Buổi họp báo được chủ trì bởi Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; tham dự có đại diện các Bộ, ngành và đông đảo cơ quan báo chí.
Theo đó, 6 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 gồm:
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện;
- Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở;
- Luật Dầu khí;
- Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;
- Luật Thanh tra;
- Luật Phòng, chống rửa tiền.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại hai kỳ họp và đã nhất trí thông qua Luật ngày 9/11/2022. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện hoàn thiện cơ chế quản lý tài nguyên số theo hướng minh bạch, cạnh tranh hơn, gắn việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Riêng quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Giới thiệu về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thông tin, ngày 10/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, với 443/455 số ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật.
Mục đích xây dựng Luật là hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước.
Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; Khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
Luật Dầu khí
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Luật Dầu khí được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 14/11/2022 tại Kỳ họp thứ 4 với đại số ĐBQH tán thành. Luật Dầu khí năm 2022 gồm 11 Chương, 69 Điều.
Theo đó, Luật Dầu khí năm 2022 đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành.
Luật Dầu khí có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy thông tin, ngày 14/11/2022 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với đại đa số ĐBQH tán thành.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 gồm 6 Chương, 56 Điều, tăng 10 Điều so với luật năm 2007. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này.
Luật có những điểm mới như: Tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm; thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
Luật Thanh tra
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, Luật Thanh tra có 8 chương với 118 điều.
Luật có những điểm mới cơ bản liên quan đến việc thành lập Thanh tra Tổng Cục, Cục thuộc Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; việc thành lập Thanh tra sở; về hoạt động thanh tra; quy định về thẩm định dự thảo Kết luận thanh tra và giám sát hoạt động đoàn thanh tra; việc ban hành Kết luận thành tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước; chế định thanh tra nhân dân được tách ra khỏi nội dung Luật Thanh tra năm 2022.
Đáng chú ý, Luật cho phép thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ thay vì mỗi bộ chỉ có một tổ chức thanh tra như Luật Thanh tra năm 2010. Việc thành lập các cơ quan thanh tra Tổng cục, Cục dựa trên cơ sở các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hiện có nên không làm phát sinh thêm số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ.
Ngoài ra, Luật cũng quy định Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước và được luật giao nhiệm vụ thanh tra.
Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023.
Luật Phòng, chống rửa tiền
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 gồm 4 chương, 66 điều.
Luật có các nội dung mới cơ bản liên quan đến đối tượng báo cáo; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền; quy định về đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền; quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; về trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp, lưu trữ thông tin, hồ sơ về phòng, chống rửa tiền; thực hiện thu thập, xử lý, phân tích, trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền và áp dụng các biện pháp tạm thời; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong phòng, chống rửa tiền…
Đáng chú ý, về trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp, lưu trữ thông tin, hồ sơ về phòng, chống rửa tiền, luật làm rõ hơn yêu cầu về nội bộ của các đối tượng báo cáo; giảm bớt yêu cầu về quy định nội bộ cho đối tượng báo cáo là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Luật sửa đổi một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán; sửa đổi quy định về thời hạn báo cáo, khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực hiện; đồng thời quy định cụ thể về lưu trữ, bảo mật thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo phù hợp pháp luật hiện hành và thực tiễn hoạt động của đối tượng báo cáo.
Luật Phòng, chống rửa tiền có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2023.