Hà Nội

Công chứng tư và những“ lỗ hổng”... chết người

12-09-2013 07:10 | Thời sự
google news

Theo dự kiến, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10 tới đây. Thực tế hiện nay cho thấy, Luật Công chứng cũng như hoạt động công chứng tại nước ta đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm,

Theo dự kiến, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10 tới đây. Thực tế hiện nay cho thấy, Luật Công chứng cũng như hoạt động công chứng tại nước ta đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt với loại hình công chứng tư được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết được nhu cầu của người dân. Nhưng tiếc là lĩnh vực này đang bộc lộ nhiều điểm yếu. Tình trạng làm giả giấy tờ nhưng vẫn "lọt cửa" công chứng không chỉ là tiền đề của mất ổn định xã hội mà còn gây cản trở và ảnh hưởng lớn đến uy tín và chất lượng hoạt động của các văn phòng công chứng.
Công chứng tư và những“ lỗ hổng”... chết người 1
 Hoạt động công chứng cần được kiểm soát chặt chẽ (ảnh có tính minh họa). Ảnh: Trần Minh

Vì một con dấu, đấu nhau đến cùng

Vụ tranh chấp tài sản giữa hai đương sự liên quan đến hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tại Dương Nội, Hà Đông giữa ông Trương Minh H. và ông Nguyễn Tuấn A. Bản hợp đồng này được Văn phòng Công chứng Hà Nội chứng thực. Sẽ không có gì đáng bàn nếu như căn hộ này trước đó chưa được chuyển nhượng cho 1 người khác và cũng được 1 phòng công chứng khác chứng thực. Như vậy, chỉ với 1 căn nhà nhưng đã được bán và thu được 2 lần tiền.
 
Trong một bản công chứng chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ dự án Khu đô thị Nam Cường từ ông Trương Minh H. sang ông Lê Quang K. do Văn phòng Công chứng 18 Văn Cao thực hiện, nhưng cũng trong 1 văn bản chuyển nhượng đúng tài sản này từ ông H. sang cho một người khác là ông Nguyễn Tuấn A., thực hiện tại Văn phòng Công chứng Hà Nội 38A Hoàng Ngân. Như vậy có nghĩa một căn hộ được ông H. chuyển nhượng cho 2 người tại 2 phòng công chứng khác nhau. Theo anh K., Văn phòng Công chứng 38A Hoàng Ngân có lỗi khi công chứng cho 1 tài sản đã được chuyển nhượng xong. Tuy nhiên, theo Văn phòng Công chứng 38A Hoàng Ngân, khi công chứng, họ không hề biết tài sản đó đã thuộc sở hữu của anh K.
 

Hiện tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 4/1/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng đang được soạn thảo, lấy ý kiến của các bộ, ngành để khắc phục những vấn đề bất cập nảy sinh sau hơn 5 năm thi hành Luật Công chứng. Những nội dung sửa đổi chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như Công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và quản lý Nhà nước về công chứng.

Ông Lê Quốc Hùng, Văn phòng Công chứng Hà Nội 38A Hoàng Ngân cho biết: "Khi anh H. đến có mang đầy đủ giấy tờ gồm: hợp đồng mua bán với chủ đầu tư bản gốc và các phiếu thu, chứng minh thư của anh ấy và vợ anh ấy (bản gốc) nên chúng tôi thấy đầy đủ thủ tục và hợp lệ thì chúng tôi công chứng". Được biết, trước khi công chứng 1 giao dịch mua bán bất động sản, các công chứng viên thường tham khảo mạng Uchi (một cơ sở dữ liệu do Sở Tư pháp Hà Nội lập ra) rồi kết nối các văn phòng công chứng trên địa bàn với nhau. Mỗi lần công chứng xong 1 giao dịch, các văn phòng công chứng thường cập nhật lên Uchi.
 
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, việc tham khảo và cập nhật này không phải là yêu cầu bắt buộc. Ông Lê Quốc Hùng - Văn phòng Công chứng Hà Nội cho biết: Thời điểm chúng tôi chứng thực cho ông Trương Minh H. thì ông này có đầy đủ giấy tờ gốc, hợp pháp, chính vì vậy, việc chứng thực của tôi hoàn toàn đúng quy trình. Tuy nhiên, theo phân tích tài liệu của PV cho thấy "mắt xích" quan trọng nhất trong vụ việc này là ông Trương Minh H. thì đã cao chạy, xa bay nên tạm mất đầu mối "chứng thực" vụ việc.

Những "lỗ hổng" phải lấp

Trao đổi vấn đề này với luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Trưởng văn phòng luật sư Việt Lý cho thấy còn nhiều lỗ hổng từ hoạt động của các phòng công chứng tư. Theo luật sư Thủy, về giá trị pháp lý, văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan, trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu toà án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng có thỏa thuận khác.
 
Công chứng tư và những“ lỗ hổng”... chết người 2
 Hoạt động công chứng cần được giám sát chặt chẽ (ảnh chỉ có tính chất minh họa).
Văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị toà án tuyên bố là vô hiệu. Sự ra đời của các văn phòng công chứng theo Luật Công chứng 2006 đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, việc phát triển quá "nóng" hàng loạt văn phòng được thành lập đã khiến cho các nhà quản lý giật mình, thậm chí có nơi phải tạm ngừng cấp phép. Tăng mạnh về số lượng với một loại hình mới nhưng thiếu sự điều chỉnh kịp thời từ phía các cơ quan quản lý nhà nước nên hoạt động của nhiều văn phòng công chứng bộc lộ khá nhiều bất cập.
 
Biểu hiện cạnh tranh là điều dễ nhận thấy ở các văn phòng công chứng. Nhưng cũng chính vì cạnh tranh không lành mạnh mà nhiều bất ổn phát sinh, như chuyện thu phí dịch vụ theo thỏa thuận, vì cạnh tranh nên có chỗ cao ngất ngưởng, chỗ khác lại thấp đến bất ngờ, làm méo mó sự thống nhất và minh bạch cần phải có của hoạt động này. Đáng chú ý hơn là chất lượng công chứng thấp do trình độ thẩm định, nghiệp vụ của một số công chứng viên yếu và không đồng đều. Sự dễ dãi trong thẩm định hồ sơ dẫn tới tình trạng công chứng ẩu, công chứng sai.
 
Vấn đề đáng lo ngại nổi lên là nạn giả mạo giấy tờ để lừa đảo ngày càng gia tăng nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, thậm chí nhiều công chứng viên, văn phòng công chứng còn cố tình lách luật gây ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng... Thiệt thòi cuối cùng vẫn là người dân, doanh nghiệp phải chịu.

Hỏa Long


Ý kiến của bạn