Hà Nội

Công nghệ thông tin được phát triển mạnh trong khám chữa bệnh

07-04-2016 10:20 | Thời sự
google news

SKĐS - Là tỉnh trung tâm về kinh tế, giáo dục và y tế vùng miền núi phía Bắc, xác định rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của ngành và từng đơn vị, Sở Y tế Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch với mục tiêu đến năm 2020 tất cả các thủ tục hành chính của toàn ngành được ứng dụng thông qua CNTT, xây dựng hệ thống Hồ sơ y tế điện tử (EMR) và bệnh án điện tử trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Kết nối 24/24h

Bám sát mục tiêu này từ những năm 2005 đến 2009, Ngành y tế Thái Nguuyên đã triển khai nhiều dự án thí điểm về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chương trình y tế từ các trạm y tế cơ sở đến các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh và Sở y tế. Điển hình như Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý chương trình y tế từ xã lên tỉnh tại Thái Nguyên” tại 3 trạm y tế thuộc huyện vùng cao Võ Nhai là Bình Long, Tràng Xá, Lâu Thượng và Trung tâm y tế huyện Võ Nhai;  Dự án thí điểm sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý thông tin y tế tại tuyến xã tại 6 trạm y tế xã của 2 huyện Đại Từ, Đồng Hỷ; Dự án“Cải thiện hệ thống y tế phòng, chữa bệnh tại tuyến xã tỉnh Thái Nguyên: Những can thiệp để nâng cao chất lượng số liệu, bằng chứng và năng lực” tại 181 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn… Song song với các dự án đó, từ năm 2009, Ngành Y tế Thái Nguyên cũng đã bắt đầu triển khai các dự án Ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện, Hàng năm, Sở Y tế dành khoảng 4 tỷ đồng cho CNTT nên hầu hết các đơn vị trong ngành đã có hệ thống thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, dần đáp ứng được yêu cầu. Đến nay các bệnh viện đều ứng dụng phần mềm HSOFT trong quản lý bệnh viện gồm: quản lý Hồ sơ bệnh án, quản lý thuốc và vật tư Y tế, quản lý Trang thiết bị y tế, viện phí, nhân sự...

Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, dựa trên kết quả của dự án do Tổ chức Hội đồng Dân số hỗ trợ, tỉnh  Thái Nguyên tiếp tục được tổ chức Pathfinder International chọn là tỉnh triển khai thực hiện dự án “Cải thiện công tác lập kế hoạch và chính sách trên cơ sở bằng chứng qua việc vi tính hóa Hệ thống quản lý thông tin y tế (HMIS) tại Thái Nguyên và nhân rộng mô hình ở cấp quốc gia”. Đây là dự án quan trọng có ảnh hưởng và tác động đến an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, được Bộ Y tế cũng như các đơn vị liên quan đặc biệt quan tâm.

Cán bộ trạm y tế xã sử dụng hệ thống HMIS trong hỗ trợ khám chữa bệnh

Mục đích tổng quan của dự án là đưa ra một hệ thống quản lý thông tin y tế hoàn thiện hơn tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập kế hoạch, đưa ra các chính sách đúng đắn, kịp thời và quản lý tốt hơn các chương trình y tế. Với nền tảng phần mềm HMIS, các mô đun hoạt động được với các màn hình nhập liệu nhiều chức năng nhưng đơn giản, dễ sử dụng, các bảng biểu, số liệu được phân tích và thể hiện dễ dàng, giúp các cán bộ y tế ở tuyến huyện và tỉnh ra quyết định hiệu quả hơn. Hệ thống được xây dựng dựa trên nền tảng kiến trúc tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin y tế của Bộ Y tế. Để triển khai có hiệu quả dự án, Sở Y tế Thái Nguyên đã hỗ trợ các đơn vị trong toàn ngành xây dựng kế hoạch, lộ trình trong việc thực hiện ứng dụng CNTT, tuyển dụng nhân lực, tìm nguồn đầu tư mua sắm và nâng cấp máy chủ, đường truyền cho phòng máy chủ đặt tại Sở Y tế, chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho các trạm y tế, phối hợp tốt với các Tập đoàn Viễn Thông trong triển khai thực hiện các dự án tin học hóa Y tế, thực hiện các mô hình hợp tác công tư…. Trong quá trình thực hiện dự án, Sở y tế Thái Nguyên tích cực, chủ động phối hợp với Tổ chức Pathfider International và các đối tác trong hỗ trợ kinh phí và triển khai thực hiện các bước của Dự án theo một trình tự khoa học và hợp lý, hỗ trợ kết nối với các Chuyên gia tư vấn, các Công ty phần mềm như Đăng Quang, HISP Việt Nam, Trường Đại học Y Hà Nộị, Tổng cục dân số... trong hợp tác, chia sẻ chuyên môn, kỹ thuật...

