Hà Nội

Công nghệ chụp đáy mắt giúp chẩn đoán bệnh võng mạc

21-11-2023 09:06 | Thông tin dược học

SKĐS - Võng mạc là một lớp màng mỏng trong cùng của nhãn cầu có nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng từ thủy tinh thể hội tụ lại, cảm nhận ánh sáng và truyền tín hiệu đến não thông qua hệ dây thần kinh thị giác, não bộ sẽ cho chúng ta ý thức về vật chúng ta đang nhìn thấy.

Vì sao các bệnh lý đáy mắt lại nguy hiểm?Vì sao các bệnh lý đáy mắt lại nguy hiểm?

Bệnh lý đáy mắt thường gặp ở người cao tuổi nên nhiều người chủ quan cho rằng đó là quy luật của lão hóa. Chính suy nghĩ này đã khiến không ít trường hợp bệnh diễn tiến nặng. Cùng các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tìm hiểu vì sao các bệnh lý đáy mắt lại nguy hiểm.

1. Tại sao cần đánh giá võng mạc trong thăm khám, kiểm tra sức khỏe mắt?

Võng mạc là cấu trúc mỏng, trong suốt, nhạy cảm với ánh sáng, nằm ở phía cực sau của mắt. Thông thường, ánh sáng được truyền qua các cấu trúc trong suốt là giác mạc và thủy tinh thể hội tụ tại võng mạc. Tại võng mạc, ánh sáng được chuyển đổi thành các tín hiệu thần kinh và gửi đến não để nhận dạng, hình thành các hình ảnh thị giác.

Khu vực trung tâm của võng mạc, được gọi là hoàng điểm - điểm vàng, chứa mật độ cao các tế bào cảm thụ ánh sáng và màu sắc. Những tế bào này, được gọi là các tế bào quang thụ hình nón, giúp tạo ra hình ảnh thị giác sắc nét nhất trong những điều kiện ánh sáng mạnh và chịu trách nhiệm cho thị lực trung tâm và màu sắc.

Công nghệ chụp đáy mắt giúp chẩn đoán bệnh võng mạc- Ảnh 2.

Cấu tạo của mắt và vị trí của võng mạc

Khu vực ngoại vi của võng mạc, bao quanh hoàng điểm - điểm vàng, chứa các tế bào cảm thụ ánh sáng được gọi là tế bào hình que, đáp ứng với cường độ ánh sáng thấp hơn và ít nhạy cảm với màu sắc. Chúng chịu trách nhiệm cho thị lực ngoại vi trong điều kiện ánh sáng yếu như ban đêm.

Võng mạc sau khi xử lý thông tin được thu thập bởi các tế bào cảm thụ ánh sáng sẽ gửi thông tin này đến não bộ qua dây thần kinh thị giác. Dây thần kinh thị giác và võng mạc được cấp máu một cách dồi dào bởi một hệ mạch máu phong phú, một phần bắt nguồn từ màng mạch, là lớp mạch máu nằm giữa võng mạc và cấu trúc trắng bao bên ngoài của mắt được gọi là củng mạc.

Bên cạnh đó, động mạch trung tâm võng mạc cũng là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính khác của võng mạc, gần dây thần kinh thị giác và sau đó phân nhánh ra bên trong võng mạc.

Do vai trò quan trọng của võng mạc đối với thị lực, các tổn thương trên võng mạc có thể gây mù vĩnh viễn. Một số tình trạng như bong, rách võng mạc, loạn dưỡng, tắc động, tĩnh mạch máu có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho thị lực và chức năng thị giác của người bệnh trên lâm sàng. Do đó, việc kiểm tra và đánh giá đáy mắt là vô cùng quan trọng trong quy trình chăm sóc sức khỏe mắt hiện nay.

2. Tiến bộ trong kiểm tra và đánh giá đáy mắt

Khi kiểm tra võng mạc cho bệnh nhân, thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng các loại thuốc nhỏ đặc biệt (có thành phần kháng cholinergic hoặc chủ vận alpha-adrenergic…) vào mắt để làm giãn đồng tử, phối hợp cùng các thấu kính đặc biệt cho phép quan sát, đánh giá cấu trúc võng mạc của bệnh nhân.

Mặc dù là một phương pháp vô cùng phổ biến ngày nay, nhưng những khái niệm đầu tiên trong đánh giá đáy mắt mới chỉ được ra đời vào năm 1851, cùng với sự ra đời của máy sinh hiển vi khám mắt và cho đến tận năm 1980, khi thấu kính Volk +90 và +60D được ra mắt, việc kết hợp sinh hiển vi và kính trong đánh giá đáy mắt mới được đưa vào ứng dụng lâm sàng một cách rộng rãi. Bên cạnh đó, việc đánh giá đáy mắt thông thường còn được thực hiện thông qua các thấu kính 20D – 28D cùng với đèn soi đáy mắt đội đầu, kính 3 mặt gương và máy soi đáy mắt trực tiếp.

