Cồng chiêng - Quen mà lạ...

11-10-2009 07:28 | Văn hóa – Giải trí
google news

Với tiếng tăm lẫy lừng vốn có và càng tăng lên khi được UNESCO công nhận là “kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể nhân loại”, cồng chiêng Tây Nguyên giờ đây đã trở nên là một khái niệm quen thuộc của mọi người.

Với tiếng tăm lẫy lừng vốn có và càng tăng lên khi được UNESCO công nhận là “kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể nhân loại”, cồng chiêng Tây Nguyên giờ đây đã trở nên là một khái niệm quen thuộc của mọi người. Nhưng không phải ai cũng tường tận về nó. Nhân có sự kiện vào cuối năm nay tỉnh Gia Lai tổ chức Festival cồng chiêng quốc tế Gia Lai 2009, tôi ngồi lục lại sổ tay và ký ức, nhặt nhạnh ra một số thông tin sau, nó sẽ rất cũ với những người đã biết nhưng hy vọng cũng sẽ có chút thú vị cho những ai mới chỉ nghe mà chưa mục sở thị cồng chiêng Tây Nguyên.

Chiêng không phải “made in Tây Nguyên”

Nó hoàn toàn không phải do người Tây Nguyên làm ra, mà ít nhất là do người Kinh và người Lào làm. Nói ít nhất là vì cho đến nay tôi mới nghe và thấy có hai loại chiêng này ở Tây Nguyên. Các nhà nghiên cứu cả khảo cổ lẫn nghệ thuật học cho đến bây giờ mới phát hiện thấy các lò gốm của cư dân Tây Nguyên chứ chưa thấy một lò đúc đồng nào. Nếu có dịp đi đường bộ qua vùng Quảng Nam-Đà Nẵng ta sẽ đi qua làng Phước Kiều. Đây chính là nơi phát xuất của “chiêng Yuăn”. Còn một loại chiêng nữa là “chiêng Lào”, tất nhiên nó phát xuất từ Lào. Thường thì chiêng Lào đắt hơn chiêng Yuăn vì chiêng Lào có pha đồng đen hoặc vàng. Chiêng quý là do nó cổ, và pha vàng hoặc đồng đen...

Nghệ nhân chơi cồng chiêng Tây Nguyên.

Người làng Phước Kiều đúc chiêng nhưng họ lại không sử dụng chiêng như một “văn hóa” chiêng giống người Tây Nguyên. Chiêng họ úp đầy trên giá treo bên đường lẫn với các loại đồ thờ cúng. Người Tây Nguyên mua chiêng về, muốn sử dụng được, phải qua một công đoạn quan trọng tiếp theo là chỉnh chiêng, mà những người sành điệu hay gọi là “lên dây chiêng” dù chiêng không liên quan gì đến dây cả, trừ có một sợi dây thật dùng để... đeo và treo...

Chỉnh chiêng thành nghệ nhân

Không phải ai biết đánh chiêng thì đều có thể chỉnh chiêng. Thường thì một làng có một người biết chỉnh chiêng sơ sơ, cả vùng có một người chỉnh giỏi. Còn những người cực giỏi như anh Nay Phai ở huyện Krông Pa thì cực hiếm.

Gần hai chục năm sống ở Tây Nguyên, cách đây hơn mười năm tôi mới chứng kiến lần đầu tiên một nghệ nhân “lên dây chiêng” cho đoàn nghệ thuật Đam San đi hội diễn. Trên sảnh của nhà hát nhân dân thời ấy, ông già nghệ nhân ngồi giữa những chiếc chiêng nghiêng ngửa xung quanh. Dụng cụ để “lên dây chiêng” là... hai chiếc búa nhỏ hai đầu tù, một khúc gỗ nhỏ và một tấm chăn len. Ông dùng bàn tay trái úp lên mặt chiêng rồi dùng tay phải gõ, và nghe. Sau đó dùng búa gõ nhẹ để chỉnh. Khi gõ tay lót phía sau hoặc có lúc dùng chăn để lót, tuỳ vị trí hoặc thanh âm cần chỉnh. Vô cùng đơn giản nhưng lại vô cùng... không dễ. Bởi muốn thế phải có một tai nghe tuyệt vời, có thể gọi là thiên phú. Và phải hiểu rõ quy luật của âm thanh, quy luật vật lý để gõ vào đâu thì chỉnh âm thanh nào... Ông nghệ nhân ấy sau đã mất và người ta vẫn “lên dây chiêng”, nhưng là lên lấy được, chỉ là dạng lợn què chữa thành lợn... tập tễnh thôi.

