Liên quan đến sự cố nứt mặt đường cầu Thăng Long sau khi hoàn thành việc sửa chữa mới đưa vào sử dụng, sáng ngày 22/3/2010, trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, Chánh Văn phòng Bộ GTVT, Người phát ngôn của Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương vào cuộc sửa chữa, xử lý và tìm nguyên nhân gây ra hiện tượng trên.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1723/QĐ-BGTVT ngày 16/6/2009 và giao cho Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, dự án gồm 3 hạng mục chính gồm: sửa chữa mặt cầu Thăng Long, thay thế khe co giãn và sửa chữa đường đảm bảo giao thông 2 bên cánh gà tầng 1. Do cấu tạo mặt cầu Thăng Long là bản mặt thép có bề rộng tương đối lớn (khác với mặt cầu bằng bê-tông cốt thép thông thường) nên trong dự án được duyệt sử dụng lớp bê-tông nhựa nóng SMA để thay thế lớp mặt cầu cũ, đây là vật liệu mới, công nghệ tiên tiến được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam. Trong suốt quá trình triển khai thi công, các cơ quan, đơn vị liên quan đã thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ vật liệu đầu vào, tuân thủ nghiêm quy trình, công nghệ thi công đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Dự án đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 29/12/2009 đảm bảo lưu thông và giảm ùn tắc tuyến đường vành đai 3 đoạn Nội Bài – Hà Nội và bảo vệ bền vững kết cấu của cầu Thăng Long. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục ĐBVN và Ban QLDA 2, trong thời gian gần đây có hiện tượng đọng nước và xuất hiện một số vết nứt của thảm bê-tông nhựa trên mặt cầu, tập trung chủ yếu ở 1/2 liên 5 (Nhịp thứ nhất bên trái chiều từ Hà Nội - Nội Bài). Cũng theo ghi nhận của phóng viên, mặt cầu không chỉ bị nứt mà còn gồ ghề, lồi lõm do lớp vật liệu trải bị dồn ứ, đùn. Những lớp vật liệu bê-tông không kết dính với nhau, có dấu hiệu nứt vỡ, nhiều đoạn mặt cầu bày ra sự nham nhở sau được hàn gắn lại. Có khoảng hơn 10 vết nứt trên mặt cầu mới sửa chữa, nhiều vết trung bình dài hơn 1m, rộng 4-5cm. Đặc biệt có những vết dài tới 2m, sâu 5 - 7cm để lộ ra lớp bê-tông thứ 2 trên mặt cầu.
Vết nứt trên mặt cầu. |
Trước sự cố trên, ông Nguyễn Văn Công cho biết, để đảm bảo tính bền vững kết cấu và khai thác mặt cầu về lâu dài, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA 2 chỉ đạo, tư vấn, nhà thầu khẩn trương tập trung nhân lực, thiết bị sửa chữa các vị trí bị hư hỏng trong thời gian nhanh nhất, tiếp tục xẻ rãnh thoát nước dọc và ngang tại các vị trí trên cầu để thoát nước triệt để từ mặt bê-tông nhựa ra máng thu nước. Các công việc trên xong trước ngày 31/3/2010. Vụ KHCN chủ trì, phối hợp với Cục ĐBVN, Cục QLXD & CL CTGT, Ban QLDA 2, Viện KHCN GTVT, nhà thầu rà soát lại toàn bộ hồ sơ thiết kế, hồ sơ thi công, công nghệ thi công, đánh giá chất lượng thi công lớp mặt bê-tông nhựa để tìm ra nguyên nhân và đề xuất phương án khắc phục triệt để đảm bảo tính bền vững của công trình trong quá trình khai thác.
Cầu Thăng Long được đầu tư hơn 90 tỷ đồng để bóc toàn bộ lớp phủ mặt cầu cũ, làm mới lớp phủ mặt cầu rộng 16,5m, dài gần 1,7km. Cầu được sửa chữa từ tháng 10/2009 - 20/12/2009. Công trình vẫn trong giai đoạn bảo hành.
Nhóm PV TSCT