Mặc dù đơn giản, tiện dụng, chi phí hợp lí, tuy nhiên phương pháp trên vẫn có những giới hạn trong thăm khám trên lâm sàng như: Khả năng hạn chế trong trường quan sát của các bác sĩ, rất khó để đánh giá vùng chu biên võng mạc. Trong những trường hợp cần nhỏ thuốc giãn đồng tử sẽ gây rất nhiều khó chịu cho bệnh nhân. Thời gian khám cũng như khả năng theo dõi bệnh nhân, phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy là vô cùng khó khăn.

Công nghệ chụp đáy mắt giúp chẩn đoán bệnh võng mạc- Ảnh 3.

So sánh sự khác biệt về trường quan sát trên ảnh chụp đáy mắt theo thời gian

photo-1700487632257

Hình ảnh quan sát được trên thiết bị chụp đáy mắt góc siêu rộng Ultra-wide field.

Do đó, để khắc phục những nhược điểm trên, các nhà khoa học đã cho ra đời các thiết bị cho phép chụp và lưu trữ lại các hình ảnh võng mạc. Một trong những công nghệ mới nhất được phát triển là laser quét đồng tiêu (confocal), đã nổi lên như một giải pháp nhằm giảm thiểu quang sai trên ảnh chụp, trên những bệnh nhân giãn đồng tử kém và cung cấp hình ảnh với độ chi tiết, tương phản cao.

Qua nhiều năm, các hệ thống camera đã không ngừng phát triển về độ sắc nét hình ảnh, chụp ảnh võng mạc không cần giãn đồng tử, tự động căn chụp, căn chỉnh và gần đây nhất là chụp ảnh võng mạc góc siêu rộng – Ultra wide field với nguồn sáng laser SLO tân tiến.

Công nghệ này ra đời xuất phát từ câu chuyện nỗi đau của kỹ sư Douglas Anderson (Vương quốc Anh) khi chứng kiến con trai của mình mất đi ánh sáng một bên mắt bởi những hạn chế của các thiết bị chụp đáy mắt đương thời.

Việc chỉ có góc quan sát bị giới hạn, không thể khảo sát trên những vùng võng mạc chu biên, dẫn bỏ sót những tổn thương trên lâm sàng, và hậu quả đáng tiếc như tình trạng của cậu bé được nhắc đến trong câu chuyện với bệnh lý bong võng mạc không được phát hiện.

Biến nỗi đau thành sức mạnh, kỹ sư Douglas Anderson đã đặt trọn niềm đam mê, tâm sức và tình yêu thương dành cho con, để nghiên cứu nên công nghệ chụp đáy mắt góc siêu rộng Ultra – wide field vào năm 1992.

Kể từ đó đến nay đã có hơn 20.000 cơ sở lâm sàng trên khắp thế giới ứng dụng cộng nghệ của ông và trên 127 triệu bệnh nhân đã được thăm khám với Optomap ultra – wide field. Chính sự nỗ lực không ngừng và mục tiêu mong muốn không một người bệnh nào phải chịu nỗi đau như con trai mình, Anderson và công nghệ ultra-wide field đã vinh dự được nữ hoàng Anh sắc phong tước hiệu hiệp sĩ vào năm 2006.

Công nghệ chụp đáy mắt góc siêu rộng ultra-wide filed sử dụng hệ thống quét nguồn sáng laser cho phép quan sát diện tích võng mạc từ vùng cực đến hết cả 4 góc phần tư vòng cung mạch võng mạc. Điều mà trước đây chỉ cho phép khi thực hiện ghép 8-9 ảnh võng mạc với nhau mới có thể thực hiện được.

Các thiết bị bị chụp đáy mắt góc siêu rộng cho phép khảo sát lên đến 200o (82% diện tích võng mạc) chỉ với một lần chụp, và đặc biệt là chỉ với thời gian chụp chưa đến ½ giây, bệnh nhân hoàn toàn không cần giãn đồng tử. Đây là dấu ấn đậm nét của sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ chẩn đoán hình ảnh đáy mắt hiện nay.

Trải qua một chiều dài lịch sử phát triển và không ngừng hoàn thiện, các công nghệ, thiết bị chụp đáy mắt đã trở thành một phần không thể thiếu trong thăm khám lâm sàng nhãn khoa hiện nay.

Với những ưu điểm nổi bật, cùng tích ứng dụng cao, các thiết bị chụp đáy mắt góc rộng ultra-wide field đang dần trở thành xu hướng của thời đại, là bước phát triển và tương lai cho chẩn đoán hình ảnh nhãn khoa trên thế giới.

Mời độc giả xem thêm video:

Cách điều trị đau mắt đỏ | SKĐS


DS. Đinh Quang Khải
Ý kiến của bạn