Hà Nội

Công lý cho tiếp viên Dương Châu Toàn

25-02-2016 10:11 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Toàn là tên của một nam tiếp viên hàng không 28 tuổi với gương mặt thật trong sáng và yêu đời. Ngày 06-01-2016, Toàn bị té xe gắn máy, xây sát và đau đầu gối bên trái.

12 ngày sau, lúc 8h30 phút ngày 18-01-2016, Toàn nhập bệnh viện Thống nhất và được chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước gối trái. 17h20 ngày hôm đó, Toàn được đưa vào phòng mổ. Các bác sĩ đã gây tê tủy sống và mổ nội soi tái tạo dây chằng chéo trước, cắt lọc sụn chêm cho Toàn. 19h, ca mổ hoàn tất. Toàn được chuyển ra phòng hậu phẫu của khoa Ngoại. Đến lúc này, Toàn thật sự là may mắn.


Có người bảo đó là do Toàn được gửi cho một bác sĩ Phó Giám đốc bệnh viện, nên được quan tâm nhiều, được mổ ngay trong ngày nhập viện, lại được mổ bằng một kĩ thuật cao mà không phải ở đâu cũng có thể làm được. Nhưng, theo vài người đã từng được mổ tại bệnh viện này, thì ở đây thường giải quyết bệnh khá nhanh, ít phải chờ đợi. Toàn được thực hiện một số thuốc thông thường lúc 19h, khi vừa mổ xong, và lúc 23h45 theo y lệnh của bác sĩ. 2 giờ sáng của ngày hôm sau, 19-01-2016, Toàn than đau, được bác sĩ trực cho chích 1 ống Mobic. Đến 4h45 sáng Toàn đột ngột lên cơn gồng cứng rồi co giật, mạch chậm, huyết áp tụt, rồi ngừng tim.

Ngay lập tức, các bác sĩ và nhân viên y tế bệnh viện Thống nhất đã cấp cứu cho Toàn, nhưng mãi đến 2 giờ sau, tim Toàn mới đập lại được. Khi đó thì não đã bị ảnh hưởng nặng do thiếu oxy kéo dài. Toàn hôn mê luôn và không tỉnh lại. Ngày 26-01-2016, Toàn được phát hiện suy thận, cũng là hậu quả của việc thiếu oxy kéo dài. Toàn được bệnh viện cho chụp CTScan não và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, hội chẩn với các chuyên gia Ngoại và Nội Thần kinh hàng đầu, nhưng không tìm ra nguyên nhân của hiện tượng co giật và sau đó ngưng tim.

Toàn được hồi sức và chạy thận nhân tạo. Tình trạng xấu dần, ngày 13-02-2016, Toàn đã ra đi trong sự thương cảm của gia đình, bạn bè, và các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế bệnh viện Thống Nhất. Các bạn của Toàn đã không đồng ý với giải thích của Ban lãnh đạo bệnh viện Thống nhất, rằng có thể Toàn bị một bệnh tim mạch tiềm ẩn nào đó, và đã tổ chức một chiến dịch mang tên “Công lý cho Toàn”, để tìm câu trả lời mà các bạn cho là phù hợp.

Trên góc độ là một người nhận được lời kêu gọi tham gia chiến dịch “Công lý cho Toàn”, tôi xin thành thật chia buồn với gia đình và bạn bè của Toàn, xin chia sẻ với các bạn về mất mát lớn lao này. Trên góc độ là một bác sĩ, tôi có một số ý kiến như sau về trường hợp của Toàn: Y khoa là một ngành khoa học mà cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Có rất nhiều hiện tượng xảy ra nằm ngoài tầm hiểu biết của khoa học hiện thời.

Cho nên, việc bệnh viện Thống Nhất chưa tìm được nguyên nhân xảy ra cơn co giật, mặc dù đã tổ chức hội chẩn với những chuyên gia về các lĩnh vực liên quan ở thành phố, là điều có thể hiểu được đối với những người trong ngành y. Cơn co giật của Toàn xảy ra sau khi chích thuốc Mobic hơn 2 giờ, sau khi dùng các thuốc khác hơn 4 giờ. Rất ít khả năng cơn co giật này là do thuốc gây ra.

Ngoài ra, theo như biểu hiện được mô tả lại, cơn gồng cứng rồi co giật, mạch chậm, huyết áp tụt… rồi ngưng tim, là biểu hiện kết hợp giữa những dấu hiệu của nhiều loại nguyên nhân khác nhau. Rất khó giải thích theo bất cứ hướng nào. Với diễn biến của việc Toàn được mổ ngay trong ngày nhập viện, khi than đau được chỉ định chích thuốc kháng viêm, giảm đau ngay, khi lên cơn gồng cứng và co giật được cấp cứu ngay, khó có thể nói nhân viên bệnh viện tắc trách. Đấy là chưa kể việc bệnh viện mời cả những bác sĩ ngoài viện mà gia đình tín nhiệm đến hội chẩn để tìm cách cứu chữa cho Toàn.

Theo tôi, bệnh viện Thống nhất đã thể hiện trách nhiệm của mình. Cũng xin nói rõ một chút, bệnh viện không xác định được nguyên nhân gây ra co giật, từ đó dẫn đến ngừng tim và thiếu oxy não kéo dài. Còn về nguyên nhân tử vong, bệnh viện đã xác định và chẩn đoán khi cho về, là “Suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương não không hồi phục sau ngưng tuần hoàn/Hậu phẫu tái tạo dây chằng chéo trước gối (T)”.

Thành thật chia buồn với gia đình và các bạn của Toàn. Mong các bạn bình tâm, để Toàn được yên nghỉ. Việc tổ chức chiến dịch như thế này chỉ làm phức tạp thêm tình hình, làm cho nhân viên y tế hoang mang, ảnh hưởng tới việc tập trung chữa trị cho những bệnh nhân khác.


TS.BS Võ Xuân Sơn
Ý kiến của bạn
Tags: