Công nghệ mô và những thành tựu ngoạn mục

08-10-2012 15:46 | Thông tin dược học
google news

Cho đến nay, ngành công nghệ mô đã có những bước tiến vượt bậc. Những người không may bị mất một phần mô trong cơ thể như: vành tai, mũi, bị phỏng nặng, mất xương sườn, mất đi một phần khối cơ...

Cho đến nay, ngành công nghệ mô đã có những bước tiến vượt bậc. Những người không may bị mất một phần mô trong cơ thể như: vành tai, mũi, bị phỏng nặng, mất xương sườn, mất đi một phần khối cơ... hoàn toàn có thể hy vọng những thành quả của ngành công nghệ mô giúp sửa chữa những khiếm khuyết trên cơ thể của mình.

Chế tạo thành công vành tai người

Những người mất vành tai thường phải đeo vành tai giả để che bớt khiếm khuyết ấy. Tuy nhiên, vành tai giả này trông không được tự nhiên cho lắm và rất dễ bị người khác nhận ra. Từ đó, các nhà khoa học đã nghĩ đến việc tạo ra vành tai nhân tạo từ tế bào con người. Khoa Công nghệ mô tại bệnh viện đa khoa Massachusetts (Boston, Mỹ) sau thời gian miệt mài 20 năm, từ thành công trong việc chế tạo vành tai nhân tạo cho cừu và chuột, đã chế tạo thành công vành tai nhân tạo cho con người.


Từ vành tai còn lại của bệnh nhân và nhờ kỹ thuật vi tính, các nhà khoa học tạo nên một cái khung để chế tạo nên vành tai nhân tạo. Chiếc khung này được làm bằng chất titanium có nhiệm vụ nâng đỡ một cái khuôn được làm bằng collagen. Các nhà khoa học lấy các tế bào sụn phía trong mũi hay giữa xương sườn của bệnh nhân và cho vào cái khuôn này. Các nhà khoa học ủ cái khuôn này trong môi trường thích hợp và các tế bào sụn được nhân lên và lấp đầy cái khuôn này. Đó là nguyên lý để tạo nên vành tai nhân tạo từ chính tế bào sụn của bệnh nhân.

Lúc đó, người ta sẽ lấy một mảnh da của bệnh nhân và bao phủ xung quanh vành tai nhân tạo và sau đó tiến hành ghép vành tai nhân tạo. Công nghệ này đang chờ Cơ quan quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn để có thể áp dụng cho các bệnh nhân đang mang khiếm khuyết này, giúp phục hồi vành tai cho họ.

Phục hồi sức mạnh cho khối cơ bị tổn thương

Ronalt Strang là một cựu quân nhân bị trúng đạn vào đùi trái khiến anh mất đi một nửa khối cơ vùng đùi. Sự thiếu hụt khối cơ này khiến chân trái của anh bị yếu hẳn đi và rất khó khăn để đứng vững và dễ bị khuỵu xuống. Để khắc phục điều này, Ronalt Strang được các nhà khoa học thử nghiệm cấy vào vùng cơ đùi bị thương loại chất liệu được bào chế từ chất căn bản có trong mô liên kết của heo. Các nhà khoa học cấy chất liệu này vào vùng cơ đùi bị khiếm khuyết của Ronalt Strang. 

Sau khi được điều trị, sức mạnh cơ đùi của Ronalt Strang cải thiện hết sức ngoạn mục. Từ chỗ đứng không vững, giờ đây anh có thể chạy được chút ít, chơi bóng đá, bóng rổ với bạn bè.

Theo các nhà khoa học, chất căn bản khi được cấy vào khối cơ đã giúp tăng cường sức mạnh của cơ bắp, đồng thời cũng giúp tăng khối lượng cơ bắp cho Ronalt Strang.

Ngoài hai trường hợp điển hình trên, ngành công nghệ mô còn hứa hẹn nhiều điều thú vị hơn nữa. Các nhà khoa học của đại học Rice và Pittsburg đang nghiên cứu tạo xương trong phòng thí nghiệm để chữa trị cho những người mất xương hàm hoặc những khiếm khuyết trên khuôn mặt. Các nhà khoa học của bệnh viện Massachusetts đang nghiên cứu tạo ra cơ lông mi. Điều này sẽ giúp cho những người không nhắm mắt được vì bị tổn thương cơ lông mi. Việc tạo da cũng đang được nghiên cứu. Các nhà khoa học lấy mảnh da nhỏ trên người bệnh nhân để xử lý và thu được những tế bào da, sau đó những tế bào da này sẽ được phun vào vết thương hoặc vết bỏng sâu và rộng. Phương pháp điều trị này đã được áp dụng tại 7 quốc gia và đã mang về kết quả điều trị tốt đẹp.

BS. HỒ ĐĂNG KHOA


Ý kiến của bạn