Đến nay, sau 3 năm triển khai, Hệ thống HMIS với máy tính đặt tại 181 trạm y tế và máy chủ đặt tại Sở Y tế đã kết nối liên thông 24/24h, mang lại hiệu quả to lớn trong công tác quản lý, đưa tin học hoá tới các trạm y tế, xây dựng kho dữ liệu số tại Sở Y tế (danh sách dân số, danh mục thuốc, kho thuốc…). Với cơ sở dữ liệu dân số hơn 1,2 triệu người được cập nhật biến động thường xuyên, người khám bệnh được lấy trực tiếp từ dân số có hiệu quả tích cực cho việc xây dựng bệnh án điện tử cho từng người dân trên địa bàn…

Truy xuất nhanh, hiệu quả cao

Ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho rằng: từ khi triển khai ứng dụng HMIS trong quản lý, hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe đã được cải thiện, các số liệu tổng hợp trong báo cáo, thống kê nhanh, chính xác, đầy đủ, thủ tục và chứng từ thanh toán BHYT được hoàn thành nhanh chóng, lưu trữ đầy đủ, cán bộ y tế có nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và người bệnh, học tập cập nhật nâng cao kiến thức chuyên môn... Qua số liệu luôn sẵn trong hệ thống được vi tính hóa, lãnh đạo ngành, các phòng ban chức năng tại Sở và TTYT có thể cập nhật một cách nhanh chóng và chính xác các chỉ số thống kê cơ bản trong khám và điều trị cho bệnh nhân, số lượng thuốc cấp phát, tình hình dịch bệnh… từ đó có sự chỉ đạo kịp thời về chuyên môn, giúp cho công tác chỉ đạo sát sao, kịp thời và minh bạch, rõ ràng trong quản lý thuốc, vật tư y tế tiêu hao, đồng thời giảm tối đa công việc trên giấy, công việc thủ công và làm tăng hiệu suất làm việc của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, nhờ có khả năng tiếp cận thông tin dễ dàng, chính xác hơn, đã từng bước thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng số liệu trong công tác quản lý y tế...

Mô hình ứng dụng CNTT trong công tác khám chữa bệnh từ tuyến y tế cơ sở đến tỉnh đang từng bước được nhân rộng tại tỉnh Hải Dương. Ông Phạm Xuân Viết – Phó Cục trưởng Cục công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết: “Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi nhưng lại là một trong những tỉnh đi đầu ứng dụng CNTT trong quản lý và khám chữa bệnh, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Hệ thống HMIS này có hiệu quả rất cao đối với cán bộ quản lý cũng như trực tiếp. Cục đánh giá cao những nỗ lực trong thời gian qua của ngành y tế Thái Nguyên và hy vọng mô hình ứng dụng này sẽ được nhân rộng ra nhiều tỉnh khác”.

Năm 2016, Ngành y tế Thái Nguyên phấn đấu kết nối các đơn vị dự phòng và các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh nhằm đến 2020 tất cả các thủ tục hành chính được ứng dụng thông qua CNTT. Để đạt được những mục tiêu này, cùng với những giải pháp về đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Ngành y tế Thái Nguyên tiếp tục đầu tư mạnh cho việc ứng dụng CNTT trong toàn bộ hệ thống từ cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh cho tới các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Đây được coi là giải pháp quan trọng trong đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân toàn diện./.


Ngọc Liên ( Sở Y tế Thái Nguyên)
Ý kiến của bạn