Đặc điểm và công dụng của lá vông nem
Vông nem có nhiều loài, để tránh nhầm lẫn, trước hết cần nói rõ hơn về đặc điểm của loài cây này.
Cây "vông nem" còn có tên là "thích đồng", "hải đồng", ... tên khoa học là Erythrina indica Lamk., thuộc họ Cánh bướm (Papilionaceae). Cây có tên là "vông nem" vì người ta thường dùng lá cây này để gói nem và để phân biệt với cây "vông đồng" và những cây vông khác.
Là loại cây gỗ lớn, vông nem cao từ 10-20m, thân có gai ngắn. Lá gồm 3 lá chét, lá chét ở giữa có chiều rộng lớn hơn chiều dài, 2 lá chét 2 bên chiều dài lớn hơn chiều rộng, hình 3 cạnh. Hoa màu đỏ tươi tụ họp từ 1 - 3 bông, thành chùm dầy. Quả giáp dài 15 -30cm, đen, hơi hẹp lại ở giữa các hạt. Trong mỗi quả có 5 - 6 hạt hình thận màu đỏ hoặc nâu, hình trứng đen có vành trắng.
Để làm thuốc, lá và vỏ thân vông nem có thể dùng tươi hoặc sấy khô.
- Lá vông nem (thích đồng diệp): Vị đắng, tính bình, vào 2 kinh Vị và Đại tràng. Có tác dụng chữa trẻ nhỏ cam tích và trừ giun đũa.
- Vỏ thân cây vông nem (thích đồng bì): Vị đắng, tính bình, vào 2 kinh Can và Thận. Có tác dụng khứ phong thấp, thông kinh lạc, sát trùng. Dùng chữa lưng gối đau nhức, tê liệt, lở ngứa. Dân gian thường dùng vỏ cây vông nem làm thuốc chữa sốt, sát trùng, thông tiểu, an thần và gây ngủ; còn dùng chữa các bệnh thổ tả, lỵ amip và trực trùng, nhuận tràng. Liều dùng hàng ngày: Từ 6 - 12g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài làm thuốc xoa bóp, thuốc mỡ.
Kết quả nghiên cứu hiện đại về cây vông nem cho thấy: Trong lá và thân cây vông nem có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương; trấn tĩnh, gây ngủ; hạ thân nhiệt và hạ huyết áp.
Lá vông thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột lang, chuột bạch, thỏ, mèo, chó, khỉ, ... đều không thấy hiện tượng ngộ độc nào. Một số nghiên cứu còn cho thấy lá vông nem chiết được chất saponin có tính chất làm giãn đồng tử.
Với các kết quả nghiên cứu các thầy thuốc đã tiến hành ứng dụng tác dụng an thần và sát trùng của lá vông trên lâm sàng có hiệu quả tốt.
Bài thuốc có sử dụng lá vông nem:
An thần, chữa mất ngủ:
Lá vông nem 24g (tươi) hoặc12g (khô) sắc hoặc hãm nước uống thay trà vào các buổi tối.
Chữa mồ hôi trộm, cải thiện chất lượng giấc ngủ:
Lá vông nem, lá dâu bánh tẻ: Mỗi vị 16g nấu canh ăn vào các bữa cơm tối.
Hỗ trợ điều trị viêm đại tràng mạn tính:
Lá vông nem 16g, lá nhót 24g, sao vàng hạ thổ, sắc uống trong ngày.
Lá vông nem khô, sao vàng hạ thổ hỗ trợ điều trị viêm đại tràng mạn tính.
Chữa phong thấp, chân tay tê mỏi:
Vỏ cây vông nem, kê huyết đằng, ý dĩ, vỏ cây chân chim, phòng kỷ; mỗi vị 16g; sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Chữa kinh nguyệt không đều, rong kinh:
Hoa cây vông nem 40-50g, sắc uống. Ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Phụ nữ sau sinh đau đầu, thị lực kém, nhìn mờ:
Vỏ cây vông già, lá mần tưới, cỏ mần trầu, ngưu tất, mỗi vị 15g; sắc uống (Bài thuốc của Tuệ Tĩnh trong "Nam dược thần hiệu"). Ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Hỗ trợ và điều trị bệnh trĩ, sa trực tràng, đại tiện ra máu:
Lá vông, lá sen: mỗi vị 16g, sắc uống.
Hoặc giã nát, lọc lấy nước cốt uống; bã hâm nóng đắp vào nơi tổn thương.
Chữa viêm da:
Vỏ vông nem, vỏ cây dâm bụt, xà sàng tử, rễ chút chít - lượng thích hợp; tất cả tán nhỏ, hòa với rượu tỷ lệ 1/5, bôi vào vết thương.
Mời bạn xem thêm video
Dinh dưỡng hợp lý cho người mất ngủ | SKĐS