Hà Nội

Công nghệ chỉnh sửa gene: Từ thành tựu đến hiểm họa tội phạm

31-03-2020 13:07 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Sự phát triển của công nghệ gene đã tạo nên bước đột phát lớn của y học nhân loại.

Tuy nhiên, những hiểm họa của việc tự ý sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene trên người cũng tiềm ẩn những tác động không nhỏ đến xã hội, nhất là khi pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới chưa cho phép thực hiện.

Công nghệ chỉnh sửa gene - hy vọng trong điều trị các bệnh về biến đổi tế bào

Chỉnh sửa gene CRISPR là phương pháp thay đổi ADN vĩnh viễn nhằm tấn công vào tận gốc rễ của bệnh. Đây là phương pháp cắt ADN ở một điểm nhất định. Công nghệ này từ lâu đã được sử dụng trong các phòng thí nghiệm tại nhiều quốc gia trên thế giới và hiện đang được thử nghiệm điều trị cho bệnh nhân ung thư. Công nghệ điều chỉnh gene không nhằm làm thay đổi ADN trong cơ thể con người. Thay vào đó, tế bào của người bệnh được lấy ra, chỉnh sửa và đưa trở lại vào cơ thể người bệnh để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Trung Quốc và Hoa Kỳ là 2 quốc gia tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ điều chỉnh gene CRISPR. Trước đó, các nhà khoa học Trung Quốc đã thử điều trị ung thư cho người bệnh bằng phương pháp này, tuy nhiên chưa có công bố về hiệu quả trên bệnh nhân.

Ngày 6/11/2019, các bác sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu ung thư New York, Mỹ đã tuyên bố lần đầu tiên thử nghiệm công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR trong điều trị ung thư. Bằng cách lấy đi tế bào của hệ thống miễn dịch trong máu bệnh nhân và chỉnh sửa gene để các tế bào này nhận ra và chống lại các tế bào ung thư, phương pháp này đã cho hiệu quả tích cực, đồng thời gây ra ít phản ứng phụ nhất và hoàn toàn có thể kiểm soát được. Kỹ thuật điều trị ung thư bằng CRISPR giúp xóa bỏ 3 gene gây ảnh hưởng đến khả năng chữa bệnh của các tế bào và thêm vào 1 gene khác để hỗ trợ diệt tế bào ung thư.

Tại Trung tâm Điều trị ung thư thuộc Đại học Pennsylvania, Mỹ, các bác sĩ nước này đã điều trị cho 3 bệnh nhân, trong đó 2 bệnh nhân mắc bệnh đa u tủy xương - multiple myeloma, 1 bệnh nhân ung thư máu và bệnh nhân thứ ba mắc chứng sarcoma - một loại ung thư mô mềm. Sau 3 tháng thử nghiệm, tình trạng của các bệnh nhân diễn biến khá ổn định.

Kết quả này là bằng chứng cho thấy chỉnh sửa gene của các tế bào có thể mang lại hy vọng trong điều trị ung thư một cách an toàn.

He Jiankui đã bị bỏ tù vì các thí nghiệm gây tranh cãi của mình trên trẻ sơ sinh.

He Jiankui đã bị bỏ tù vì các thí nghiệm gây tranh cãi của mình trên trẻ sơ sinh.

Tự ý chỉnh sửa gene người - hành vi tội phạm và hiểm họa khôn lường

Mặc dù hứa hẹn sẽ mang lại những đột phá trong y học, song hiện trên thế giới, chỉnh sửa gene là một thủ tục lâm sàng bị cấm ở hầu hết các quốc gia. Các chuyên gia về gene trên thế giới đã lường trước những nguy cơ từ việc chỉnh sửa gene trên người, đặc biệt là hoạt động chỉnh sửa gene người với mục đích sinh sản.

Tuy nhiên, do sự hấp dẫn của công nghệ chỉnh sửa gene, nhiều nghiên cứu, thậm chí thí nghiệm về chỉnh sửa gene bất hợp pháp đã diễn ra.

Tại Trung Quốc, một nhà sinh vật học Trung Quốc có tên là He Jiankui và 2 công dân Trung Quốc khác đã bị kết án về tội liên quan đến thao túng phôi thai để ngăn ngừa nhiễm HIV. 3 em bé được sinh ra là kết quả của các cuộc thí nghiệm bất hợp pháp do ông này tiến hành.

He Jiankui đã bị kết án 3 năm tù và bị phạt 3 triệu nhân dân tệ (430.000 USD) vì hành vi chỉnh sửa gene phôi người nhằm mục đích sinh sản dẫn đến sự ra đời của 3 đứa trẻ được chỉnh sửa gene.

Jiankui đã điều khiển phôi bằng một kỹ thuật chỉnh sửa gene CRISPR nhằm giúp chúng miễn nhiễm với HIV. Điều này đã giúp những bé gái sinh đôi khỏe mạnh được sinh ra với gene chỉnh sửa.

Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2017 - 11/2018, Jiankui đã bí mật tuyển dụng 8 cặp vợ chồng tham gia thí nghiệm của mình nhưng 1 cặp đã rời bỏ dự án giữa chừng. Tất cả các ông bố trong 7 cặp vợ chồng tham gia dự án đều nhiễm HIV trong khi các bà mẹ âm tính với HIV. Kết quả là 3 em bé được sinh ra.

Khi Jiankui xuất hiện trước công chúng trong Hội nghị Thượng đỉnh về công nghệ gene ở Hồng Kông vào ngày 28/11/2019, Jiankui đã công bố trước khán giả rằng ông tự hào đã sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene được gọi là CRISPR-Cas9 để thay đổi gene của 2 bé gái sinh đôi mà ông đã đặt tên là Hồi Lulu, và Tweet Nana. Trước tuyên bố này của Jiankui, Chính quyền tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã buộc phải bắt giữ Jiankui vì hành vi bất hợp pháp và vi phạm về mặt đạo đức, đồng thời giữ cặp song sinh do Jiankui chỉnh sửa gene để theo dõi y tế.

Trước đó, theo thông báo toàn quốc từ năm 2003, Trung Quốc yêu cầu các dự án chỉnh sửa gene phải được sự chấp thuận của Ủy ban Đạo đức tại các viện nghiên cứu liên quan. Trung Quốc cũng đã công bố các dự thảo quy định cập nhật về chỉnh sửa gene và các công nghệ y sinh mới tiềm ẩn nhiều rủi ro khác. Các hướng dẫn cũng xác định rằng phôi được chỉnh sửa gene không được phép cấy vào người hoặc loài khác. Các nguyên tắc phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về chỉnh sửa gene người.


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn