Việc con trẻ xem các tranh ảnh nhạy cảm là chuyện bình thường
PV: Dưới góc độ một chuyên gia tâm lý, ông đánh giá ra sao khi cha mẹ chia sẻ chuyện con xem tranh ảnh nhạy cảm, xem nội dung khiêu dâm lên mạng xã hội?
GS.TS. Tâm lý học Nguyễn Ngọc Phú: Theo tôi, việc con trẻ trong nhà xem hoặc thích xem các tranh ảnh "nhạy cảm" (hàm ý là các tranh ảnh hở hang, không đúng thuần phong mỹ tục theo cách hiểu của ta) là chuyện bình thường. Xảy ra điều này, chứng tỏ là trẻ đã lớn. Trẻ phát triển đến một mức độ nào đó, thường là ở tuổi dậy thì, các tuyến nội tiết phát triển và các đòi hỏi về sự thỏa mãn nhu cầu sinh lý bắt đầu xuất hiện. Đó là chuyện bình thường, các bố mẹ đừng băn khoăn.
Nếu bố mẹ phát hiện trẻ có biểu hiện này thì phải tìm cách hướng dẫn, giáo dục một cách kín đáo, tế nhị, phù hợp. Tại sao bố mẹ lại chia sẻ chuyện con xem tranh ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội, phỏng ích gì, chẳng những không giáo dục được con mà đôi khi còn gây phản ứng mãnh liệt rất tai hại từ con trẻ.
PV: Việc con tìm kiếm "web đen" để xem có bị coi là xấu không, thưa GS?
GS.TS. Tâm lý học Nguyễn Ngọc Phú: Với tôi, tôi không coi là xấu. Quy luật phát triển tự nhiên về tâm - sinh lý của con người cho ta biết, khi con người phát triển đến một độ tuổi nào đó (tuổi dậy thì) thì nhu cầu sinh lý, nhu cầu giới tính phát triển đòi hỏi cần có sự thỏa mãn.
Các bạn gái có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp, ngắm vuốt, ăn mặc, lựa chọn kiểu tóc, trang điểm… Bạn trai thì trước đây ăn mặc thế nào cũng xong, đầu tóc bù xù, nay tự biết phải sao cho nghiêm chỉnh, chải tóc…
Và quy luật là, đàn ông, đàn bà đối xử với nhau như thế nào, sao lại có con với nhau, chẳng ai bảo mình, nhà trường không dạy cho biết về điều này thì mình tự tìm hiểu trên mạng. Việc đó nếu xảy ra, theo tôi rất bình thường. Tự tìm kiếm để tăng thêm hiểu biết, thỏa mãn trí tò mò, sao lại xấu.
Đừng để con phải mất công tìm kiếm trên mạng để tự cắt nghĩa cho mình, rồi lại bị bố mẹ quở trách
PV: Phụ huynh nên làm gì trong tình huống bắt gặp con mình xem phim, ảnh khiêu dâm, truy cập nội dung độc hại không phù hợp với độ tuổi?
GS.TS. Tâm lý học Nguyễn Ngọc Phú: Nếu xảy ra điều này, bố mẹ đừng trách mắng con. Bố mẹ cần phải hiểu là đã đến lúc con mình lớn rồi và tìm mọi cách thuận tiện, tự nhiên, không gò bó, nhẹ nhàng, hợp lý nói chuyện với con về những vấn đề của người lớn, của giới tính, những nội dung của tính dục.
Cần lưu ý, đừng để con hiểu là bố mẹ đã biết con đã xem các phim ảnh không phù hợp, mà phải nói sao để con biết là vì mình đã lớn nên bố mẹ chủ động nói chuyện tâm sự với con về các vấn đề này. Các cuộc nói chuyện phải sắp xếp sao cho rất tự nhiên, không vội vàng, có thể xảy ra rất nhiều lần, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau hoặc chủ động bố trí như nhân cớ một sự kiện nảy sinh nào đó…
Bố mẹ cũng nên có sự phân công. Thuận hơn cả, bố nói chuyện với con trai. Còn con gái là tâm sự của mẹ. Các cuộc nói chuyện, có khi rất nhiều lần, kéo dài hàng năm. Điều chủ yếu là các bố mẹ không thực hiện các cuộc nói chuyện theo kiểu dạy dỗ, ép buộc, ngăn đe, thô bạo.
Bố mẹ cũng cần lưu ý, các nội dung học trên lớp trong các chương trình giáo dục giới tính (nếu có) là việc học trên lớp, còn nói chuyện của bố mẹ với con về các nội dung này là sự khéo léo của bố mẹ với con, có tính đến các đặc điểm riêng của con để con tiếp nhận một cách tự nhiên các tri thức về tính dục, hành vi tình dục, đạo đức trong giao tiếp với bạn khác giới…
Có thể có những nội dung nhà trường, xã hội không dạy, thì bố mẹ, tùy sự phát triển của con, phải có trách nhiệm ân tình chỉ bảo cho con biết, đừng để cho con mất công tìm kiếm trên mạng để tự cắt nghĩa cho mình, rồi lại bị bố mẹ quở trách.
Đến một thời điểm thích hợp, bố mẹ phải khuyên con, phim ảnh, các clip trên mạng có nhiều nội dung không phù hợp với tuổi của con, có nội dung có hại ảnh hưởng đến học tập của con. Thời gian học tập của con không có nhiều, vì thế, lúc này con nên dồn sức cho học tập. Nếu con biết tự gác lại các sở thích ảnh hưởng đến thời gian học tập, biết tự giác tập trung vào việc học, thì đấy là thành công của các bậc phụ huynh.
Đôi khi phải biết chiều chuộng con, khéo léo trong đối xử với con, khéo léo trong răn dạy
PV: Trong quá trình nuôi dạy con không tránh khỏi những lời nói hoặc hành động thái quá làm con tổn thương, phụ huynh nên làm gì để bình tĩnh và sửa sai?
GS.TS. Tâm lý học Nguyễn Ngọc Phú: Hằng ngày, bố mẹ đã vất vả lao động để kiếm sống. Nhiều ngành nghề có những áp lực rất lớn về công việc, về các quan hệ xã hội nảy sinh trong cơ quan, xí nghiệp, nay lúc về nhà lại gặp các vấn đề liên quan đến con cái, đến học tập của con, đến các vụ việc nảy sinh ở trường con học. Sự tức giận, mất bình tĩnh của các bậc bố mẹ là điều dễ hiểu.
Để hạ bớt căng thẳng, các nhà tâm lý học đã có lời khuyên:
- Ngồi xuống, tự thở sâu, hít vào thật sâu, thở ra nhẹ nhàng, tập trung ý nghĩ vào theo dõi hơi thở của mình.
- Nếu có lỡ lời mắng nhiếc con, có thể bố mẹ nên nói ra lời xin lỗi con. Việc nói ra này có thể sẽ gây cảm xúc tích cực ở con, con sẽ hiểu và sau này có thể sẽ hành động thuận theo lời mong đợi ở bố mẹ.
- Chủ động thoát ra khỏi các tình huống gây stress như vào phòng riêng, ra khỏi nhà…
PV: Để đối mặt với các vấn đề của tuổi dậy thì, phụ huynh và con cái cần chuẩn bị tâm lý thế nào, thưa GS?
GS.TS. Tâm lý học Nguyễn Ngọc Phú: Trong Tâm lý học có cả một chuyên ngành Tâm lý học lứa tuổi. Sách về nội dung này trên thị trường không hiếm. Các bậc phụ huynh cần tìm đọc.
Tuổi dậy thì là bước ngoặt lớn trong sự phát triển tâm - sinh lý người. Đặc trưng của lứa tuổi này là sự nổi loạn, sự phát triển nhảy vọt về nhiều mặt, đặc biệt là về thể chất, những biến động mạnh về nhận thức, tình cảm, hành vi, sự không nhất quán, hay thay đổi…
Biết trước điều này, các bậc phụ huynh phải hết sức lưu ý, đôi khi phải biết "chiều chuộng" con, khéo léo trong đối xử với con, khéo léo trong răn dạy. Nhưng các bố mẹ cần chú ý không buông bỏ, phải theo sát con, sát cánh với con trong nhiều việc, vừa biết giúp con vượt qua khó khăn, vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình với con trẻ.
PV: Theo GS, chương trình giáo dục trong nhà trường hiện nay đã chủ động đưa nội dung về sức khỏe, giới tính vào dạy cho học sinh chưa? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
GS.TS. Tâm lý học Nguyễn Ngọc Phú: Theo tin từ Bộ GD&ĐT (tháng 6/2019) được biết, ngành giáo dục đã bắt đầu triển khai chương trình giáo dục giới tính cho học sinh trong các nhà trường, nhưng mới chỉ có khoảng 0,3% trường THPT đưa giáo dục giới tính vào giảng dạy cho học sinh. Giáo dục giới tính giúp con người phát triển toàn diện về thể lực và trí lực và có ý nghĩa quan trọng đối với mọi thành viên, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên, nhưng hiện các nhà trường còn thực hiện ít quá. Hy vọng trong một số năm tới các nhà trường theo chương trình giáo dục và sách giáo khoa mới sẽ có khắc phục triệt để vấn đề này.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.TS. Tâm lý học Nguyễn Ngọc Phú!