Công đoàn Y tế đề nghị xếp lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng

02-12-2023 06:57 | Thời sự
google news

SKĐS - Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh việc xếp lương khởi điểm đối với bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 ở tất cả các hạng chức danh.

Đề xuất thay đổi chính sách đãi ngộ

Tại tham luận của Công đoàn Y tế Việt Nam gửi tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam có nêu rõ, ngay sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc, ngành y tế gặp nhiều khó khăn do hệ lụy từ đại dịch để lại. Trong đó có khó khăn về cơ chế chính sách tự chủ, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, chế độ chính sách động viên, thu hút cán bộ.

"Lại một lần nữa, các cấp công đoàn y tế đã thể hiện được vai trò động viên, xây dựng văn hóa công sở, xây dựng môi trường lao động đoàn kết, thân thiện qua các hoạt động phong trào với phương châm đổi mới phong cách thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh", tham luận nêu rõ.

Công đoàn Y tế đề nghị xếp lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng- Ảnh 1.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra từ ngày 1/12-3/12/2023.

Cùng với đó, các cấp công đoàn đã tiếp tục động viên đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động ngành y tế yêu nghề, cống hiến tận tâm vì nghề mình đã chọn để khắc phục trào lưu bỏ việc, chuyển việc từ khu vực công ra khu vực tư nhân. Các cấp công đoàn y tế đã và đang tiếp tục cố gắng nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên để đề xuất các kiến nghị kịp thời giải quyết khó khăn của nhiều bác sĩ, nhân viên y tế như: khối lượng công việc nhiều, nhưng mức thu nhập giảm vì không có nguồn thu từ tự chủ tài chính, họ buộc phải mưu sinh bằng nhiều hình thức khác nhau.

Công đoàn Y tế Việt Nam khẳng định, từ những vấn đề bất cập cụ thể trên cho thấy việc thay đổi chính sách đãi ngộ với đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động ngành y tế là vô cùng cấp thiết.

Đề xuất xếp lương khởi điểm bậc 2 sau khi được tuyển dụng

Trước thực trạng trên, Công đoàn Y tế Việt Nam đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền một số nội dung cụ thể:

Thứ nhất, về mức lương khởi điểm của bác sĩ: Ngành y là ngành đặc thù, với trình độ và chất lượng lao động cao, để có chứng chỉ hành nghề và được đi làm tại các cơ sở y tế, một bác sĩ phải mất 7,5 năm (trong đó 6 năm học đại học và 18 tháng thực hành sau khi tốt nghiệp) trong khi cử nhân chỉ học 4 năm. Tuy nhiên, khi ra trường, tiền lương ngạch, bậc, các chế độ phụ cấp hưởng như nhau.

Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh việc xếp lương khởi điểm đối với bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh. Cần có cơ chế chi lương phù hợp, áp dụng cơ chế tiền lương doanh nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2).

Công đoàn Y tế đề nghị xếp lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng- Ảnh 2.

Phiên họp thứ nhất, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Thứ hai, về phụ cấp trực, phụ cấp ưu đãi nghề, thâm niên nghề cần được tính vào lương mới để đảm bảo các chế độ đặc thù ngành y tế là ngành được đãi ngộ đặc biệt theo Nghị quyết 20 và Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị:

Về phụ cấp trực: Hiện nay, mức phụ cấp của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quá thấp và không còn phù hợp, cụ thể: Trực ngày thường được hưởng: 18.750 đồng/ngày (16/24h); 25.000 đồng/ngày (trực 24/24) theo mức lương cơ sở áp dụng khi xây dựng năm 2011 là 830.000 đồng. Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg điều chỉnh nâng mức phụ cấp trực theo mức chi phụ cấp trực tương ứng theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở phù hợp với mức lương tối thiểu mới từ 1/7/2023 là 1.800.000 đồng.

Công đoàn Y tế đề nghị xếp lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng- Ảnh 3.

