Công bố biển miền Trung sạch, an toàn: Chưa đủ sức thuyết phục!?

PGS.TS Trần Đáng

PGS.TS Trần Đáng

nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế

30-08-2016 07:40 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Biển 4 tỉnh miền Trung đã sạch, cá nhiễm độc đã giảm dần...đó là những thông tin được công bố chỉ sau 4 tháng xảy ra sự cố Formosa xả thải ra biển miền Trung khiến cá chết hàng loạt. Những thông tin này không chỉ khiến người dân hoài nghi mà các chuyên gia, nhà khoa học đều băn khoăn. Trao đổi với PV Báo Sức khỏe&Đời sống, PGS.TS Trần Đáng – nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã bày tỏ một số ý kiến về vấn đề này.

PV: Ông có thể cho biết, khi ăn phải thủy hải sản bị nhiễm độc sẽ ảnh hưởng thế nào đối với sức khỏe con người?

PGS.TS Trần Đáng: Khi biển bị ô nhiễm các chất thải công nghiệp độc hại thì tất cả các thủy sản mà con người sử dụng làm thực phẩm như: cá, tôm, mực, nghêu, sò, ốc, rong biển...đều bị nhiễm độc. Chất độc được nói đến nhiều nhất ở vùng biển miền Trung là thủy ngân, xyanua, phenol, cadimi, chì...và nhiều kim loại nặng khác có thể xâm nhập vào tất cả sinh vật, động vật ở biển. Đặc biệt những chất độc này tồn dư rất lâu trong môi trường, nhất là ở sinh vật, động vật biển. Con người khi ăn những thủy hải sản nhiễm chất độc hại sẽ gây ngộ độc mãn tính, tồn dư các chất độc trong cơ thể lâu dài, đe dọa đến sức khỏe.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy những người nhiễm thủy ngân, sau khi chết, mấy trăm năm sau xét nghiệm tóc vẫn còn thủy ngân. Sử sách đã ghi lại vua Tần Thủy Hoàng khi còn sống muốn “trường sinh bất lão” đã sai quân đi tìm chất thủy ngân để luyện kim đan để uống. Vị vua này chỉ thọ 49 tuổi. Những năm gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra quanh khu vực lăng mộ của vua Tần Thủy Hoàng cùng 8.000 quân lính có dòng suối nhiễm thủy ngân nồng độ cao, đất khu vực này cũng nhiễm thủy ngân rất nặng. Như vậy sau hơn 2000 năm thủy ngân trong thi thể của vua Tần Thủy Hoàng và quân lính đã không thể phân hủy. Trường hợp vua Sa Hoàng Ivan 4 của Nga cũng như vậy. Ông vua này mắc bệnh xương khớp, các ngự y đã dùng một loại thuốc có chứa thủy ngân để xoa bóp đã khiến cơ thể nhiễm thủy ngân qua da và qua đời khi mới 34 tuổi (1530-1564). Sau này khi khai quật, xét nghiệm phát hiện trong xương có chất thủy ngân.

Gần đây nhất tại Nhật Bản các nhà khoa học đã công bố bệnh Minamata do nhiễm độc thủy ngân hữu cơ. Vào những năm 50 tại vịnh Minamata  các nhà máy hóa chất đã xả chất thải công nghiệp ra biển. 20-30 năm sau đã có nhiều người dân sống tại vùng này mắc các bệnh liệt, điếc, run rẩy chân tay, teo não...Các nhà khoa học đã nghiên cứu và phát hiện những người mắc bệnh này đều do ăn cá nhiễm thủy ngân. Sau đó Nhật Bản đã phải mất hàng chục năm để xử lý biển ô nhiễm.

PGS.TS Trần Đáng PGS.TS Trần Đáng

PV: Vừa qua Bộ Tài nguyên & Môi trường đã công bố nước biển 4 tỉnh miền Trung đã sạch, an toàn có thể nuôi trồng thủy sản. Liệu công bố này có quá vội vã không, thưa ông?

