Theo cổng thông tin của Chính phủ ngày 12/3/2023, "Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang có những bước chuẩn bị cho sự kiện Việt Nam chào đón công dân thứ 100 triệu…"
Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng. Dòng máu Lạc Hồng của chúng ta từ con số 100 ban đầu trong truyền thuyết giờ đã lên 100 triệu và ở thời điểm trung tuần tháng tư này theo dự báo, Việt Nam sẽ chính thức đứng trong top 3 Đông Nam Á, top 15 thế giới về quy mô dân số.
Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Chúng ta mới nói đến vị trí về số lượng, còn chất lượng thì sao?
Nếu tạm coi con người như một máy tính, phần cứng bao gồm các chỉ số nhân trắc học (chiều cao, cân nặng…) và phần mềm (trí tuệ) thì không có gì nghi ngờ vì trí tuệ của người Việt chúng ta không hề thấp kém so với phần còn lại của thế giới nhưng phần cứng, qua các con số thống kê, đang là rất khiêm tốn. Chỉ nói riêng về chiều cao, tham khảo bảng xếp hạng của Tạp chí Dân số thế giới (Mỹ) tháng 9/2019, chiều cao trung bình của người Việt Nam đang là 1m62 và ở độ lùn thứ 4 thế giới.
Theo một nghiên cứu của Viện khoa học an toàn và vệ sinh lao động công bố năm 2019, chiều cao trung bình của người Việt Nam ở độ tuổi lao động là 159,7cm, nữ/nam = 154.5/164.6cm. So sánh với Thái Lan: nữ/nam = 157/167cm, Malaysia: nữ/nam = 157/168cm, Trung Quốc: nữ/nam = 158/170cm, Nhật: nữ/nam = 158/171cm, Na Uy: nữ/nam = 169/172cm.
Từ con đường "Bà đẻ", ước mơ của cô bé lớp 5 và con số 100 triệu dân
Bố mẹ tôi sinh được chín anh chị em. Nếu chia trung bình thì chiều cao vào khoảng 155cm. Tôi được gọi là "cao to" nhất cũng chỉ được ngót nghét 1m70 và dường như các thế hệ 6X, 7X đa số cũng dừng ở chiều cao khiêm tốn này.
Quê tôi có con đường mang tên "Bà đẻ", sở dĩ có cái tên như vậy là do có một phụ nữ mang thai đã đẻ rơi bên vệ đường.
Địa phương nơi tôi đang công tác hiện nay cũng vẫn còn những em bé phải cuốc bộ vài km đến trường, nhiều bé nghỉ học để bán vé số giúp gia đình và ước mơ của một bé gái đang học lớp 5 là "trở thành cô bán hàng ở cây xăng" vì trong đôi mắt và suy nghĩ non nớt kia, đó là một công việc cũng nhàn hạ và có thu nhập ổn hơn đi rong rao vé số!
Trở lại với vấn đề con số 100 triệu dân, sẽ có rất nhiều bài toán khiến các nhà hoạch định chính sách phải giải về vấn đề chất lượng sức khỏe và sự phát triển giống nòi.
Tôi may mắn được làm việc trong một hệ thống y tế với những tiêu chuẩn rất cao, điều này giúp tôi nhận thấy tầm quan trọng về tính liên tục trong chăm sóc sức khỏe và ở góc độ cá nhân, tôi suy nghĩ về vai trò của y tế.
Tuổi thọ của mỗi con người chúng ta trung bình vào khoảng 80-100 năm. Bắt đầu được tính từ khi mang thai (tuổi mụ) hoặc từ khi lọt lòng (tuổi dương lịch). Tôi đồng ý với tuổi mụ hơn vì khi hợp tử đã hình thành từ tinh trùng và trứng là đã bắt đầu chu kỳ sinh học của một con người.
Một cách đơn giản, sự phát triển của mỗi cá thể sẽ bao gồm các giai đoạn: Thai nhi, dưới 18 tuổi (còn chia nhỏ thành nhiều mức: sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên), trưởng thành và về già. Vẫn còn một giai đoạn cực kỳ quan trọng, đó là gian đoạn tiền hợp tử hay cá thể chưa hình thành, một nửa đang ở bên bố và nửa kia bên mẹ. Cá thể phát triển phụ thuộc vào kiểu gene (tổ hợp từ bố và mẹ), môi trường xung quanh (nội cơ thể, ngoại cơ thể) để hình thành kiểu hình.
Sứ mệnh của một nền y tế tiên tiến
Một nền Y tế tiên tiến phải làm được công việc theo dõi, chăm sóc mỗi cá thể ở đầy đủ các giai đoạn, thậm chí ngay cả khi cá thể tương lai đó đang ở dưới dạng "n" (một nửa ở bố, một nửa ở mẹ).
Mỗi cặp đôi khi chuẩn bị sinh con nên được tư vấn, khám tiền hôn nhân bao gồm khám sức khỏe tổng quát, khám và điều trị các bệnh lý đang mắc, khám phụ khoa để chuẩn bị đầy đủ sức khỏe và tâm lý sinh sản (nhất là cho phụ nữ).
