Công an TP. Hải Phòng vừa phát đi cảnh báo về 9 phương thức phổ biến mà tội phạm mạng thường sử dụng để chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho người dân. Theo thông tin, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng dưới nhiều hình thức ngày càng tinh vi với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng. Nổi cộm, 9 phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến hiện nay như:

Công an Hải Phòng cảnh báo 9 chiêu lừa đảo tinh vi trên không gian mạng. Ảnh: TL
Giả danh cơ quan tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án), gọi điện đe dọa người dân đang liên quan đến vụ án và yêu cầu chuyển tiền để “chứng minh trong sạch”.
Tuyển cộng tác viên mua hàng online cho các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada… Thực chất là các trang web giả mạo do đối tượng lập ra nhằm lừa nạn nhân nạp tiền và chiếm đoạt.
Kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo, chứng khoán, ngoại hối qua các ứng dụng hoặc website không rõ nguồn gốc, hứa hẹn lợi nhuận cao để dụ người dân “nướng” tiền.
Giả danh ngân hàng, công ty tài chính chào mời cho vay online không cần thế chấp, không đặt cọc, thủ tục nhanh gọn… nhưng sau đó yêu cầu người vay chuyển “phí hồ sơ” rồi chiếm đoạt.
Chiếm quyền kiểm soát tài khoản Facebook, nhắn tin cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để vay hoặc mượn tiền.
Lừa đảo qua đặt món ăn, dịch vụ tại nhà hàng, quán ăn. Đối tượng đặt hàng số lượng lớn, yêu cầu đặt cọc, sau đó cắt liên lạc hoặc đánh cắp tiền qua các thủ đoạn tinh vi.
Giả làm nhân viên giao hàng yêu cầu người dân thanh toán phí “tiền hàng” hoặc “thuế hàng quốc tế” rồi chiếm đoạt.
Giả mạo cán bộ tuyển sinh đầu cấp, tự xưng là người của nhà trường để yêu cầu phụ huynh chuyển khoản “phí giữ chỗ”, “phí làm hồ sơ”.
Các hình thức lừa tình - lừa tiền khác như làm quen qua mạng xã hội rồi vay tiền, nhờ chuyển khoản; giả danh điện lực, cấp nước yêu cầu thanh toán qua tài khoản lạ; thông báo trúng thưởng, nhận quà tặng nhưng phải chuyển tiền cước phí…
Từ những chiêu trò của những đối tượng lừa đảo trên, Công an TP Hải Phòng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, ghi nhớ những nguyên tắc sau:
Không chia sẻ thông tin cá nhân và các giấy tờ như căn cước công dân, thẻ ngân hàng... lên mạng xã hội.
Không tiết lộ mã OTP giao dịch ngân hàng cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là cán bộ ngân hàng hay cơ quan chức năng.
Người dân cần tuyệt đối không cài đặt ứng dụng từ các đường link lạ hoặc do người khác gửi đến, không truy cập vào những trang web không rõ nguồn gốc để tránh bị cài phần mềm gián điệp, đánh cắp dữ liệu.
Không cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển tiền cho những đối tượng gọi điện tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát… Đặc biệt, không tin vào các quyết định tố tụng giả mạo được gửi qua mạng như lệnh bắt giữ, khám xét hay phong tỏa tài sản.
Khi có người quen nhắn tin vay tiền qua các nền tảng như Facebook, Zalo…, người dân cần gọi điện trực tiếp để xác minh rõ ràng trước khi chuyển tiền. Đồng thời, chỉ nên thực hiện chuyển khoản khi đã chắc chắn về danh tính và mục đích của người nhận.
Ngoài ra, cần cẩn trọng khi đặt dịch vụ trực tuyến, đặc biệt là các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Người dân nên chọn những công ty có uy tín, thông tin minh bạch và cần kiểm tra kỹ càng trước khi thanh toán.
Nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến lừa đảo, hãy liên hệ ngay cơ quan Công an gần nhất hoặc Đội 3 - Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hải Phòng để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Sáng 20/4: Lý lịch khét tiếng của “trùm ma túy” Bùi Đình Khánh, kẻ xả súng khiến công an hy sinh