Công đoàn Y tế Việt Nam kiến nghị nhiều chính sách về lương, phụ cấp... đối với lực lượng thầy thuốc.

Về phụ cấp ưu đãi nghề: Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP của CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó: Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; Tuy nhiên, hiệu lực của nghị định chỉ được áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời hạn Nghị định và mở rộng đối với đối tượng y tế cơ sở hưởng phụ cấp. Các chế độ phụ cấp trực và ưu đãi nghề, thâm niên nghề cần được quy đổi để tính vào mức lương mới sẽ áp dụng từ 1/7/2024 đối với ngành y tế.

Cần có chính sách đặc biệt hấp dẫn để thu hút nhân tài

Thứ ba, về nhân lực đối với ngành y tế: Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất cần có chế độ thu hút đối với các ngành nghề đặc thù. Đối với các lĩnh vực, chuyên khoa đặc biệt trong ngành y như Phong, Lao, Tâm thần, HIV/AIDS, Hồi sức cấp cứu, Giải phẫu bệnh...là những công việc có yếu tố nguy hiểm, cần tập trung cao độ tâm sức, trí tuệ của cán bộ y tế. Nhưng hiện nay chưa có cơ chế phù hợp trong thu hút đào tạo, sử dụng và đãi ngộ lực lượng lao động này. Một số lĩnh vực, chuyên khoa đặc biệt trên sắp trở thành chuyên ngành không có nhân lực chất lượng cao. Đề nghị Đảng, Nhà nước có chính sách đặc biệt hấp dẫn để thu hút nhân lực trong các lĩnh vực, chuyên khoa này.

Bên cạnh đó, hiện nay, mỗi năm có trên 1 triệu trẻ em ra đời, tỷ lệ người cao tuổi trong xã hội ngày càng tăng cao, cộng thêm nhiều bệnh và dịch bệnh mới xuất hiện, tình trạng quá tải cho các bệnh viện tăng, nếu giữ nguyên nguồn nhân lực y tế hiện tại đã không thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới quy định 1 bác sĩ cần có 4 điều dưỡng hỗ trợ, tại Việt Nam tỷ lệ này là 1 bác sĩ/1,4 điều dưỡng, do đó, đề nghị Đảng, Nhà nước xem xét quy định giảm biên chế hằng năm đối với ngành y tế. Nếu giảm biên chế hàng năm như các ngành khác, thì chắc chắn nhân lực ngành y tế không thể đáp ứng chất lượng khám, chữa bệnh. Như vậy, chất lượng đã không đảm bảo như hiện nay sẽ còn tiếp tục giảm sút.

Thứ tư, Công đoàn Y tế Việt Nam kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đó là: Công đoàn ngành y tế xuyên suốt đến các tỉnh, thành phố đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngày 23/6/2023 vừa qua, Quốc hội yêu cầu giao cho UBND cấp huyện quản lý trung tâm y tế cấp huyện. Một số địa phương có xu hướng trả Trung tâm Y tế huyện cho Liên đoàn Lao động huyện quản lý làm cho nhiều Công đoàn ngành y tế các tỉnh/thành phố không đủ 2000 đoàn viên sẽ bị giải thể.

Vì vậy, Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét chỉ đạo chung hệ thống Liên đoàn Lao động các tỉnh/thành phố toàn quốc thống nhất để công đoàn ngành y tế các tỉnh vẫn tiếp tục được sinh hoạt theo ngành nghề và bổ sung cán bộ chuyên trách cho công đoàn ngành y tế các tỉnh/thành phố cho phù hợp.

Hàng trăm nghìn cán bộ công đoàn ngành y tế tiên phong trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19Hàng trăm nghìn cán bộ công đoàn ngành y tế tiên phong trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19

SKĐS - Thực hiện lời hiệu triệu của Đảng, Chính phủ, đội ngũ y bác sĩ, cán bộ công đoàn y tế các cấp đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an và tình nguyện viên xung phong vào các điểm nóng dịch COVID-19…


Lê Bảo
Ý kiến của bạn