Cộng đồng ASEAN: Cơ hội và thách thức

31-12-2015 10:30 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hôm nay, 31/12/2015 là ngày chính thức hình thành Cộng đồng ASEAN, ngành y tế đã chuẩn bị những gì trong quá trình hội nhập một cộng đồng chung, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Y tế về vấn đề này.

Ngày 31/12/2015 là dấu mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời Cộng đồng ASEAN. Đây không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức của ngành y tế trong quá trình hội nhập vào  một Cộng đồng chung – nơi các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ cùng chung một mái nhà,  báo Sức khỏe và đời sống  đã có cuộc trao đổi với TS Trần thị Giáng Hương – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế- Bộ Y tế về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa bà, năm 2015 qua đi đánh dấu một năm ghi nhận rất nhiều thành tựu của ngành y tế, đặc biệt trong thúc đẩy hợp tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế, xin bà cho biết một số kết quả đạt được trong công tác đối ngoại của Bộ Y tế trong năm 2015?

TS Trần Thị Giáng Hương : Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, ngành y tế là một trong những ngành đi tiên phong trong quá trình hội nhập đó và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tiến trình hội nhập quốc tế của ngành y tế đã được thực hiện từ lâu, bởi ngành y tế là một ngành khoa học kỹ thuật nên luôn phải cập nhật kiến thức hàng ngày hàng giờ. lĩnh vực y tế là một lĩnh vực nhân văn cao cả, nên nhận  được sự quan tâm hợp tác của nhiều quốc gia. Nắm bắt được điều này, ngành y tế đã rất chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế, và đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Liên tiếp những năm gần đây Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng trong lĩnh vực y tế, như Hội nghị Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 vào năm 2012; năm 2014, Việt Nam tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12 và mới đây nhất là Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN về phát triển y tế vào năm 2015. Thông qua việc tổ chức thành công các sự kiện quốc tế quan trọng này, Việt Nam đã khẳng định được vai trò và vị thế ngày càng cao của mình trên trường quốc tế, đông thời kêu gọi được thêm nhiều nguồn lực và hợp tác kỹ thuật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.


TS. Trần Thị Giáng Hương - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Y tế.

Năm 2015 vừa qua, Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN về phát triển y tế mà Việt Nam đóng vai trò là chủ nhà và chủ tịch hội nghị, có mục đích cụ thể hóa các cam kết của Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN, đưa ra các kế hoạch và lộ trình thực hiện các cam kết này. Đồng thời hội nghị còn đưa ra các lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa các nước ASEAN, thông qua cơ chế làm việc và phương thức quản trị mới trong ASEAN trong thời gian tới, nhằm mục đích giải quyết các vấn đề y tế trong khu vực một cách toàn diện và hiệu quả hơn, hướng tới mục tiêu: “Sức khỏe tốt hơn cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015” (Better Health for ASEAN Community beyond 2015). Vào cuối năm nay, khi ASEAN bắt đầu thực sự trở thành một cộng đồng, sự gắn kết với các quốc gia thành viên sẽ trở nên mật thiết và sâu sắc hơn.

Năm 2015 khép lại đánh dấu một năm ngành y tế Việt Nam đã tăng cường mở rộng nhiều quan hệ hợp tác quốc tế với các quốc gia, các Tổ chức quốc tế. Bộ Y tế nước CHXHCN Việt Nam đã ký được nhiều các văn kiện hợp tác quan trọng như Biên bản ghi nhớ hợp tác về y tế với New Zealand, Hàn Quốc, LB Nga.... Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trong tương lai với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là năm đánh dấu 20 năm hợp tác y tế Việt Nam và Hoa Kỳ, hợp tác phát triển Việt Nam – EU. Y tế chính là điểm sáng trong quan hệ 2 nước Việt Nam – Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào vào quá trình bình thường hóa và làm nồng ấm quan hệ giữa hai nước.

Trong năm qua ngành y tế Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia vào các diễn đàn y tế quốc tế, góp phần vào quá trình hoạch định chính sách y tế toàn cầu. Cụ thể là năm 2015, một tin vui cho ngành y tế và là niềm tự hào cho Việt Nam, đó là việc Việt Nam đã chính thức được bầu làm thành viên của Hội đồng chấp hành Đại hội đồng y tế thế giới (Excecutive Board of the World Health Assembly), cơ quan quan trọng nhất của Tổ chức Y tế thế giới, với nhiệm kỳ 3 năm từ 2016- 2019. Hội đồng chấp hành ĐHĐYTTG là cơ quan đưa ra những đường lối, chính sách y tế toàn cầu để các quốc gia thành viên của WHO trên thế giới triển khai thực hiện nhằm đảm bảo sức khỏe tốt hơn cho người dân và giải quyết những vấn đề y tế toàn cầu . Đây là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực hội nhập quốc tế của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Từ năm 2016, Việt Nam sẽ đại diện cho 37 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức y tế thế giới đưa ra tiếng nói, khuyến nghị của mình và các quốc gia trong khu vực để đưa vào các quyết sách toàn cầu trong lĩnh vực y tế.

