số đài phát thanh - truyền hình và các tòa soạn hội tụ có thể ứng dụng tính năng tự động sản xuất các nội dung có cấu trúc lặp lại. cho một số tin tức như tin về thời tiết, thể thao, công nghệ... bằng cách xây dựng phần mềm tạo văn bản tự động (NLG). Có những đài phát thanh - truyền hình đã thử nghiệm thành công trong việc ứng dụng Chat GPT sản xuất phóng sự truyền hình về chính mảng nội dung công nghệ.
Trong phân phối nội dung, công cụ AI có thể thông qua chatbot giúp tòa soạn tiếp cận công chúng, kiểm soát thông tin phản hồi từ công chúng, hỗ trợ và tăng tốc công tác nghiên cứu công chúng, phân khúc thị trường và công chúng. Các công cụ phân tích nội dung số giúp cho tòa soạn có cơ sở để từ đó cá nhân hóa nội dung hoặc xác định loại nội dung phù hợp cho từng nền tảng" - PGS.TS. Ðỗ Thị Thu Hằng trao đổi.
Tuy nhiên, việc sử dụng AI trở thành một công cụ giúp người làm báo trong ứng dụng công nghệ số tạo ra những thách thức lớn với nhà báo và cơ quan báo chí cũng như cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo PGS.TS. Ðỗ Thị Thu Hằng: "Sự xuất hiện AI vừa là cơ hội, đồng thời là thách thức lớn với nhà báo và cơ quan báo chí, đặc biệt với các cơ quan hữu quan quản lý nhà nước về báo chí truyền thông. Nguy cơ dùng dữ liệu và tin giả trong tác phẩm báo chí rất cao, nếu quản trị nội dung trong tòa soạn không theo kịp được sự phát triển của công nghệ số.
Trong bối cảnh hành lang pháp lý cho nền báo chí số của Việt Nam còn chưa theo kịp thực tiễn, những rắc rối pháp lý, sự đe dọa an ninh truyền thông, các vụ việc vi phạm bản quyền và các tranh cãi về đạo đức báo chí, trách nhiệm xã hội của báo chí khi ứng dụng báo chí tự động... là những thách thức lớn hiện nay".
Theo PGS.TS. Ðỗ Thị Thu Hằng, với sự phát triển báo chí số trước cơ hội và thách thức của AI có 4 vấn đề đặt ra. Vấn đề thứ nhất, các cơ quan báo chí cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó đẩy mạnh ứng dụng AI trong tòa soạn. Chú ý không có kịch bản chung cho việc ứng dụng AI trong quản trị sáng tạo nội dung báo chí. Với các cơ quan báo chí đang ở bước cơ bản trong chuyển đổi số, cần tập trung các ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, nghiên cứu và phân khúc công chúng trên phiên bản báo điện tử, chú trọng an toàn và an ninh thông tin.
Hiện nay, các công ty kinh doanh nền tảng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo hoàn toàn có thể cung cấp các dịch vụ an toàn thông tin và an toàn xuất bản. Cụ thể như: Bảo mật và an toàn xuất bản; an toàn bảo mật và hệ thống hạ tầng, hệ thống phát hiện nội dung nhạy cảm;... các phần mềm này có thể được cài trực tiếp trong hệ thống CMS của tòa soạn.
Thứ hai, cần bổ sung hành lang pháp lý, ban hành luật pháp và hướng dẫn thực thi pháp luật liên quan đến sử dụng các hệ thống phần mềm ứng dụng trí thông minh nhân tạo. Ðặc biệt sử dụng đối với các dữ liệu trên không gian mạng, trong đó bổ sung các hành lang pháp lý về điều chỉnh hành vi của người dùng khi sử dụng các phần mềm hỏi đáp tự động để sáng tạo nội dung và cung cấp thông tin trên không gian mạng. Cần bổ sung những quy định liên quan đến các hành vi vi phạm như đánh cắp thông tin, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ đơn vị sở hữu khỏi những tình huống bị hãm hại bởi các cá nhân, đơn vị khác.
