Cây cao khoảng từ 1 - 1,3m, thân rễ dạng củ phân nhiều nhánh. Khi còn non, củ màu vàng, thơm, càng già củ càng to, chắc; trong ruột có màu vàng, thơm ngọt dễ chịu.
Theo Đông y, gừng gió có vị đắng, cay, tính ấm với công năng tán phong hàn, giảm đau, trị ứ huyết nên trị được chứng trúng gió, chóng mặt, nôn nao, ngất xỉu, đặc biệt có khả năng tẩy độc, bồi dưỡng sau sinh, kích thích tiêu hóa, ăn ngon, ngủ tốt, khiến da dẻ trở nên hồng hào...
Một số bài thuốc sử dụng gừng gió
Trị chứng cảm lạnh do mưa: Lá gừng gió tươi 50g, lá khuynh diệp 50g, vỏ quýt phơi khô 10g, sắc trong 1.000ml nước. Sau khi sôi 10 phút, xông đổ mồ hôi, lấy xác chà xát khắp ngực và lưng, sau đó lau khô, đắp chăn ấm. Nghỉ dưỡng 20 phút.
Phụ nữ bị rong kinh bất thường sau sinh: Củ gừng 10g, lá khoai mỡ 5g, hoa khoai mỡ 10g, sắc 3 bát nước còn nửa bát. Uống 2 lần/ngày, liên tục 3 ngày.
Phụ nữ sau sinh ăn không ngon miệng: Ngọn bí đỏ 50g, cà chua chín (bỏ hột) 50g, củ gừng gió 5g, thịt cá hồng (bỏ xương) 50g, 1/3 thìa bột nêm, 1/4 muỗng đường cát. Tất cả nấu với 500ml nước còn 300ml, chia làm 2 phần ăn trưa và chiều. Cách ngày ăn 1 lần.
Nam giới trung niên bị mỡ trong máu: 20g củ gừng gió, xắt sợi, 10g lá gừng gió xắt nhuyễn, táo tàu khô 10 quả, 30g mộc nhĩ đen, 30g nấm bào ngư, nấu tất cả trong 1 lít nước còn 500ml. Chia làm 5 phần, ăn trong ngày. Cách 3 ngày ăn 1 lần, liên tục 10 lần.
Trị đau nhức khớp chậu: 50g củ gừng gió, 20g lá ngải cứu, cả hai xắt nhuyễn thành sợi, 50g gạo lứt rang vừa vàng sẫm, 2 củ hành 20g, 15g hành lá xắt nhỏ, 200 - 350g lươn (bỏ vào dấm cho tiết nhớt, mổ bỏ ruột, chỉ máu, không bỏ đuôi) nêm gia vị, nấu trong 800ml nước còn 300ml. Chia làm 2 phần (ăn trưa, chiều), cách 2 ngày/lần, liên tục 15 lần. Có thể dùng cho phụ nữ tiền mãn kinh hay bị đau bụng, nhức mỏi tứ chi và nửa đầu.