Theo số liệu từ Ủy ban ATGT Quốc gia, trong năm 2022, đã có 308.508 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt. Vi phạm về nồng độ cồn cũng được xác định là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông.
Theo đó, năm 2023 được xác định là năm xử lý vi phạm về nồng độ cồn với mục tiêu nhằm giảm các vụ tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến bia, rượu.
Đại diện Cục CSGT cho biết, các chuyên đề, kế hoạch xử lý vi phạm nồng độ cồn luôn được đăng tải trên cổng thông tin Cục CSGT cũng như được niêm yết công khai tại trụ sở Công an các đơn vị địa phương.
Tại Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội cập nhật liên tục các kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn theo từng tháng để người dân có thể nắm bắt được.
Trong đó, Phòng CSGT Hà Nội công khai danh sách các Đội CSGT thực hiện nhiệm vụ; các tuyến đường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; các loại phương tiện, hành vi vi phạm bị xử lý và thời gian thực hiện kế hoạch… Đối với các đội CSGT - Trật tự thuộc công an quận, huyện, thị xã cũng được thực hiện tương tự.
Theo quy định, trên biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ từ 2 đến 5 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản, người vi phạm có quyền gửi văn bản yêu cầu được giải trình trực tiếp hoặc văn bản giải trình đến Trưởng phòng CSGT để thực hiện quyền giải trình.
Đồng thời, khi người dân có những vấn đề chưa rõ về máy đo nồng độ cồn sẽ được cán bộ, chiến sĩ giải thích ngay tại thời điểm xử lý vi phạm. Sau mỗi lần bị kiểm tra nồng độ cồn, người dân cũng sẽ được xem thông tin trên máy để biết mình có vi phạm hay không.
Xem thêm video được quan tâm:
Uống rượu bia sau bao lâu cơ thể mới hết nồng độ cồn?