Hải long còn có tên khác: Rồng biển, cá chìa vôi.
Hải long là vị thuốc được chế biến bằng cách lấy toàn thân của một số loài động vật hoang dã thuộc họ Hải long (Syngnathidae) bỏ ruột phơi khô. Các loài này sống ở vùng biển miền Trung và miền Nam nước ta.
Thu hoạch: Bắt chúng vào mùa hạ và mùa thu, bỏ lớp màng da ngoài và phủ tạng bên trong, rửa sạch, phơi khô là được.
Mô tả dược liệu: Hải long hình giải dài, phần giữa hơi to, phần đuôi nhỏ dần và uốn cong, tất cả dài từ 16cm – 36cm. Đường kính chỗ giữa từ 2cm – 2,6cm. Bề ngoài màu trắng vàng hoặc màu nâu xám.
Toàn thân và đuôi đều xen kín những vân hoa và vân ngang nhỏ rất đẹp. Ở phía trước đầu có một cái miệng dài như cái vòi, chừng 3,5cm, không có răng, hai mắt tròn và lõm sâu.
Hai bên sườn phía trước của thân mình có đôi vây ở ngực ngắn rộng, thân thể thường có 5 cạnh chạy dọc. Có con có 4 cạnh hoặc 7 cạnh, mặt xương sống ở phía sau, phần thân có một cái vảy lưng, chỗ cuối phần bụng có 1 lỗ nhỏ.
Phần đuôi thường có 4 cạnh chạy dọc.
Thể nhẹ, chất xương rắn chắc. Mùi hơi tanh, vị hơi mặn.
Loại to, sắc trắng, đầu đuôi đều đặn là loại tốt.
Chế biến: Chải sạch bụi bẩn, khi dùng giã nhỏ là được.
Công năng của vị thuốc hải long
Thành phần gồm: Protein, cholesterol, acid palmitic, acid stearic, calcium, magnesium, phosphorus.
Thịt hải long tươi, thơm ngon, là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe: Chất đạm, ít chất bột, nhiều vitamin (niacin, B6), omega-3, chất khoáng giúp tái tạo hồng cầu và kích hoạt hệ miễn nhiễm.
Tính vị quy kinh: Vị ngọt, tính ấm; vào kinh thận.
Công năng chủ trị: Ấm thủy tạng, khỏe dương đạo, bổ can thận, mạnh gân cốt. Trị nam giới dương suy, phụ nữ đẻ khó, báng bụng, tích tụ, đau bụng, suy nhược, thiếu máu, chân tay lạnh.
Dùng ngoài da: Chữa đinh râu, mụn nhọt sưng độc.
Cách dùng và liều lượng: 4g – 12g.
Dùng ngoài một lượng vừa đủ, tán nhỏ ra, bôi vào chỗ đau.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không dùng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Căng thẳng tinh thần trong đại dịch COVID-19, nên làm gì?