Nền báo chí số luôn gắn với kinh tế số cũng như kinh tế báo chí số. Công cụ pháp lý về quản trị nội dung, quản trị tòa soạn số trong bối cảnh hiện nay đang là những thách thức lớn. Nhất là vấn đề an toàn thông tin, an ninh truyền thông và vấn đề sở hữu trí tuệ khi Chat GPT, AI phát triển tạo nguy cơ sản xuất và phát tán tin giả bằng báo chí tự động. Công cụ pháp lý kinh doanh báo chí số, đặc biệt là công cụ pháp lý cho quản trị tài chính đang là khúc mắc lớn cần có giải pháp tháo gỡ.
Thứ ba, các cơ quan báo chí cần có hạ tầng và những nền tảng số căn bản, đồng bộ để vận hành nền báo chí số cũng như ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, phân phối trên các nền tảng, cần có sự thống nhất và phối hợp đồng bộ trong các cơ quan, tổ chức quản lý thông tin trên không gian mạng. Ðặc biệt, cần xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn về lý luận chính trị, nền tảng tư tưởng của Ðảng để cung cấp sở cứ cho toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân soi chiếu tính đúng đắn của thông tin thu thập được.
Cuối cùng, nền báo chí số và việc ứng dụng AI trong báo chí đòi hỏi những bộ phận mới, các vị trí công việc mới, những yêu cầu mới, nguyên tắc mới cho những vị trí việc làm cũ. Ðiều này dẫn tới sự thay đổi mạnh trong nhu cầu nhân lực báo chí truyền thông cho chuyển đổi số. Hiện nay, chỉ một số cơ quan báo chí Trung ương và số ít đài phát thanh và truyền hình ở các thành phố lớn bước đầu đáp ứng yêu cầu về nhân lực và vật lực.
Cũng theo PGS.TS. Ðỗ Thị Thu Hằng, các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ bởi khác với con người. Hầu hết các ý kiến của các nhà báo, nhà quản lý báo chí, chuyên gia công nghệ và bản quyền số đều cho rằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí là một công cụ tốt.
"Tuy nhiên, AI không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí. Do đó, để làm chủ và sử dụng được công cụ số nói chung và các phần mềm ứng dụng AI nói riêng, mỗi nhà báo Việt Nam phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng. Bên cạnh đó cũng phải luôn học hỏi, thảo luận để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ chúng ta" - PGS.TS. Ðỗ Thị Thu Hằng nói.
Tạo ra nội dung chất lượng cao, độc quyền và sâu sắc mà AI khó có thể tái tạo
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hải Long - CEO Founder ChatX nền tảng AI dành cho doanh nghiệp cho biết: "Như chúng ta đã thấy, với sự ra đời của các mô hình AI tiên tiến như GPT-4, Gemini, hay Copilot, những công nghệ này sẽ thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh của nhiều lĩnh vực, trong đó có quảng cáo kỹ thuật số. AI giúp các nhà sáng tạo nội dung tìm kiếm thông tin nhanh hơn và phân tích lượng lớn dữ liệu để phát hiện xu hướng, giúp các nhà báo và biên tập viên tạo ra nội dung phù hợp với nhu cầu của độc giả. AI có thể tạo ra những nội dung được cá nhân hóa cho mỗi đối tượng độc giả, nâng cao sự tương tác và hài lòng của độc giả.
AI không chỉ đơn thuần là một công cụ hỗ trợ mà còn có khả năng thay đổi toàn diện mô hình kinh doanh của ngành truyền thông và báo chí. Từ việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, đến cải thiện hiệu quả quảng cáo và đổi mới mô hình doanh thu, AI đang tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành này. Ðể tận dụng tối đa tiềm năng của AI, các tổ chức truyền thông và báo chí cần đầu tư vào công nghệ, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng về AI và xây dựng các quy trình và chiến lược linh hoạt, sáng tạo".
CEO Founder ChatX cho biết, AI không chỉ đơn giản là công nghệ mà còn là một cuộc cách mạng cho toàn nhân loại, nếu chúng ta không ứng dụng và hành động, chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Ðể không bị tụt hậu, các cơ quan báo chí cần đào tạo và bổ sung kiến thức cho nhân viên về ứng dụng AI trong công việc để tối ưu hóa hiệu suất làm việc. Kết hợp kỹ năng truyền thống và hiện đại về viết và phân tích truyền thống với kiến thức về AI và dữ liệu lớn (Big Data).