Sau khi có thai, cả mẹ và bé sẽ được theo dõi liên tục cho đến khi sinh qua thăm khám, siêu âm, làm các xét nghiệm (nếu cần) để theo dõi sự phát triển của bé, sàng lọc một số bệnh lý di truyền, các dị tật thai nhi để xét can thiệp ngay hoặc chuẩn bị phương án can thiệp sau sinh. Khám thai định kỳ cũng giúp đánh giá sức khỏe thai phụ, đảm bảo giảm thiểu các nguy cơ cho cuộc đẻ sau này.
Ngày bé chào đời, bác sĩ nhi – sơ sinh sẽ đón bé ngay tại phòng sinh (phòng mổ), đảm bảo cho bé hô hấp, tuần hoàn tốt, kiếm tra ban đầu các dị tật như không có hậu môn, teo thực quản bẩm sinh… trước khi ghép mẹ. Bé sẽ được khám lâm sàng, siêu âm, làm các xét nghiệm sàng lọc sơ sinh để loại trừ các bệnh lý di truyền, bẩm sinh không phát hiện được bằng sàng lọc khi còn trong bụng mẹ.
Giai đoạn từ sơ sinh đến 6 tuổi, trẻ cũng sẽ được chăm sóc y tế bằng các loại vaccine, thăm khám định kỳ về bệnh lý và theo dõi phát triển thể chất, trí tuệ để phát hiện bất thường và điều chỉnh.
Từ 6 tuổi đến 17 tuổi, các vấn đề cần đảm bảo là một chế độ dinh dưỡng phù hợp, dự phòng bệnh lý lây nhiễm, bệnh lý học đường, tâm sinh lý tuổi dậy thì…
Từ 18 tuổi cho đến 60 (hay tuổi nghỉ hưu), tập trung vào khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc các bệnh lý ung thư (giáp trạng, đại tràng, cổ tử cung, vú) hoặc bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp….
Bước vào tuổi hưu, hồ sơ sức khỏe đã khá dày, chuyên khoa Lão khoa sẽ đảm nhận chăm sóc sức khỏe mỗi cá thể cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Bên cạnh Y tế dự phòng, Y tế chuyên sâu sẽ đảm nhiệm việc chữa trị bệnh lý nặng cấp và mạn tính, thay thế các cơ quan hư hỏng (tim, thận, phổi, giác mạc, thay khớp háng, khớp gối…).
Rõ ràng, tính liên tục trong công tác chăm sóc sức khỏe cá thể là vô cùng quan trọng. Nó đảm bảo cho mỗi cá thể được chăm sóc toàn diện suốt cuộc đời. Cá thể khỏe thì gia đình khỏe, gia đình khỏe thì cộng đồng khỏe, cộng đồng khỏe thì cả dân tộc mới khỏe. Một dân tộc văn minh trước hết phải là một dân tộc cường tráng.
Sự chênh lệch trong chăm sóc y tế giữa vùng miền
Hiện nay, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo sức khỏe toàn dân thông qua các chương trình sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em, các chương trình tiêm chủng vaccine, y tế học đường, xây dựng, phát triển hệ thống y tế chuyên sâu…
Và qua các con số thống kê, người Việt đang phát triển cả về tầm vóc, trí tuệ chứ không riêng gì số lượng. Nhưng chúng ta vẫn đang thấy sự chênh lệch trong chăm sóc y tế giữa các trung tâm đô thị và vùng sâu vùng xa là quá lớn. Điều này chắc chắn dẫn đến chênh lệch trong phát triển thể hình giữa hai khu vực và mặc dù thống kê trong nghiên cứu của Viện khoa học an toàn và vệ sinh lao động chưa nói rõ con số nhưng từ thực tế, phần thấp bé vẫn rơi vào trẻ em, thanh thiếu niên ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội kém hơn.
Tôi và nhiều người vẫn lạc quan trong tương lai không xa, khi một bệnh nhân bất kì sống ở đâu khi nhập bất cứ một bệnh viện nào ở Việt Nam, chỉ bằng vài cú nhấp chuột, toàn bộ hồ sơ sức khỏe của họ đã hiện lên trước mắt.
Trở lại với câu chuyện gia đình tôi, các thế hệ con cháu anh em chúng tôi đều có chiều cao trung bình trên 170cm, vượt xa bố mẹ. Rõ ràng những bữa "cơm có thịt" đã phát huy tác dụng. Nhưng tôi không dám chắc ở vùng sâu vùng xa, vẫn còn những đứa trẻ đẻ rơi trên đường thì cơ hội khỏe mạnh, phát triển tầm vóc sẽ đến đâu. Khi lớn lên, chúng có thể vẫn còm cõi, bé nhỏ cùng ước mơ trở thành cô bán xăng, hàng ngày đi bộ đến trường trên con đường Bà đẻ thì việc phấn đấu cao 1m70 có phải là quá sức?
Y tế cũng như luật pháp cần sự bình đẳng và đầy đủ cho tất cả mọi người.
-------------------------
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Xem thêm video đag được quan tâm:
Thủ tướng khảo sát các bệnh viện tuyến cuối: Nhiều kiến nghị về hướng dẫn mua sắm, đấu thầu.