Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có Công văn gửi tới các sở GD&ĐT, các trường CĐ, ĐH về nội dung hướng dẫn thực hiện quy chế thi THPT Quốc gia 2017. Theo đó, các bài thi Toán, Ngoại ngữ và các bài thi tổ hợp: thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Bài thi Ngữ văn: thi theo hình thức tự luận.
Tổ chức thi 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập và 2 bài thi tổ hợp
Kỳ thi THPT Quốc gia 2017, Bộ GD&ĐT tổ chức thi 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT).
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục THPT (gọi tắt là thí sinh Giáo dục THPT) phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT (gọi tắt là thí sinh GDTX) phải dự thi 3 bài thi gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh GDTX có thể chọn dự thi cả bài thi Ngoại ngữ, điểm bài thi này để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, không dùng để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ. Lịch thi THPT Quốc gia năm nay diễn ra từ ngày 21/6/2017-24/6/2017. Về hình thức thi, với các môn thi Toán, Ngoại ngữ và các bài thi tổ hợp KHTN và KHXH, thí sinh làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Riêng môn thi Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận.
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu, các đơn vị thống nhất sử dụng hệ thống phần mềm quản lý thi THPT Quốc gia (gọi tắt là phần mềm QLT) và phần mềm chấm thi trắc nghiệm do Bộ cung cấp; thực hiện đúng quy trình, thời hạn xử lý dữ liệu và chế độ báo cáo theo quy định. Bộ yêu cầu các hội đồng thi công bố kết quả thi, hoàn thành việc đối sánh kết quả thi chậm nhất ngày 06/7/2017. Đến ngày 07/7/2017, hội đồng thi công bố và thông báo kết quả cho thí sinh. Công bố kết quả xét tốt nghiệp THPT chậm nhất ngày 14/7/2017.
Nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT Quốc gia bắt đầu từ ngày 1/4/2017
Bộ GD&ĐT quy định, thời hạn đăng ký dự thi từ ngày 01/4/2017 đến ngày 20/4/2017. Các đơn vị ĐKDT thực hiện: thu 02 Phiếu ĐKDT, bản photocopy 2 mặt Chứng minh nhân dân trên 1 mặt giấy A4, 02 ảnh 4x6cm và một phong bì thư đã dán tem ghi rõ họ tên, địa chỉ nhận của thí sinh để trong Túi đựng hồ sơ theo mẫu của Bộ GDĐT; nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm QLT. Sau khi đã nhập xong dữ liệu, cán bộ máy tính in thông tin ĐKDT của thí sinh từ phần mềm QLT, giao cho giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ được phân công để tổ chức cho học sinh rà soát, ký xác nhận. Sau ngày 20/4/2017, thí sinh không được thay đổi Điểm thi và các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký.
Chậm nhất đến ngày 25/5/2017, các đơn vị ĐKDT hoàn thành việc: thu Phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT và hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT kèm theo; nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm QLT. Ngay sau khi nhập xong dữ liệu, cán bộ máy tính in thông tin đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT của thí sinh từ phần mềm QLT, giao cho giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ được phân công tổ chức cho học sinh rà soát, ký xác nhận. Thí sinh tự do có thể nộp hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT cùng hồ sơ ĐKDT.
Đáng chú ý, khi làm thủ tục dự thi, thí sinh phải có Chứng minh nhân dân. Các Sở GDĐT, các trường phổ thông hướng dẫn để học sinh có Chứng minh nhân dân trước khi nộp Phiếu ĐKDT. Trong trường hợp không có Chứng minh nhân dân thì phần mềm QLT sẽ gán cho thí sinh một mã số gồm 12 ký tự để quản lý.