Ðồng thời, tạo nội dung độc quyền và chất lượng, tập trung vào việc tạo ra nội dung chất lượng cao, độc quyền và sâu sắc mà AI khó có thể tái tạo hoàn toàn. Ðẩy mạnh báo chí điều tra và các hình thức báo chí đòi hỏi sự sáng tạo, phân tích và tiếp cận thông tin phức tạp, phân tích dữ liệu lớn, sử dụng AI để phân tích dữ liệu lớn từ các nguồn thông tin khác nhau, từ đó phát hiện xu hướng và nhu cầu của độc giả. Biến trí tuệ nhân tạo thành công cụ, vì AI có thể dự đoán xu hướng nội dung và sự quan tâm của độc giả trong tương lai, giúp các tổ chức báo chí lập kế hoạch sản xuất nội dung hiệu quả.
"AI, xét cho cùng là một công cụ sinh ra với mục đích phục vụ con người. Nếu sử dụng đúng cách, nó sẽ mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, nếu sử dụng sai mục đích, AI có thể gây ra những rủi ro về tin tức giả mạo và thông tin sai lệch. Cụ thể, AI có thể tạo ra tin tức giả mạo hoặc thông tin sai lệch một cách nhanh chóng và khó bị phát hiện. Các mô hình ngôn ngữ như GPT-3 (một mô hình AI xử lý ngôn ngữ nâng cao do OpenAI phát triển) có thể viết các bài báo trông rất thuyết phục nhưng không chính xác. Việc lan truyền tin tức giả mạo có thể dẫn đến sự hiểu lầm, hoang mang trong xã hội và gây ra các hậu quả nghiêm trọng về chính trị, kinh tế và xã hội.
Bên cạnh đó, thiếu kiểm soát và minh bạch có rủi ro. Cụ thể, các hệ thống AI có thể hoạt động như một "hộp đen", nơi các quyết định được đưa ra mà không có sự minh bạch về cách thức hoạt động hoặc lý do đằng sau các quyết định đó. Việc thiếu minh bạch có thể dẫn đến mất niềm tin từ phía công chúng và các bên liên quan. Ðồng thời, việc thiếu kiểm soát cũng có thể khiến AI bị lạm dụng cho các mục đích không chính đáng" - CEO Founder ChatX cho biết.
Việc phát triển báo chí theo hướng đa phương tiện và hội tụ đang tạo nhiều cơ hội cũng như thách thức cho cơ quan báo chí và nhà báo. Một trong những cơ hội đó là thực hiện được nhiều tin, bài chất lượng và tăng số lượng độc giả cho tờ báo. Tuy nhiên, cơ quan báo chí phải có nguồn kinh phí để phát triển tòa soạn, phải đầu tư phát triển nhân tố quyết định sự tồn tại của mình, đó là đội ngũ nhà báo giỏi nghề, chuyên nghiệp. Nhà báo, những người luôn được coi là đại diện cho tiếng nói của Ðảng, của nhân dân, đạo đức nghề nghiệp cần phải được đề cao. Vì cùng lúc, báo chí có thể tác động đến nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội, nhiều lĩnh vực trong cuộc sống nên những người làm báo trong mỗi tác phẩm, sản phẩm báo chí của mình phải nhận thức sâu sắc từng việc làm, cân nhắc kỹ lưỡng và xem xét cẩn trọng...
Do vậy, dù công nghệ phát triển đến đâu, dù là sử dụng biện pháp nào, phương thức nào để tận dụng thời cơ cũng như giải quyết thách thức mới đặt ra thì yếu tố quyết định vẫn là con người. Người làm báo hiện nay bên cạnh việc nỗ lực học tập nâng cao kiến thức nắm bắt thành tựu công nghệ để theo kịp xu thế phát triển của thời đại, còn phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, trau dồi bản lĩnh chính trị, kiên định lập trường của người làm báo cách mạng để làm tròn nhiệm vụ.