Người nối nghiệp ông nghệ nhân tài hoa này là Nay Phai, người dân tộc Jrai, tên thường gọi là Ama San (bố của thằng San), sinh năm 1958. Tôi hơi ngạc nhiên vì trông anh ở ngoài trẻ hơn tuổi. Anh cười: Mình cũng từng khổ cực, nhưng nhờ suốt ngày nghe tiếng chiêng nên nó trẻ thế. Té ra, nghề “lên dây chiêng” là nghề gia truyền của gia đình anh. Nghề chỉnh âm thanh cồng chiêng này, tiếng Jrai gọi là Pcéh Tloi. Thì cũng như chỉnh đàn. Chỉnh chiêng là nghề... không dành cho nhiều người. Chiêng còn khó hơn đàn rất nhiều vì nó rất... tùy hứng. Khi chế tác đã tuỳ hứng, độ dày mỏng của mặt chiêng cũng tùy hứng, cái cách nó hỏng, méo ở chỗ này, mỏng ở chỗ kia cũng tùy hứng. Rồi bài bản mà nó sẽ thể hiện cũng rất tùy hứng... và người gõ chiêng, chơi chiêng cũng vô cùng tùy hứng...

Năm 1973 thì Ama San đã có thể chỉnh được âm thanh, sửa được chiêng, và bây giờ thì anh trở thành nghệ nhân tài hoa chỉnh chiêng cho cả một vùng cư dân rộng lớn từ Ayun Pa, Krông Pa, Chư Sê (Gia Lai), đến Sơn Hoà, Sông Hinh, Trà Kê (Phú Yên), sang Ma Đrăc, Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), xuống Cây Vừng (Bình Định)... Tùy yêu cầu của khách, anh có thể chỉnh toàn bộ âm thanh lớn hoặc nhỏ hơn, vang hơn, trong hơn, trầm hơn, sâu hơn, đục hơn... hoặc chỉnh lẻ những cái bị lạc âm trong dàn chiêng, âm không đều, hoặc chỉnh theo âm của các nhạc cụ khác như T’rưng, Goong, K’ní, kể cả theo thang âm của các nhạc cụ hiện đại như ghita, organ... Anh cũng rất am hiểu công dụng của từng loại chiêng như chiêng A Rap dùng trong lễ bỏ mả, đám chết thì âm thanh khác với chiêng Tơnah dùng trong lễ ăn nhà mới, cúng thọ... Chiêng của thanh niên đánh âm thanh cũng cũng khác chiêng dành cho người già...

Chơi chiêng

Khác các nhạc cụ khác, chiêng phải chơi tập thể. Một người không thể chơi chiêng trừ các anh nhạc công cải tiến bây giờ một mình “mần” cả dàn chiêng đánh bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng mà các nhạc sĩ và các nhà folclo đã cùng phản đối. Mỗi nghệ nhân chiêng đảm nhận một chiêng tương đương một nốt, vô cùng ngẫu hứng nhưng lại vô cùng chặt chẽ, tất cả tuân thủ một quy luật nghiêm nhặt luôn luôn theo chiều ngược kim đồng hồ với đội xoang (múa) do các thiếu nữ (thi thoảng cũng có đàn ông) phụ họa.

Không phải lúc nào cũng chơi được chiêng (ấy là phong tục ngày xưa) còn nay thì... tùy. Theo thuyết vạn vật hữu linh mà người Tây Nguyên tin theo thì trong chiêng có thần, vì thế mỗi lần hạ chiêng là mỗi lần phải cúng. Chiêng tham gia vào tất cả các nghi lễ cuộc đời của người Tây Nguyên từ khi sinh ra làm lễ thổi tai cho đến khi chết làm lễ bỏ mả... Người đánh chiêng giỏi là có thể dùng tiếng chiêng để nói chuyện, để đọ chiêng...

Ban đầu chiêng với người Tây Nguyên có lẽ chỉ mang chức năng thông tin, họ dùng tiếng chiêng “dài như nhà sàn” để báo tin cho nhau, từ làng này sang làng khác, cộng đồng này sang cộng đồng khác, sau này nó mang chức năng tín ngưỡng, tâm linh, rồi âm nhạc và sau cùng đến bây giờ nó còn chức năng “giữ của” như kiểu người Kinh chúng ta trữ vàng hay đô la trong nhà. Đã có một “nhà nghiên cứu” (gọi thế vì nhiều người đang kiện các công trình về cồng chiêng của ông này là đạo của họ và ông này còn có nghề... buôn chiêng) bán cho một cơ quan ở thành phố Hồ Chí Minh bộ chiêng đến mấy tỷ...

Nếu chỉ có chiêng không, nó mới chỉ là một vật bằng đồng để tạo âm thanh đơn thuần. Để trở thành như bây giờ, nó phải tạo được và được tạo bởi một không gian văn hóa riêng, không gian ấy là kết tụ của hàng nghìn năm sáng tạo giữ gìn phát triển của các dân tộc sống trên dải Trường Sơn, Tây Nguyên. Nó không vĩnh hằng, bất biến, nhưng rõ ràng cũng không dễ dàng gì để thay đổi, làm mới...

Một trong những yêu cầu để UNESCO công nhận các loại hình nghệ thuật là “kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hoá phi vật thể nhân loại” là do nó đang trên bờ diệt vong. Có nhiều kiểu diệt vong, hoặc là người ta quên nó, hoặc là người ta đang hiện đại nó, nói nôm na là phá nó. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang được nhiều người chung tay giữ gìn, mà Festival cồng chiêng quốc tế Gia Lai 2009 là một trong những việc làm tốt đẹp ấy...

Bài và ảnh: Văn Công Hùng


Ý kiến của bạn