Vài năm trở lại đây, làn sóng Kpop (tạm dịch là nhạc trẻ Hàn Quốc) đã có sức ảnh hưởng đến giới trẻ châu Á. Không dừng ở đó, những “ông trùm” làng Kpop còn lên tiếng chinh phục cả thị trường Âu-Mỹ bằng công nghệ lăng-xê thần tượng mới. Chỉ vài tháng sau lời thách “ngông cuồng”, Kpop đã thực sự làm giới trẻ Âu-Mỹ “phát điên”. Đằng sau thành công và lợi nhuận khổng lồ mà Kpop đã gặt hái được là những bí quyết gì?
“Châu Á hóa” âm nhạc
Có thể nói, khi nhắc đến thị trường âm nhạc châu Á, người ta sẽ nghĩ ngay đến Hàn Quốc như một quốc gia của các ngôi sao thần tượng. Ngay cả Nhật Bản cũng phải chịu lép vế trước làn sóng Kpop của Hàn Quốc. Hiện nay, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chính là “khách hàng” lớn của Kpop. Mỗi năm, các ông trùm Kpop thu về lợi nhuận khổng lồ bằng cách đưa “sản phẩm” của họ đến các quốc gia, ở đâu họ cũng được chào đón cuồng nhiệt. Sức nóng của Kpop ngày càng lợi hại khi họ tạo nên trào lưu khiến tất cả giới trẻ đều yêu thích mà quên cả sự bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa.
Châu Âu “rung chuyển” vì dàn sao hoàn hảo Kpop. |
Xem người lại ngẫm đến ta...
Nức tiếng với công nghệ luyện thần tượng, giờ đây, Kpop đang tận hưởng thành quả mà họ đã tốn nhiều công sức và thời gian mới đạt được. Đó là những hợp đồng biểu diễn đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Kể từ đầu năm 2011, fan Việt đã đón chào rất nhiều nhóm nhạc thần tượng hàng đầu Hàn Quốc, không những thế, họ còn được mãn nhãn với vẻ đẹp ngoại hình và phong cách chuyên nghiệp cũng như tài năng của các thần tượng Kpop. Bên cạnh sự đón tiếp quá nồng nhiệt dành cho sao ngoại thì dường như khán giả Việt đang quay lưng với sao nội. “Bằng chứng” là dù xuất hiện ở đâu thì những ngôi sao nhạc trẻ VN cũng không thể tạo nên sức hút đặc biệt đến thế. Nếu nói rằng công nghệ luyện thần tượng của Kpop là “giáo trình” cơ bản cho nền công nghệ luyện thần tượng nói chung thì rõ ràng ở Việt Nam chưa áp dụng được điều này. Nói một cách chính xác thì chúng ta chưa có thần tượng âm nhạc theo đúng nghĩa của nó. Vì thế, nhạc trẻ Việt Nam chưa thể kéo khán giả quay về với thị trường của mình.
Ở nước ta, một số cuộc thi tìm kiếm thần tượng âm nhạc cũng diễn ra khá rầm rộ và nhiều “tai tiếng”. Trong số hàng nghìn người tham dự cuộc thi, khán giả có thể chấp nhận việc ai giành nhiều bình chọn nhất được phong danh thần tượng. Tuy nhiên, không ít thí sinh “rớt” từ những vòng ngoài vẫn tự gắn nickname thần tượng cho nghệ danh của mình trong làng nhạc. Hành động tưởng như “vô thức” này lại vô tình khiến cho thần tượng đích thực bị đánh đồng với những thần tượng “ngộ nhận” khác. Điều này không chỉ làm giảm giá trị của ngôi sao thần tượng mà còn khiến khán giả phẫn nộ trước một nền âm nhạc “mạnh ai người ấy nổi tiếng”. Cũng vì kém chuyên nghiệp vì không được tôi luyện nên số đông ca sĩ tự phong danh ngôi sao thần tượng hiện nay đều quan niệm: Cứ lên sân khấu là khoe trang phục phản cảm, khoe vũ đạo gây sốc...!? Đây chính là nguyên nhân khiến nhạc trẻ VN trở nên kém hấp dẫn và mất kiểm soát.
Xét cho cùng, âm nhạc muốn phát triển theo hướng chuyên nghiệp thì cần phải xem lại cách quản lý ca sĩ. Nói theo ý kiến của một số khán giả thì ca sĩ có tài ở nước ta cần lắm một “tấm bằng” hành nghề, người có tài và tâm sẽ biết trân trọng giá trị khi được đứng trên sân khấu, được biểu diễn trước hàng nghìn khán giả và biết cách làm khán giả hài lòng.
Thủy Kiều