Phóng viên: Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng chúng ta không quên những thách thức khó khăn ở phía trước, đó là khi các nguồn tài trợ ngày càng bị thu hẹp và cắt giảm, theo bà ngành y tế nên làm gì để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài?

TS Trần Thị Giáng Hương : Trong những năm qua, ngành y tế đã rất tích cực, chủ động kêu gọi, vận động các nguồn viện trợ, nguồn ODA và tăng cường hợp tác kỹ thuật để bổ sung vào nguồn ngân sách còn hạn hẹp cho ngành y tế. Trong bối cảnh mới, chúng ta nhìn thấy thách thức nhưng cũng tìm trong thách thức những cơ hội, tận dụng tốt các mối quan hệ hợp tác đã được gây dựng và bồi đắp trong thời gian qua để tiếp tục phát triển ngành và tìm ra những phương thức hợp tác mới. Bên cạnh việc tiếp tục vận động, thu hút các nguồn tài trợ về mặt tài chính, thì hợp tác kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thông qua các hoạt động hợp tác kỹ thuật, đội ngũ cán bộ của  Việt Nam được tăng cường năng lực quản lý, lãnh đạo điều hành, và năng lực chuyên môn, cập nhật và phát triển các kỹ thuật cao, hiện đại tiến tiến ứng dụng vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Những hợp tác này sẽ đem lại kết quả bền vững và dài lâu.

Trong bối cảnh Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, xu hướng các quốc gia sẽ giảm dần viện trợ nói chung, điều này sẽ tác động tới ngành y tế. Các nhà tài trợ đang thay đổi từ viện trợ không hoàn lại chuyển dần sang vốn vay ưu đãi, phương thức viện trợ thay đổi từ viện trợ theo dự án, sẽ chuyển sang phương thức hỗ trợ ngân sách và đánh giá bằng kết quả đầu ra như EU, WB...Một số nhà tài trợ đã dừng viện trợ như Thụy Điển, Hà Lan, Đan Mạch…và chuyển sang hình thức hợp tác đối tác, hai bên cùng có lợi, chủ yếu là hợp tác kỹ thuật, chia sẻ trao đổi kinh nghiệm. Một trong những phương thức hợp tác mới trong thời gian tới là  hợp tác  công - tư (PPP). Tất cả các hình thức hợp tác trên đã và đang được tiếp tục triển khai nhằm làm đa dạng hóa các nguồn lực cho y tế. Theo đánh giá của cá nhân tôi mặc dù giảm xuống nhưng ngành y tế vẫn tiếp tục nhận được các nguồn viện trợ, tuy nhiên phương thức, cách thức sẽ thay đổi.

Phóng viên: Năm 2015 Việt Nam đã ký Tuyên bố về hình thành Cộng đồng ASEAN, vậy ngành y tế sẽ phải làm gì để tiến tới hội nhập trong những năm tới?

TS Trần Thị Giáng Hương : Hội nhập luôn tồn tại cơ hội và thách thức song hành. Khi hội nhập chúng ta nên xem đây là cơ hội để phát triển đất nước, đồng thời cũng phải sẵn sàng đối phó với mặt trái của hội nhập. Khi Cộng đồng ASEAN chính là cơ hội để chúng ta rà soát lại hành lang pháp lý cho phù hợp với qui định chung của quốc tế. Cần xây dựng và ban hành những văn bản qui phạm pháp luật mang tính quốc tế, hội nhập. Khi ASEAN trở thành cộng đồng vào cuối năm 2015, Việt Nam đã ký các cam kết Hài hòa hóa về dịch vụ y, dịch vụ nha khoa, dịch vụ điều dưỡng, hài hòa hóa trong lĩnh vực dược, an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế…. Riêng trong lĩnh vực y tế, điều cần làm trong thời gian tới là Việt Nam và các nước ASEAN cần hợp tác, công nhận lẫn nhau như hệ thống đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề của Việt Nam cần được chuẩn hóa và được các nước công nhận. Khi nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực y tế, chúng ta không nên lo mất sân nhà, bởi khi đã có sự cạnh tranh, hệ thống y tế công phải nỗ lực hơn để tăng cường chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà.


Hải Yến
Ý kiến của bạn