Tin hai chiếc tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cùng 21 thuyền viên khai thác hải sản hợp pháp và hòa bình trên vùng biển Hoàng Sa như hàng chục tàu cá khác trong suốt 8 năm qua của ngư dân Lý Sơn bị phía Trung Quốc bắt giữ trên vùng biển của Việt Nam từ ngàn đời nay tuy không bất ngờ nhưng lại thêm một nỗi đau nhức nhối về công lý trong mọi trái tim yêu hòa bình. |
Vùng biển nơi các ngư dân bị bắt là thuộc Việt Nam đã xác lập chủ quyền với những chứng cứ không thể đảo ngược từ xa xưa tới khi bị cưỡng chiếm năm 1974.
Nếu như đấy là vùng biển đang tranh chấp thì việc đơn phương dùng sức mạnh bắt giữ, giam hãm những ngư dân Việt Nam đã là vô lý huống hồ đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam từ ngàn đời nay. Vô lý hơn khi những ngư dân đảo Lý Sơn bị bắt bất hợp pháp lại bị đòi tiền chuộc và mọi ngư cụ, phương tiện đi biển cũng như mọi hải sản đánh bắt được đều bị đốt hoặc thu giữ trong một thời đại văn minh khi mà con người trên hành tinh này giải quyết mọi mâu thuẫn, tranh chấp bằng đạo lý và công lý.
Thiết tha yêu hòa bình và tôn trọng công lý, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho Đại sứ Trung Quốc và phản đối quyết liệt hành động bắt bớ ngư dân Việt Nam nói trên, yêu cầu phía Trung Quốc thả vô điều kiện và chấm dứt ngay các hành động vi phạm đến hoạt động của ngư dân Việt Nam trên phần lãnh hải của mình. Đó là hành động đúng đắn và cần thiết trước chủ quyền dân tộc và trách nhiệm trước đồng bào của mình.
Cả nước đồng cảm và chia sẻ những khó khăn của bà con ngư dân gặp phải khi ra khơi đánh bắt hải sản trên vùng biển của Tổ quốc. Cả nước cũng tự hào với bà con ngư dân không chỉ tự tin, dũng cảm trước mọi nguy tai rình rập để mưu sinh trên biển của mình mà lớn hơn cả là lòng tự trọng, niềm tin vào chân lý và tình yêu quê hương đất nước. Những tấm gương ngư dân bám biển, có người bị bắt giữ vô cớ tới 4 lần như “Sói biển” Mai Phụng Lưu, Đinh Viết Là đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, yêu chân lý và vượt qua tất cả vì tình yêu đó.
Công lý đã chiến thắng khi không ít lần bà con ta bị bắt giữ trái phép, trước nỗ lực của phía Việt Nam và công luận trong nước cũng như quốc tế, Trung Quốc cũng phải thả số ngư dân Việt Nam và không yêu cầu tiền chuộc kèm theo. Vẫn biết những mong ngóng người thân trở về của những người mẹ, người vợ là chính đáng, những đau đớn của ngư dân bị bắt giữ trái phép là khó bù đắp nổi nhưng đánh đổi bằng sự thỏa hiệp, chịu đưa tiền chuộc vô lý sẽ vô tình khiến cho hành động phi pháp của nước ngoài thành cớ để họ hợp thức hóa những hành động ngang ngược, vô lý.
Thiết nghĩ đã đến lúc cả nước, muôn triệu trái tim con dân nước Việt cùng nhau đóng góp quỹ hỗ trợ ngư dân bám biển.Đó không chỉ là vật chất mà còn là chỗ dựa tinh thần để bà con ngư dân ta hiểu được cả nước đang ở bên, trong từng con sóng nâng những con tàu cá trên vùng biển của mình. Chúng ta trân trọng tình hữu nghị với các quốc gia láng giềng song những hành động phi lý của nước ngoài trên vùng biển chủ quyền Việt Nam cần phải đưa ra trước tòa án quốc tế theo Luật biển mà các quốc gia đã công nhận.
Lê Quý