Thuật ngữ những đứa trẻ được thiết kế sẵn (Designer babies) ra đời sau thành công của kỹ thuật sinh sản trong ống nghiệm (IVF), được xem là một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực sinh sản của nhân loại trong tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh những cái được còn nhiều mặt hạn chế hiện đang được dư luận quan tâm.
Tính ưu việt của phương pháp
Những đứa trẻ được thiết kế sẵn là sản phẩm mà vật liệu di truyền đã được các nhà khoa học sàng lọc lựa chọn thông qua kỹ thuật di truyền để cho ra đời sản phẩm cuối theo ý định chủ quan của con người.

Adam Nash - đứa trẻ thiết kế sẵn đầu tiên trên thế giới.
Nhờ các tiến bộ trong lĩnh vực di truyền học, công nghệ nói trên đã được khai sinh, giúp bác sĩ và các cặp vợ chồng có thể sàng lọc phôi về mặt di truyền, hạn chế các loại bệnh rối loạn về di truyền. Một thủ thuật mang tính điểm nhấn có tên quá trình tiền cấy phôi hay kỹ thuật thử nghiệm nhiễm sắc thể PGD. Có thể hiểu đơn giản, đây là phương pháp chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi. Phương pháp này được thực hiện bằng cách sinh thiết một tế bào phôi thu được từ thụ tinh ống nghiệm khi mới được chừng 3 ngày tuổi. Tế bào tiếp tục được xét nghiệm để phát hiện các bất thường về di truyền và loại bỏ các phôi lỗi với mục đích đứa trẻ ra đời không bị mắc các bệnh lý di truyền. Với việc dùng kỹ thuật PGD, các bậc cha mẹ có thể chọn giới tính, màu mắt, màu da, màu tóc của đứa trẻ tương lai. Nhiều đặc tính thể chất khác như trí thông minh, sắc đẹp, chiều cao, ngăn chặn xu hướng hướng béo phì, bệnh tâm thần, khả năng thể thao... cũng sẽ được chọn nhờ thủ thuật nói trên.
Ưu, nhược điểm của những đứa trẻ được thiết kế sẵn
Một trong những ưu điểm lớn nhất của kỹ thuật những đứa trẻ được thiết kế sẵn là không mắc các loại bệnh di truyền nguy hiểm như trường hợp của bé Adam Nash, chào đời năm 2000, đây là đứa trẻ đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật này. Adam Nash được sinh ra bằng kỹ thuật chọn lọc di truyền, không mắc bệnh rối loạn máu như người chị, bệnh có tên Fanconi’s anemia. Adam Nash được chọn trong số 30 phôi thai hoàn toàn không mắc bệnh và quan trọng hơn các nhà khoa học còn lấy các tế bào máu của Adam cấy vào cơ thể người chị và cuối cùng chữa khỏi cho chị căn bệnh nan y nói trên.
Mặc dù công nghệ trên được dư luận đồng tình nhưng vẫn còn người phản đối, trong đó có trào lưu cho rằng nó vượt quá phạm trù đạo đức. Ví dụ như trường hợp dùng tế bào của đứa trẻ này chữa bệnh cho đứa trẻ kia. Tuy khỏi bệnh nhưng chính gia đình cũng không hài lòng vì người chị mang vật liệu của người em. Mặt trái khác của kỹ thuật này là sự hủy bỏ không thương tiếc những gì không được con người chấp nhận, kể cả những đứa trẻ không khỏe mạnh sau đó được người ta cho đi làm con nuôi phát sinh, hiện tượng đẻ thuê và tự ý hủy bỏ thai nhi nếu không thấy ưng ý. Thậm chí cả những trường hợp thai nhi khỏe mạnh, người ta nói dối để dùng cho mục đích thu hoạch tế bào gốc phục vụ cho điều trị thẩm mỹ. Thị trường mới mẻ, sôi động hiện đang rất hiếm nguyên liệu đầu vào nên nhu cầu thu hoạch tế bào gốc từ thai nhi sẽ dẫn đến nhiều hành vi vô nhân đạo, thậm chí cả phạm pháp.
Một vấn đề khác cũng cần xem xét, đó là việc tiêu hủy phôi không mong muốn cũng được xem là mặt trái của công nghệ sinh sản kiểu này. Tuy chưa phải là cuối cùng nhưng kỹ thuật di truyền, nếu được chấp nhận, sẽ có tác động tiêu cực đến xã hội, dẫn đến gia tăng sự thù hận đối với người nước ngoài hoặc bất cứ ai có những khác biệt. Những người bị khuyết tật di truyền sẽ bị xã hội từ chối, bị xếp vào đẳng cấp thấp, bị tẩy chay khỏi xã hội như từng diễn ra ở một số nơi thế giới. Trẻ em của các gia đình giàu có sẽ nhận được tăng cường di truyền, dẫn đến tầng lớp quý tộc di truyền. Trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới vẫn còn hệ tư tưởng trọng nam khinh nữ, xác định giới tính của em bé, có thể dẫn đến mất cân bằng giới tính trên diện rộng. Vì những lý do này, kỹ thuật di truyền có thể ví như một con dao hai lưỡi đều sắc.
(Theo Buzzle, 10/2014)
Việt Hà