Công đoàn Y tế Việt Nam: Luôn tận tâm vì những đoàn viên ngành y

15-07-2023 16:09 | Y tế

SKĐS - Trước thềm Đại hội 14 Công đoàn Y tế Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028, PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam đã có những chia sẻ về chặng đường 5 năm qua (2018-2023), những khó khăn, nhiệm vụ đặt ra cho Công đoàn các cấp cơ sở ngành Y tế trong nhiệm kỳ tới.

PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam

PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam

Phóng viên (PV): Nhìn lại một chặng đường nhiệm kỳ 13 vừa qua (2018-2023), theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, Công đoàn Y tế Việt Nam đã có những thành tựu gì trong thực hiện chức năng nhiệm vụ?

PGS.TS Phạm Thanh Bình: Tính đến tháng 5/2023, Công đoàn Y tế Việt Nam đang trực tiếp quản lý 108 công đoàn cơ sở với hơn 51 nghìn  đoàn viên, trong đó đoàn viên nữ chiếm trên 60%. Đặc biệt, từ cuối năm 2019, dịch bệnh Covid-19 bùng phát thành đại dịch trên phạm vi toàn thế giới thì tất cả cán bộ, nhân viên y tế trở thành lực lượng tuyến đầu trên mặt trận chống dịch.

Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Công đoàn Y tế Việt Nam (CĐYTVN) đã tham mưu với Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế định mức phụ cấp chống dịch tăng gấp 2 so với thời điểm trước đó là được 300.000đ/ ngày. CĐYTVN đã phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời hỗ trợ các cán bộ y tế khó khăn, gia đình có người thân mất được thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời.

CĐYTVN đã đề xuất và huy động nguồn để mua bảo hiểm an toàn cho cán bộ y tế, đề xuất cán bộ y tế bị nhiễm bệnh, đề xuất 1 tháng lương cơ bản khi đi tăng cường chống dịch. Hỗ trợ gói nghỉ dưỡng cho 5000 cán bộ ngành y đi chống dịch trở về. Tổng kinh phí tiền và hàng huy động trị giá trăm tỷ đồng.

Công đoàn Y tế Việt Nam: Tận tâm vì những công đoàn viên ngành y - Ảnh 2.

CĐYTVN thăm hỏi và động viên cán bộ y tế tham gia chống dịch tại đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai).

Trong nhiệm kỳ vừa qua, CĐYTVN đã ký quy chế phối hợp với  LĐLĐ 63 tỉnh thành phố; ký 15 chương trình phối hợp với với các hội, tổ chức trung ương, đơn vị nghiên cứu; ký với 45 đơn vị phúc lợi đoàn viên để đem lại ưu đãi, giảm giá từ 10-70%, đem lại phúc lợi cho gần 20.000 đoàn viên trị giá hơn 14 tỷ đồng.

Về công tác truyền thông, CĐYTVN đã tổ chức nhiều cuộc thi, thu hút hàng trăm nghìn đoàn viên tham gia như: Cuộc thi "Thời khắc khó quên của cán bộ y tế, cuộc thi "nâng cao kiến thức an toàn vệ sinh lao động", "nét đẹp công đoàn"...

Sau đại dịch Covid-19 là sự khủng hoảng về tinh thần khi nhiều cán bộ, nhân viên y tế liên quan đến pháp lý; đời sống nhân viên y tế khó khăn, thu nhập giảm do các đơn vị tự chủ với giá viện phí 20 năm chưa thay đổi, thu không đủ bù chi. Đã có hơn 10.000 cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc/chuyển việc sang khu vực tư nhân. Có thể nói, nhiệm kỳ 13 của Công đoàn Y tế Việt Nam là nhiệm kỳ đặc biệt vì có 3/5 năm tập trung công tác chống dịch Covid-19, đại dịch chưa từng có trong lịch sử, áp lực đè nặng lên toàn bộ hệ thống y tế, do đó tổ chức công đoàn các cấp cũng chịu áp lực không kém, để đồng hành đảm bảo công tác chăm lo, bảo vệ đoàn viên trên tuyến đầu.

Trong khó khăn, ở mọi thời điểm, Công đoàn ngành Y tế Việt Nam đã trở thành chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động cả về tinh thần và vật chất, thực sự là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, duy trì và đảm bảo sự hài hòa, ổn định phát triển của các đơn vị y tế.

Công đoàn Y tế Việt Nam: Luôn tận tâm vì những đoàn viên ngành y - Ảnh 3.

CĐYTVN trao quà hỗ trợ các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19

PV: Những thử thách, nhiệm vụ đặt ra cho Công đoàn các cấp cơ sở ngành Y tế trong nhiệm kỳ tới là gì, thưa PGS.TS Phạm Thanh Bình?

