Phát hiện sớm bệnh và các di căn ung thư
Vào cuối tháng 6 năm nay, Bệnh viện ĐK Đồng Nai đã ứng dụng xạ hình bằng công nghệ Spect (máy chụp cắt lớp đơn photon) trong chẩn đoán, theo dõi bệnh nhân ung thư. BS. Đinh Thanh Bình, Trưởng Khoa Ung bướu - Y học hạt nhân, Bệnh viện ĐK Đồng Nai, cho biết: kỹ thuật Spect là công nghệ y khoa tiên tiến mới được áp dụng ở một số bệnh viện lớn. Để thực hiện điều này, bác sĩ sử dụng các đồng vị phóng xạ (nhập từ nước ngoài) phóng vào trong cơ thể bệnh nhân ung thư. Sau khi tiêm thuốc phóng xạ vào cơ thể, các đồng vị phóng xạ sẽ tập trung vào những tế bào ung thư. Sau đó, hệ thống máy Spect sẽ ghi nhận bằng những hình ảnh cụ thể, từ đó dễ dàng phát hiện ra bệnh nhân ung thư có bị di căn hay không.
Năm 2017, bà N.T.H.H (54 tuổi, ở thị xã Long Khánh) phát hiện bị ung thư vú giai đoạn 2. Kể từ đó, tuần nào bà cũng đến Bệnh viện ĐK Đồng Nai để hóa trị và xạ trị. Cuối tháng 6 năm 2018, bà biết được bệnh viện triển khai kỹ thuật xạ hình bằng công nghệ Spect để phát hiện di căn ung thư nên bà đã chụp xạ hình xương bằng công nghệ này. Bà H. cho biết, tôi được tiêm một lượng phóng xạ vào cơ thể, không cảm thấy đau nhưng phải uống rất nhiều nước, gần 1,5 lít nước. Sau một thời gian chờ đợi, tôi được các bác sĩ đưa đi chụp xạ hình. “Hy vọng kỹ thuật mới này sẽ giúp cho những người mang căn bệnh ung thư như tôi được điều trị hiệu quả hơn, không mang tâm trạng lo lắng như trước nữa”, bà H. mong muốn.
Theo BS. Bình, bệnh nhân sau khi tiêm thuốc đồng vị phóng xạ và được nghỉ ngơi tại một phòng cách ly. Thuốc đồng vị phóng xạ sẽ tập trung vào vùng xương bị tổn thương (do di căn của ung thư). Khoảng 2 - 3 giờ sau, bệnh nhân sẽ được ghi hình bằng máy Spect. Từ đó, có thể chỉ định được ung thư xương, di căn xương, hoại tử xương… qua đó biết được vị trí chính xác để phẫu thuật, lấy mẫu đi thử, đồng thời đánh giá sau một quá trình điều trị”, BS. Bình nói.
BS. Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện ĐK Đồng Nai, cho biết: bệnh viện phải mất 2 năm để chuẩn bị từ phòng ốc, trang thiết bị, máy móc cũng như đào tạo nguồn nhân lực. Trước khi đưa vào sử dụng kỹ thuật này đã được Sở Khoa học - Công nghệ kiểm tra để tránh việc rò rỉ phát tán phóng xạ. Với kỹ thuật này giúp chẩn đoán, phát hiện sớm di căn ung thư, từ đó có hướng điều trị chính xác, giúp bệnh nhân giảm được tâm lý lo sợ trước căn bệnh này.
Một bệnh nhân ung thư đang được sử dụng máy Spect để kiểm tra di căn ung thư tại Bệnh viện ĐK Đồng Nai
Nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp khác
BS. Đặng Hà Hữu Phước, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện ĐK Đồng Nai, cho biết: kỹ thuật Spect có rất nhiều ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán và theo dõi bệnh ung thư. Đó là giúp phát hiện sớm bệnh ung thư xương nguyên phát và các di căn ung thư vào xương, đánh giá đau xương, chấn thương, viêm nhiễm, hoại tử xương… Ngoài ra, kỹ thuật này còn ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác như đánh giá chức năng tuyến giáp, chức năng sống còn cơ tim…
Theo BS. Bình, khi sử dụng công nghệ Spect sẽ có nhiều ưu điểm hơn hẳn các phương pháp khác. So với các phương pháp như X-quang, CT, MRI, hình ảnh di căn vào xương chưa rõ ràng và mất thời gian. Còn công nghệ Spect sẽ giúp phát hiện các khối di căn ở giai đoạn sớm hơn 6 tháng so với các phương pháp trên, đồng thời giúp bác sĩ đánh giá được hiệu quả cụ thể của việc điều trị qua hình ảnh máy Spect chụp lại. Trước mắt, bệnh viện sẽ ứng dụng trong xạ hình xương, sau đó mở rộng trong xạ hình tuyến giáp, thận và ở tất cả cơ quan khác trên cơ thể người.
Hiện nay, đa số người dân ít khám bệnh định kỳ nên khi phát hiện ung thư thường ở giai đoạn muộn. Do đó, khi các bệnh viện triển khai kỹ thuật ứng dụng công nghệ này sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán, phát hiện, theo dõi và điều trị sớm hơn, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, giảm chi phí, thời gian chờ đợi và đặc biệt góp phần kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư.