Công an bị đâm kim tiêm nhiễm HIV trong lúc truy bắt tội phạm

14-05-2014 21:18 | Thời sự
google news

Một tháng sau ngày bị con nghiện dùng kim tiêm nhiễm HIV đâm vào tay, Thế Anh vẫn bình thản, lạc quan và liên tục truyền niềm tin cho đồng đội, người thân về tương lai vượt qua bệnh tật.

 Một tháng sau ngày bị con nghiện dùng kim tiêm nhiễm HIV đâm vào tay, Thế Anh vẫn bình thản, lạc quan và liên tục truyền niềm tin cho đồng đội, người thân về tương lai vượt qua bệnh tật. 

Hàng ngày, từ 5h sáng, đại úy Trần Phan Thế Anh cùng đồng đội tỏa ra các tuyến đường, ngõ phố của phường 13 (Q.5, TP.HCM) để tuần tra phòng chống cướp giật, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn. Và đã một tháng, sau ngày bị con nghiện dùng kim tiêm nhiễm HIV đâm vào tay, Thế Anh vẫn bình thản, lạc quan và liên tục truyền niềm tin cho đồng đội, người thân về tương lai vượt qua bệnh tật. Ngay cả khi nhắc đến hai đứa con thơ, người đàn ông kiên cường ấy vẫn cố giấu đi đôi mắt đỏ hoe và gượng cười nói tiếp: “Chắc không chết đâu mà sợ”.

Đại úy Trần Phan Thế Anh trong công tác hàng ngày - (Ảnh: Hà Nguyễn).

Thế hệ Cảnh sát 113 đầu tiên của TP.HCM

Đại úy Trần Phan Thế Anh (ngụ P. Nguyễn Cư Trinh, Q.1) hiện đang công tác tại Công an phường 13. Anh sinh ra trong gia đình có truyền thống theo ngành Công an, cha và các chị của anh hiện đang công tác tại nhiều đơn vị khác của Công an TP.HCM. Hiểu những nguy hiểm của nghiệp cầm súng, cha anh muốn hướng con về lực lượng CSGT nhưng anh tự nhận thấy không phù hợp. “Có lẽ, tôi có duyên với việc xông pha nguy hiểm hơn ở nơi có công việc nhẹ nhàng. Bởi vậy, vào năm 1998, khi hay tin Công an TP có chủ trương rút khoảng hơn 40 người ở đội CSGT quận 1 để thành lập lực lượng Cảnh sát 113 đầu tiên, tôi đã rất hồ hởi”.

“Những ngày đi tuần tra chống đua xe trái phép bị đụng xe, té xe, vết thương để lại sẹo chi chít, tôi lại thấy công việc thật ý nghĩa”, Thế Anh chia sẻ. Gần 17 năm vào ngành, ở nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành và nhận được sự tin yêu của cấp trên. Từ CSGT chuyển qua lực lượng 113, rồi gắn bó lâu năm với đơn vị Công an phường 13, đồng đội, người dân sống ở địa bàn rất yêu quý tính cách hòa đồng, giản dị của anh công an “nhìn giống giang hồ”. “Nhìn tôi mấy ai tin làm công an, mặt thì dữ dằn, lại ít khi mặc đồng phục vì phải đi trinh sát khu vực. Nhờ nhìn giống giang hồ, tôi đi tuần tra ít khi bị đối tượng phát hiện nên dễ bắt được cướp”, Đại úy Thế Anh hóm hỉnh chia sẻ.

Anh chỉ bộ quần áo đang mặc trên người, rồi cười bảo đã mặc hai ngày, công việc nhiều vẫn chưa kịp về nhà thay bộ khác. “Đặc thù công việc là phụ thuộc vào tình hình an ninh trật tự của khu vực nên có ngày việc làm hoài không hết, có hôm ngồi chơi xơi trà. Chuyện nhà đều trông cậy bà xã quán xuyến trong ngoài. Bà xã làm việc Nhà nước nên thời gian ổn định, gánh luôn việc chăm sóc hai con nhỏ”, anh Thế Anh cho biết. Ngôi nhà nhỏ của anh là phương thuốc duy nhất giúp anh giảm căng thẳng trong công việc.

Đều đặn, ngày nào Đại uý Thế Anh cũng tham gia đi tuần từ lúc 5h sáng đến tận tối vì địa bàn phường 13 tương đối phức tạp, vừa gần bến xe Chợ Lớn, lại có nhiều chợ hoạt động như Kim Biên, Bình Tây... Không ai không biết, phường 13 ngày trước nổi danh với địa điểm cầu Ba Cẳng với nhiều giang hồ xưng danh “dân chơi cầu Ba Cẳng”. “Tuy nhiên, giang hồ cũng không còn, chỉ còn mấy đứa thanh niên lêu lổng, ham chơi, lười lao động, dựa vào hư danh giang hồ ngày cũ, xưng hùng xưng bá”, anh chia sẻ.

Khi nhắc đến thành tích đạt được trong suốt quá trình công tác, Đại úy Thế Anh cho biết: “Tôi không quan tâm đến những danh hiệu đạt được mà chỉ cần người dân, đồng đội, cấp trên tin yêu thì tôi đã có thể hết lòng hết sức làm tốt nhiệm vụ được giao. Tôi không thích ngồi kể những gì mình làm được, người khác không hiểu lại nói mình ba hoa, bốc phét. Như chuyện hôm nay, tôi vừa bắt được một đối tượng mua bán ma túy và thu được chín viên heroin, chắc hẳn các bạn nghe thì nghĩ đó là một thành tích rất to tát, nhưng thực tế, người nào trong nghề cũng đều thấy rất bình thường và hiển nhiên phải làm tốt”.

Bị con nghiện đâm kim tiêm nhiễm HIV vẫn không giận

Khi PV nhắc đến câu chuyện bị con nghiện dùng kim tiêm nhiễm HIV đâm vào người, Đại úy Thế Anh bộc bạch: “Chắc không sao đâu, tôi đã tìm hiểu và được bác sĩ tư vấn nên đã có thể yên tâm. Hiện tôi đã được bác sĩ bệnh viện Nhiệt đới điều trị cho uống thuốc phơi nhiễm HIV. Tuy gặp chút rắc rối và phiền phức trong sinh hoạt nhưng tôi vẫn tin mình sẽ vượt qua được sự cố đáng tiếc này. Nhờ sự cố này, tôi nhận thấy cấp lãnh đạo và người dân thương và yêu mến lo lắng cho tôi. Trong một tháng vừa qua, lúc nào, tôi cũng nhận được nhiều lời động viên thăm hỏi”.

Theo lời Đại úy Thế Anh, con nghiện dùng kim tiêm đâm vào tay anh có tên Giang Thị Hoa (SN 1977, ngụ Q.6). Vào ngày 9/5, Công an phường 13 thực hiện lệnh bắt đối tượng này để điều tra về hành vi “Chống người thi hành công vụ”.

Trước đó, ngày 5/4, trong lúc đi tuần tra, anh đã phát hiện Hoa và ba đối tượng khác đang sử dụng ma túy tại công viên Thăng Long (Q.5). Nhanh như cắt, anh cùng các đồng đội lao đến bắt các đối tượng này nhưng gặp phải sự chống trả quyết liệt. Trong lúc nắm giữ vai đối tượng Hoa, Đại úy Thế Anh đã bị con nghiện này dùng kim tiêm có máu nhiễm HIV đâm vào ngón tay cái. “Trong phút chốc, tôi cảm nhận ngón tay mình đau buốt, máu bắt đầu chảy ra, con nghiện vùng chạy thoát. Tôi nhanh chóng sơ cứu rồi đến bệnh viện để tiến hành điều trị”.

“Tôi không giận Hoa, tôi hiểu cô này đang lên cơn đói thuốc, người thân họ còn giết chứ đừng nói một cán bộ công an đang cố bắt họ. Để Hoa chạy thoát, tôi tự trách bản thân quá lơ là chủ quan, và càng quyết tâm truy bắt đối tượng. Tôi muốn bắt bằng được không phải để gặp rồi chửi mắng cho hả giận, hay đánh đập cho thỏa hận mà cũng chỉ để đưa cô ấy đi cai nghiện, còn việc cô ấy đâm tôi bằng kim tiêm đã có pháp luật trừng trị”, Thế Anh chia sẻ.

Đến ngày 9/5, qua nguồn tin của cơ sở, Đại úy Thế Anh biết đối tượng Hoa lại tìm đến công viên Thăng Long để mua ma túy. Anh vội vàng đến nơi và tóm gọn đối tượng, dẫn giải về cơ quan Công an phường 13 lấy lời khai.

Đối tượng Hoa tại cơ quan công an.

Tại cơ quan công an, Hoa khai nhận đã nhiễm HIV hơn 10 năm và đang điều trị tại trung tâm Y tế Q.6. Khi gặp Đại úy Thế Anh, Hoa tỏ vẻ hối hận và không ngớt lời xin lỗi anh. Thế Anh chỉ nhỏ nhẹ giải thích: “Tôi vốn dĩ không quen biết, không thù oán chị nhưng bắt chị là công việc tôi phải làm. Nhà nước trả tiền, nuôi sống tôi và gia đình để tôi dốc sức bảo vệ bình yên cho xã hội nên chị cũng đừng trách tôi. Còn việc chị dùng kim tiêm nhiễm HIV đâm tôi, chị thừa hiểu căn bệnh đó nguy hiểm như thế nào mà chị vẫn gieo rắc nó đến với tôi. Tôi không giận chị, nghiệp chị tạo, pháp luật sẽ trừng trị. Tôi chỉ mong chị sớm nhận ra sai lầm và sửa chữa”.

Theo Đại úy Thế Anh, tội phạm nhìn rất hung dữ nhưng khi đối mặt với công an thì lại khiếp sợ và co rúm. Vì thế, bản thân anh không nhân cơ hội đó mà lấn lướt, uy hiếp, ngược lại, anh sẵn sàng bỏ tiền túi mua đồ ăn, nước uống, thuốc lá... cho đối tượng vượt qua cơn đói thuốc. Anh sẵn sàng ngồi hàng giờ kiên nhẫn nghe các nghi can giải thích cho dù chỉ là lý sự cùn của kẻ rơi vào thế bí. Những bài học ở trường lớp nghiệp vụ để nắm bắt tâm lý tội phạm dù có hiệu quả nhưng cũng mãi không bằng lấy lòng đồng cảm ra ngồi nghe kẻ lầm đường “trút bầu tâm sự”. Võ nghệ được học anh không dùng để đánh những kẻ rơi vào đường cùng, thân người mềm oặt vã ra khi lên cơn thiếu thuốc mà chỉ để tự vệ lúc cần.

Dù muốn hay không, Đại úy Thế Anh cũng hiểu không thể thay đổi được hoàn cảnh. Dẫu đối mặt với nguy cơ mắc bệnh xơ gan khi điều trị phơi nhiễm HIV, anh vẫn chấp nhận để có cơ hội lo lắng cho hai con thơ và mãi là trụ cột của người vợ thảo hiền.

Đại úy Trần Phan Thế Anh gương mẫu trong công tác

Phó trưởng Công an phường 13 (Q.5) Thiếu tá Huỳnh Hoàng Diệu cho biết: “Đồng chí Thế Anh rất năng nổ trong công tác và hòa nhã với đồng nghiệp, người dân. Thế Anh rất say mê làm việc bất kể ngày đêm, chấp nhận hy sinh những phút giây đầm ấm bên gia đình để cống hiến sức lực cho công tác đảm bảo bình yên xã hội. Sau sự việc đáng tiếc xảy ra với Thế Anh, phía lãnh đạo Công an Q.5 đã có lời động viên thăm hỏi kịp thời, mong đồng chí lạc quan và tiếp tục công tác tốt”.

 

 


Ý kiến của bạn
Tags: