Hà Nội

Công nghệ cao trong y tế có dành cho bệnh nhân nghèo?

18-10-2018 11:22 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa” y tế Việt Nam, mang lại nhiều cơ hội phát triển y tế điện tử. Trong thời gian gần đây, ngành y tế đã có nhiều đột phá ứng dụng công nghệ cao vào điều trị giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn rằng công nghệ cao đồng nghĩa với chi phí không hề rẻ. Liệu người bệnh nghèo có được thụ hưởng những dịch vụ y tế này không?

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay, các kỹ thuật chuyên sâu như ghép tạng, tế bào gốc, phẫu thuật rôbốt, điều trị miễn dịch, điều trị trúng đích sinh học… đã được triển khai ở nhiều bệnh viện không chỉ tuyến trung ương mà cả những bệnh viện tuyến tỉnh đã làm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân.

Tại buổi tọa đàm Ứng dụng công nghệ cao vào điều trị cho người bệnh, ThS.BS  Trần Xuân Vĩnh - Trưởng đơn vị Hóa trị và chăm sóc giảm nhẹ - Trung tâm Ung bướu (BVĐK tỉnh Phú Thọ) – đơn vị tuyến cơ sở đã có nhiều ứng dụng kỹ thuật cao vào điều trị cho bệnh nhân cho biết: Các ứng dụng của khoa học kỹ thuật vào trong khám chữa bệnh sẽ mang những tiến bộ của nền y học thế giới về Việt Nam, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao, giảm tải công việc hành chính cho bác sĩ. Qua đó, bác sĩ có thể dành nhiều thời gian cho việc thăm khám và điều trị bệnh.

“Mặc dù cũng có nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí còn tương đối đắt đỏ nhưng trong thời gian gần đây, phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế đã được mở rộng với nhiều loại thuốc, dịch vụ kỹ thuật cao. Chính vì thế, số lượng người dân có cơ hội tiếp nhận với dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao ngày càng nhiều hơn”- ThS. Vĩnh nói.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa” y tế Việt Nam. Ảnh minh họa.

Người Việt được sử dụng kỹ thuật nội soi tuyến giáp một lỗ hiện đại nhất thế giới

Tại BV Nội tiết Trung ương, ThS.BS Phan Hoàng Hiệp - Trưởng khoa điều trị kỹ thuật cao của BV cho biết, nhiều kỹ thuật mới đã được bệnh viện ứng dụng thành công cho người bệnh.  BV luôn cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật, phác đồ điều trị tiên tiến trong điều trị các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, thiếu hụt Iốt, đặc biệt là điều trị các bệnh lý về tuyến giáp.

Kỹ thuật tiên tiến nổi bật đó là thực hiện phẫu thuật nội soi trong điều trị các bệnh lý tuyến giáp. Phương pháp này là một trong những thành tựu của y học nước nhà. BV đã bảo vệ thành công đề tài cấp nhà nước mang tên "Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị các bệnh lý tuyến giáp" năm 2015. Kỹ thuật mang tên Dr Lương đã được ứng dụng một cách thường quy tại BV Nội tiết Trung ương. Kỹ thuật cũng đã được chuyển giao tới nhiều bệnh viện trong cả nước và một số nước trên thế giới như: Phillipines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Ấn Độ...

Mới đây nhất, ngày 1/8/2018, BV Nội tiết Trung ương đã nghiên cứu và thực hiện thành công phương pháp phẫu thuật nội soi tuyến giáp một lỗ. Đây là kỹ thuật tiên tiến đầu tiên thực hiện trên thế giới mang tính thẩm mỹ hoàn hảo nhất.  Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công mổ cho 24 ca bệnh nhân tuyến giáp.

“Mặc dù có nhiều ưu việt như vậy song chi phí cho một ca mổ bằng phương pháp phẫu thuật nội soi một lỗ cũng chỉ giống như chi phí của các ca phẫu thuật nội soi thông thường và được bảo hiểm chi trả theo quy định của bảo hiểm. Chính vì thế người dân bình thường hoàn toàn có thể tiếp cận được kỹ thuật hiện đại này”- ThS. Hiệp nói.

Các bác sĩ thực hiện ca nội soi tuyến giáp một lỗ. Đây là kỹ thuật mới hiện đại mới chỉ có Việt Nam thực hiện được.

Với các bệnh lý ung thư tuyến giáp, ThS. Hiệp cho biết, đây là một bệnh ác tính chiếm 1% trong các loại ung thư. Bệnh chia ra làm nhiều thể khác nhau với triệu chứng lâm sàng thường không rõ. Vì vậy, bệnh thường hay phát hiện muộn gây khó khăn cho việc điều trị.

Để giải quyết các vấn đề trên, ngày nay, y học đã ứng dụng nhiều phương tiện và kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến giáp như: siêu âm chẩn đoán, chọc tế bào dưới hướng dẫn siêu âm, chụp xạ hình tuyến giáp, chụp CT, làm gen học... Trong phẫu thuật sử dụng dao cắt đốt siêu âm, cắt lạnh trong mổ, làm giải phẫu bệnh để xác định rõ thể ung thư. Sau khi mổ, tùy thuộc vào thể bệnh, bệnh nhân có thể chụp xạ hình toàn thân, xạ hình tại chỗ, chụp PET - CT để xác định nhu mô tuyến giáp còn sót lại và di căn. Từ đó, bác sĩ có các phác đồ điều trị cụ thể.

Có thể nói, kỹ thuật phẫu thuật tuyến giáp của Việt Nam tiên phong trong khu vực và đứng hàng đầu trên thế giới. Nhiều phẫu thuật viên ở các nước khác đến học tập.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư ngay tại y tế cơ sở

Vớ mục tiêu hướng tới mô hình bệnh viện thông minh, BVĐK tỉnh Phú Thọ tuy là đơn vị y tế tuyến tỉnh nhưng đã đưa rất nhiều ứng dụng công nghệ thông tin, máy móc, trang thiết bị hiện đại vào việc khám chữa bệnh. Có thể kể đến như hệ thống đăng ký khám bệnh tự động, tổng đài đăng ký khám từ xa, quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, hệ thống lưu trữ hình ảnh PACs. Các trang thiết bị hiện đại đã được trang bị tại bệnh viện phục vụ khám chữa bệnh như máy CT 128 dãy, MRI 3.0, máy gia tốc điều trị ung thư, cánh tay rôbốt MAXIO trong sinh thiết khối u, phòng mổ HYBRID...

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng rất chú trọng đến đào tạo chuyên môn cho các bác sĩ, điều dưỡng. Các bác sĩ đều được đào tạo chuyên sâu từ các bệnh viện trung ương, nước ngoài nên đã làm chủ được nhiều kỹ thuật chuyên sâu như ghép tạng, phẫu thuật tim, can thiệp mạch, điều trị ung thư, đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Từ tháng 3/2018, Trung tâm Ung bướu của BV đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư (hệ thống IBM Watson for Oncology). Đây là một hệ thống ứng dụng những thành quả của điện toán biết nhận thức kết hợp với dữ liệu lớn (big data). Khi được sử dụng, hệ thống sẽ đưa ra các khuyến cáo về điều trị, qua đó bác sĩ có thể lựa chọn được phác đồ điều trị ung thư tối ưu cho từng trường hợp bệnh nhân cụ thể. Hệ thống này đã được triển khai trên 230 bệnh viện tại 13 quốc gia trên thế giới.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm Khám chữa bệnh chất lượng cao, BVĐK tỉnh Phú Thọ.

Theo các số liệu thống kê, hiện nay Việt Nam nằm trong những nước có tỷ lệ mắc ung thư thuộc nhóm trung bình - khoảng 150.000 người mắc mỗi năm. Ước tính đến năm 2020, con số mắc ung thư có thể tăng lên 200.000. ThS. Vĩnh cho rằng, nguyên nhân của sự gia tăng này có thể do các yếu tố từ môi trường sống, ô nhiễm không khí, thực phẩm, nguồn nước... Tuy nhiên, cũng có thể do sự phát triển của y tế nên sự ghi nhận ung thư tốt hơn, số lượng người bệnh được chẩn đoán, điều trị cao hơn mà trước đây không phát hiện ra.

Theo ThS. Vĩnh, điều trị ung thư ở Việt Nam hiện nay đã tiếp cận được với những phác đồ tiến bộ của thế giới. Nhiều kỹ thuật điều trị hiện đại trong xạ trị như xạ trị 3D, xạ trị điều biến liều, xạ trị dưới hướng dẫn của hình ảnh đã được ứng dụng tại nhiều bệnh viện. Trong lĩnh vực nội khoa ung thư, có thể nói các phác đồ mới nhất cũng đã được các bác sĩ sử dụng cho bệnh nhân của mình như điều trị trúng đích sinh học, điều trị miễn dịch, điều trị nội tiết.  Không chỉ ở những bệnh viện trung ương, mà các bệnh viện tuyến tỉnh đã từng bước tiếp cận với những phác đồ điều trị mới nhất.

