Sơn tra: vị thuốc tiêu thực
1. Đặc điểm của sơn tra
Sơn tra còn có tên gọi là bắc sơn tra, nam sơn tra, dã sơn tra. Tên khoa học Crataegus pinnatifida Bunge (bắc sơn tra, sơn tra), Crataegus cuneata Sieb.et Zucc. (nam sơn tra, dã sơn tra), thuộc họ Hoa hồng Rosaceae.
Sơn tra (Fructus Crataegi) là quả chín thái mỏng phơi hay sấy khô của cây bắc hay nam sơn tra.
Bắc sơn tra (Crataegus pinnatifida) là một cây cao 6m, cành nhỏ thường có gai.
Cây nam sơn tra hay dã sơn tra (Crataegus cuneata) cao 15m, có gai nhỏ 5-8mm.
2. Công dụng và liều dùng
Hiện nay đông y và tây y dùng sơn tra với hai mục đích khác nhau.
Tây y coi sơn tra (hoa, quả, lá) là một vị thuốc chủ yếu tác dụng trên tuần hoàn (tim và mạch máu) và giảm đau, an thần.
Đông y lại coi sơn tra là một vị thuốc chủ yếu tác dụng trên bộ máy tiêu hóa.
Theo tài liệu cổ, sơn tra có vị chua, ngọt, tính ôn vào 3 kinh tỳ, vị và can, tiêu được các thứ thịt tích trong bụng. Tuy nhiên trong các tài liệu cổ, ghi về sơn tra còn nói thêm là sơn tra phá được khí, hành ứ, hóa đờm rãi, giải được độc cá, chữa tả lỵ, trị tích khối, huyết khối, giảm đau, đồng thời ghi chú rằng: "Ăn nhiều sơn tra thì hao khí hại răng, những người gầy còm, có chứng hư chớ ăn…".
Liều dùng trong đông y: Ngày uống 3-10g dưới dạng thuốc sắc, uống một vị hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Tây y dùng dưới dạng cao lỏng (ngày uống 3 đến 4 lần trước bữa ăn, mỗi lần 20 đến 30 giọt) hoặc cồn thuốc (ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 20 đến 30 giọt) để chữa các bệnh về tim mạch, tăng huyết áp và giảm đau.
Đơn thuốc có sơn tra dùng trong đông y:
- Đơn thuốc chữa ăn uống không tiêu: Sơn tra 10g, chỉ thực 6g, trần bì 5g, hoàng liên 2g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
- Chữa hóc xương cá: Sơn tra 15g, sắc đặc với 200ml nước. Ngậm một lúc lâu rồi nuốt đi.
- Chữa ghẻ lở: Nấu nước sơn tra để tắm rửa.
Một số món ăn bài thuốc có sơn tra
BS nội trú Nguyễn Thành Vương – Khoa Y học cổ truyền Trường đại học Y Hà Nội giới thiệu một số món ăn bài thuốc có sơn tra như sau:
- Cháo sơn tra thần khúc: Sơn tra 30g, thần khúc 15g, gạo tẻ 100g, đường trắng 30g. Sắc sơn tra, thần khúc lấy nước bỏ bã; gạo vo sạch nấu cháo, cháo chín cho nước thuốc vào đun sôi, thêm đường khuấy tan đều.
Công dụng: Dùng tốt cho người ăn kém chậm tiêu.
- Nước sắc sơn tra đường phèn: Sơn tra sắc hãm lấy nước, cho thêm đường phèn khuấy đều, uống.
Công dụng: Dùng tốt cho sản phụ sau đẻ tử cung co hồi chậm, đau bụng.
- Rượu sơn tra long nhãn đại táo: Sơn tra 100g, long nhãn 100g, đại táo 30g, đường 30g, rượu 1 lít. Các vị thuốc ngâm rượu, sau 10 - 20 ngày là được, uống trước khi đi ngủ 30 - 50ml.
Công dụng: Dùng tốt cho người bị viêm khớp, đau nhức khớp.
- Chè sơn tra hạt dẻ: Sơn tra 125g, hạt dẻ 30g, cho nước nấu chín nhừ, thêm ít đường khuấy tan. Ăn bữa sáng.
Công dụng: Dùng tốt cho người bị chảy máu chân răng do thiếu vitamin C...
Kiêng kỵ: Ăn nhiều sơn tra làm hao khí hại răng. Người tỳ vị hư nhược không tích trệ, người đa toan dịch vị, người dễ có các biểu hiện kích ứng dạ dày ruột (như viêm loét dạ dày)... không nên dùng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Vì sao dân văn phòng hay bị đau vai gáy?