Công khai danh sách cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm: Người tiêu dùng có thêm thông tin lựa chọn thực phẩm an toàn

29-03-2019 07:28 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Vừa qua, Đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh Nghệ An thanh tra việc chấp hành các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân năm 2019 trên địa bàn tỉnh Nghệ An vừa công bố công khai 25 cơ sở vi phạm về ATTP với số tiền xử phạt dự kiến gần 150 triệu đồng.

Đây là số tiền dự kiến xử phạt lớn nhất của các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh Nghệ An từ trước đến nay. Phóng viên báo SK&ĐS đã phỏng vấn BSCK2. Phạm Ngọc Quy - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Nghệ An về vấn đề này.

BSCK2. Phạm Ngọc Quy.

BSCK2. Phạm Ngọc Quy.

PV: Đây là lần đầu tiên tỉnh Nghệ An công bố công khai danh sách các cơ sở vi phạm về ATTP với số tiền xử phạt cao nhất từ trước tới nay. Ông bình luận gì về vấn đề này?

BSCK2. Phạm Ngọc Quy: Thực hiện kế hoạch bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2019, từ ngày 10/01/2019 - 21/3/2019, Đoàn thanh tra liên ngành về ATTP tỉnh Nghệ An đã thực hiện thanh, kiểm tra tại 58 cơ sở và làm việc cùng 6 ban chỉ đạo liên ngành ATTP huyện, thành, thị. 58 cơ sở được kiểm tra là những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, ngoài ra còn có các siêu thị. Qua thanh tra, phát hiện 25 cơ sở vi phạm ATTP, đoàn liên ngành đã lập biên bản vi phạm và xử phạt hành chính. Tổng số tiền dự kiến xử phạt là gần 150 triệu đồng.

Việc công khai danh sách các cơ sở vi phạm về ATTP đã được tỉnh Nghệ An thực hiện trong những năm gần đây nhằm cảnh báo, răn đe đối với các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà hàng ăn uống để họ nâng cao trách nhiệm đối với chính bản thân họ và có trách nhiệm với người tiêu dùng; đồng thời cung cấp các thông tin để người dân biết trong việc lựa chọn sản phẩm thực phẩm an toàn.

Các lỗi vi phạm chủ yếu qua đánh giá của chúng tôi đối với nhà hàng là không thực hiện về lưu mẫu thức ăn, chế độ kiểm thực 3 bước theo quy định của pháp luật; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang, không cắt móng tay, đeo đồng hồ trong khu vực sản xuất thực phẩm...

Việc công khai danh sách các cơ sở vi phạm về ATTP đã giúp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của người kinh doanh thực phẩm cũng như người dân.

Qua kiểm tra cũng cho thấy những thách thức đối với công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh hiện nay là không nhỏ, thưa bác sĩ?

Đúng vậy! Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, có 419km đường biên giới tiếp giáp với Lào, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn, đa số cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, cá thể hộ gia đình. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ chuyên trách ATTP các tuyến còn thiếu, trình độ năng lực hạn chế. Trang thiết bị kiểm nghiệm ATTP chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhiều xét nghiệm còn chưa thực hiện được.

Dù đã tích cực tiến hành các cuộc thanh, kiểm tra, vẫn còn những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa chấp hành đầy đủ các quy định về điều kiện ATTP; một số bộ phận người tiêu dùng thiếu kiến thức về ATTP, dẫn đến còn sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn... Đây là những khó khăn, thách thức rất lớn đối với công tác kiểm soát việc thực hiện các quy định về ATTP trên địa bàn.

Trước thực trạng mất vệ sinh ATTP, theo ông, cần đưa ra những giải pháp gì để ngăn chặn thực trạng này?

Để giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề ATTP, cần phải có các giải pháp được áp dụng đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành và không thể tách rời vai trò của người dân.

Nghệ An đã ban hành Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND ngày 18/10/2018 của UBND tỉnh quy định phân công, phân cấp và phối hợp quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An và nhiều văn bản quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về ATTP. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và UBND cấp huyện, cấp xã cũng đã tích cực triển khai nhiệm vụ trên từng lĩnh vực giao. Hiện nay, ngành y tế đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành một số văn bản như: Đề án Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATTP đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Nghệ An...

Đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và chủ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cùng các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Đẩy mạnh phong trào phát hiện và tố giác các cơ sở vi phạm các điều kiện ATTP. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra từ tuyến tỉnh đến tuyến xã theo Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 14/2/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thanh tra liên ngành về ATTP trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2019.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP và cán bộ làm công tác ATTP, trong đó chú trọng đến cán bộ công chức cấp xã được phân công phụ trách ATTP; Kỹ thuật sử dụng test nhanh ATTP; Kỹ thuật lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm và ban hành Tài liệu hướng dẫn thanh kiểm tra đối với tuyến huyện, xã...


Bảo Thy (thực hiện)
Ý kiến của bạn