PGS.TS Trần Đáng: Theo ý kiến riêng của tôi những công bố này chưa đủ sức thuyết phục, chưa có độ tin cậy cao. Nhật Bản đã phải mất rất nhiều năm để làm sạch nước biển, đáy biển. Còn ở nước ta, nếu chỉ xét nghiệm nước biển thấy nồng độ các chất độc giảm xuống thì cho rằng nước biển đã sạch có thể nuôi trồng thủy sản là chưa đủ cơ sở khoa học. Thủy hải sản sống ở biển có thể ăn thức ăn ở đáy biển, trong khi các kim loại nặng thường lắng đọng ở đáy biển thì cá sẽ dễ dàng nhiễm độc. Người ăn các loại thủy sản đó sẽ nhiễm độc và hậu quả lâu dài đến đời con cháu.

Theo tôi vấn đề quan trọng nhất là phải cấm xả các chất thải ra biển. Nước biển không thể khử trùng nhưng có thể giám sát mức độ tồn dư các chất độc. Phải định kỳ lấy mẫu cá, thủy sản trong vùng ô nhiễm. Ví dụ cứ 30km vùng biển bị ô nhiễm, lấy 90 mẫu cá, thủy sản để xét nghiệm. Các mẫu cần lấy ở gần bờ, cách xa bờ, ngoài khơi xa. Lấy mẫu đất, phù du ở đáy biển. Lấy các mẫu thủy sản mà con người hay ăn như: Tôm, cá thu, cá lục, cua, sò, ngao... Chỉ khi nào các chỉ số đã ở ngưỡng an toàn thì mới khuyến cáo người dân nuôi trồng thủy sản hoặc ăn cá.

PV: Có ý kiến cho rằng hiện nay việc xét nghiệm các chỉ số an toàn thực phẩm ở cá, hải sản chưa thực sự toàn diện. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

PGS.TS Trần Đáng: Theo tôi, các mẫu xét nghiệm không nên chỉ thực hiện ở 1 phòng thí nghiệm mà cần phải làm tại 3-4 phòng thí nghiệm để so sánh. Không nên lấy kết quả xét nghiệm từ 1-2 phòng thí nghiệm là có thể kết luận ngay là cá không nhiễm độc hay nhiễm độc. Tốt nhất, cần phải gửi mẫu đến các phòng kiểm nghiệm chuẩn quốc tế để xét nghiệm, xem kết quả có tương đồng hay sai lệch với phòng kiểm nghiệm trong nước. Việc này có thể gây tốn kém nhưng vì sức khỏe của nhân dân, ảnh hưởng đến giống nòi nhưng vẫn cần thiết phải làm.

Công việc giám sát, theo dõi phải được thực hiện thường xuyên, kéo dài nhiều năm, mỗi năm phải lấy vài nghìn mẫu để xét nghiệm xem các thế hệ cá con sinh trưởng ra sao, có còn tồn dư các chất độc nữa hay không. Bộ Y tế cần tiếp tục giám sát, đến khi tất cả các chỉ tiêu quan trọng về an toàn thực phẩm ở trong ngưỡng an toàn mới khuyến cáo người dân ăn cá, hải sản trở lại. Mọi quyết định của các cơ quan chức năng đưa ra cần đặt lợi ích của người dân, sức khỏe của nhân dân lên trên hết.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Chất độc tồn dư trong thủy hải sản gây hại cho sức khỏe như thế nào?

1. Thủy ngân: Khi ăn phải cá nhiễm thủy ngân sẽ bị ngộ độc, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tế bào thần kinh não gây suy thoái tế bào thần kinh não. Tổn thương ống thận, suy thận, thoái hóa các cơ quan khác. Đặc biệt trẻ em bị nhiễm thủy ngân sẽ bị tâm thần, chậm lớn, chậm phát triển, có thể liệt.
2. Cadimi: Khi Cadimi vào cơ thể sẽ chiếm vị trí canxi trong xương, lôi canxi, phootspho vào máu khiến xương bị mềm, nhuyễn gây đau khớp, gãy xương, liệt. Tích lũy ở thận gây suy thận, suy chức năng gan, thiếu máu, ung thư.
3. Xyunua: Chất này vào cơ thể sẽ phá hủy hệ thống chuỗi hô hấp tế bào sẽ gây suy hô hấp, thở nông, tổn thương não, thận, gan..
4. Chì: Biểu hiện của nhiễm chì là vùng lợi bị viêm thâm tím. Chì sẽ gây thiếu máu, tổn thương thận, tế bào
5. Phenol: Hấp thu rất nhanh gây viêm niêm mạc da, ung thư, co giật, phá hoại chức năng gan, thận, đái ra máu...

Thanh Tâm thực hiện.
Ý kiến của bạn