Nhằm kịp thời thông tin đến cộng đồng, các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã thường xuyên cung cấp thông tin công khai các cơ sở vi phạm, lý do bị xử phạt, cũng như mức phạt cụ thể ... Việc này nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.
Từ đầu năm đến nay, Cục An toàn thực phẩm đã thu hồi hàng trăm giấy phép, xử phạt gần 6 tỉ đồng đối với 99 doanh nghiệp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Tất cả cơ sở, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử phạt, Cục An toàn thực phẩm đều công bố rộng rãi trên website của Cục để các phương tiện thông tin đại chúng có thông tin chuyển tải đến cộng đồng, nhằm tăng tính răng đe và để người tiêu dùng biết, không sử dụng các sản phẩm vi phạm, không đảm bảo an toàn.
Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài, tiếp đến là Lễ hội Xuân 2019 diễn ra trên phạm vi cả nước, nhiều lễ hội kéo dài với hàng triệu lượt khách tham dự. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu của mình.
Một trong những cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đã bị Cục An toàn thực phẩm công bố thông tin rộng rãi để khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng khi lựa chọn sản phẩm
Do đó, theo Hướng dẫn triển khai công tác tuyên truyền bảo đảm An toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019, do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ban hành, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tuyên truyền chỉ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm; tuyên truyền đảm bảo các điều kiện bảo quản, kinh doanh giò, chả, bánh trưng, bánh tét, bánh, mứt cổ truyền để đảm bảo an toàn thực phẩm...
Với người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mất vệ sinh không đảm bảo an toàn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; không nên mua, tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày Tết để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hoặc mốc hỏng.
Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng hướng dẫn, hàng tuần cần công khai tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.
Theo PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, từ đầu năm 2018 đến hết tháng 10, cả nước xảy ra 91 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.710 ca mắc, trong đó có 15 trường hợp tử vong, chủ yếu do ngộ độc rượu và ngộ độc nấm.