PGS.TS Phạm Thanh Bình: Ngành Y tế đã và đang đối diện với nhiều thách thức trong thời gian tới khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn, đồng thời nhiều dịch bệnh mới vẫn có nguy cơ xảy ra. Chưa kể các bệnh không lây nhiễm, ung thư ngày càng gia tăng. Nhu cầu chăm sóc người bệnh ngày càng cao, nhưng biên chế ngành Y tế phải tính như các ngành khác phải giảm 5-10%, trong khi lương lại là ngành đứng thứ 17/18; Các chế độ, chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế từ hàng chục năm chưa được thay đổi như tiền trực năm 2012 là 18.000 đồng và 25.000 đồng. Hiện nay mức lương cơ sở đã được điều chỉnh lên mức 1,8 triệu đồng song các chế độ trên vẫn chưa có sự điều chỉnh tương ứng, ngoài ra, rất nhiều chế độ chính sách từ độc hại đến các chính sách khác đều quá cũ.

Trong nhiệm kỳ tới, CĐYTVN và các cấp công đoàn sẽ phải tiếp tục đồng hành với Bộ Y tế, đoàn viên, Lãnh đạo các đơn vị để tham mưu, tham gia quản lý, giám sát các chế độ, chính sách; động viên, đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên để cán bộ, nhân viên  y tế tận tâm cống hiến với nghề mình đã chọn; phát động các phong trào đặc thù ngành như các cuộc thi bác sĩ giỏi, điều dưỡng giỏi, các phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo để phát huy sáng kiến, đổi mới, ứng dụng kỹ thuật cao để chăm lo tốt hơn sức khỏe cho người dân.

Công đoàn Y  tế Việt Nam vẫn còn đối diện với muôn vàn khó khăn, khi 50% chủ tịch công đoàn cơ sở trực thuộc của nhiệm kỳ mới đều là cán bộ mới. Đây là thách thức lớn để các đồng chí cán bộ công đoàn mới nhanh chóng tiếp cận công việc, trưởng thành trong công việc và thực sự trở thành "cánh tay nối dài" của CĐYTVN chăm lo cho đoàn viên.

Công đoàn Y tế Việt Nam: Tận tâm vì những công đoàn viên ngành y - Ảnh 3.

Chung kết Hội thi phụ nữ ngành y duyên dáng, chuyên nghiệp, tận tâm lần thứ nhất

 PV: Xin bà cho biết về vai trò và ý nghĩa của việc quan tâm, phát triển các hoạt động Công đoàn với đời sống đoàn viên, người lao động... và sự phát triển của mỗi đơn vị?

PGS.TS Phạm Thanh Bình: Đoàn viên ngành Y tế cả nước hiện có khoảng 500 ngàn người, chỉ chiếm 1/24 số đoàn viên cả nước, nhưng họ là những đoàn viên đặc biệt vì mang trọng trách chăm sớc sức khỏe cho trên 100 triệu dân. Do vậy, đoàn viên ngành Y tế có khỏe thì mới chăm sóc y tế tốt nhất cho người dân. Để chăm lo, bảo vệ đoàn viên ngành Y tế chính là tổ chức công đoàn ở mỗi đơn vị. Tổ chức công đoàn ở các đơn vị ngành Y tế hoạt động tốt, sẽ là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, đảm bảo sự hài hòa, ổn định và phát triển của mỗi đơn vị. Đặc biệt, nếu được nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy và sự phối hợp tốt của Lãnh đạo đơn vị thì đoàn viên được đảm bảo chế độ chính sách, được chăm lo  cả về vật chất lẫn tinh thần thì đội ngũ thầy thuốc sẽ yên tâm công tác, cống hiến nhiều hơn vì sức khỏe người dân. 

Tổ chức công đoàn hoạt động tốt, đồng thời phải tập hợp được sự hưởng ứng tích cực của các đoàn viên trong việc tham gia các phong trào thi đua về ngành nghề, nâng cao tay nghề, học tập đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng văn hóa công sở, qua đó góp phần phát triển thương hiệu của mỗi đơn vị.

Đặc thù các cấp công đoàn ngành Y tế đa phần là kiêm nhiệm, các đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành hầu hết là lãnh đạo các khoa phòng, có nơi Chủ tịch Công đoàn là lãnh đạo đơn vị, nên bản thân cán bộ công đoàn vừa làm chuyên môn, quản lý vừa gánh vác vai trò chăm lo cho đoàn viên khác, họ phải thêm một "chữ Tâm" mới làm được. Do đó, Thông điệp của Công đoàn Y tế Việt Nam hướng dẫn các cán bộ công đoàn trong tổ chức công đoàn các cấp nhiệm kỳ mới vẫn là "Tham mưu giỏi, cải tiến nhiều, trách nhiệm cao vì đoàn viên ngành Y tế"

Với các kết quả đạt được, trong giai đoạn 2018 - 2023, Công đoàn Y tế Việt Nam đã được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và cá nhân đồng chí Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam; 43 tập thể và 220 cá nhân được nhận Bằng khen; 138 tập thể được nhận Cờ Thi đua; 60 cá nhân nhận được Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Gần 10,000 tập thể cá nhân nhận được cờ và bằng khen của Công đoàn Y tế Việt Nam.


Nguyễn Khánh
Ý kiến của bạn