“Có một tin vui là nhiều bệnh nhân từ các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Cần Thơ... sau khi ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo IBM Watson for Oncology vào điều trị đã có những kết quả tích cực. Với những tín hiệu khả quan này, Trung tâm vẫn sẽ tiếp tục mở rộng sử dụng hệ thống tại trung tâm để giúp cho ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư có cơ hội được tiếp cận với công nghệ cao, giúp gia tăng cơ hội điều trị thành công ung thư.

Gần đây nhất, chúng tôi đã điều trị cho một người bệnh từ TP.HCM bị ung thư vú tái phát, người bệnh này khi biết bệnh tái phát đã rất hoang mang đi khám tại nhiều bệnh viện trong nước, và cũng đã tham khảo ý kiến hội chẩn từ một trung tâm ung bước tại Singapore. Cuối cùng, người bệnh đã quyết định đến điều trị tại Trung tâm Ung bướu Phú Thọ.

Khi hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị, các bác sĩ đã quyết định tham khảo thêm ý kiến từ hệ thống IBM Watson for Oncology. Người bệnh đã nhận được một phác đồ điều trị rất mới. Kết quả đánh giá sớm sau một tháng điều trị rất khả quan. Các tổn thương di căn phổi đã giảm, người bệnh hết đau xương, tăng cân và quay trở lại với công việc của mình”- ThS. Vĩnh chia sẻ.

PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) khẳng định: “Phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế là xu thế tất yếu của thời đại. Công nghệ nền tảng điện toán biết nhận thức của IBM (Công nghệ Watson for Oncology) trong công tác hỗ trợ điều trị ung thư dựa trên bằng chứng với dữ liệu lớn, cụ thể là dựa trên hơn 1,5 triệu hồ sơ bệnh án và cập nhật dữ liệu theo thời gian 1 tháng/1 lần là công nghệ tiên tiến hiện nay ở trên thế giới.

Công nghệ IBM Watson for Oncology có thể ứng dụng ở các cơ sở khám, chữa bệnh để tư vấn hỗ trợ các bác sĩ lựa chọn phác đồ điều trị cho bệnh nhân ung thư một cách khách quan, chính xác, phù hợp và hiệu quả hơn”.

Không quên vai trò của bác sĩ

Một số ý kiến cho rằng, nếu sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư thì sẽ không cần gì đến bác sĩ ung bướu nữa? Tuy nhiên, ThS. Vĩnh khẳng định, đây là quan điểm hoàn toàn nhầm lẫn.

“Nhiều người nghe đến trí tuệ nhân tạo (AI) hay bác sĩ ảo, bác sĩ 4.0... thì cho rằng nó có thể thay thế bác sĩ trong việc điều trị ung thư. Tôi khẳng định, các hệ thống trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, rôbốt dù có thông minh, hiện đại đến đâu sẽ không bao giờ thay thế được vai trò của bác sĩ. Để có một kết quả điều trị tốt, nhất là trong ung thư, bác sĩ cần thăm khám bệnh nhân một cách tỉ mỉ, chi tiết cần phải chỉ định những xét nghiệm chụp chiếu hợp lý, để đưa ra chẩn đoán chính xác về thể bệnh, giai đoạn bệnh. Qua đó, đưa ra phác đồ điều trị hợp lý, phù hợp với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.

Các hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ bác sĩ trong việc hỗ trợ lựa chọn phác đồ điều trị, tra cứu tài liệu nhưng không thể thay thế được vai trò của bác sĩ. Ngoài ra, sự phối hợp của bệnh nhân, người nhà trong việc chăm sóc dinh dưỡng, tâm lý cũng chiếm một vai trò hết sức quan trọng để có được kết quả điều trị tốt”- chuyên gia ung thư nhấn mạnh.

Tương tự, với việc ứng dụng rôbốt trong điều trị bệnh. Hiện tại ở Việt Nam đã có khá nhiều bệnh viện triển khai phẫu thuật rôbốt như Bệnh viện nhi Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Trung ương Huế... Đây là một kỹ thuật rất hiện đại trong phẫu thuật được ứng dụng cho một số trường hợp bệnh lý phức tạp ở nhi khoa, ung thư, ngoại khoa...

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhấn mạnh, vai trò của bác sĩ vẫn là quan trọng nhất trong việc chẩn đoán, chỉ định và thực hiện phẫu thuật.


Dương Hải
Ý kiến của bạn