Côn trùng đốt có thể gây nguy hiểm và cách xử trí

27-05-2023 11:40 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Vết côn trùng đốt có thể gây ngứa ngáy khó chịu hoặc đau đớn. Trong trường hợp cơ địa dị ứng có thể phản ứng nghiêm trọng. Vậy khi bị côn trùng đốt cần xử trí và dùng thuốc thế nào?

1. Côn trùng đốt có nguy hiểm?

Phần lớn vết côn trùng đốt là lành tính, nhưng bị côn trùng đốt có thể gây khó chịu và một số loại côn trùng đốt có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Khi bị côn trùng đốt, vết đốt có thể mẩn đỏ và sưng tấy với kích thước khác nhau, đôi khi kèm theo ngứa. Vết đốt của ong vò vẽ, ong bắp cày thường gây đau tức thì do nọc độc. Trong trường hợp cơ địa dị ứng, những vết đốt này có thể nguy hiểm.

Vết đốt của bọ chét gây ra các mảng đỏ dưới thắt lưng, áo ngực, quần lót hoặc nếp gấp trên da. Các vết đốt của muỗi hoặc kiến thường vô hại nhưng rất ngứa. Ở trẻ em, đôi khi hình thành những mụn nước nhỏ.

Dựa trên loại côn trùng và vùng địa lý, mức độ nguy hiểm... mà triệu chứng có thể khác nhau. Việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và sử dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp như kem chống muỗi, áo dài và mạng chắn côn trùng, có thể giảm nguy cơ bị côn trùng đốt và các vấn đề liên quan.

Bị côn trùng đốt có nguy hiểm? Cách xử trí và dùng thuốc như nào? - Ảnh 1.

Phần lớn vết côn trùng đốt là lành tính, nhưng bị côn trùng đốt có thể gây khó chịu.

Dưới đây là một số nguy hiểm mà côn trùng đốt có thể gây ra:

  • Phản ứng dị ứng: Một số người có thể phản ứng dị ứng với vết đốt của côn trùng. Phản ứng dị ứng có thể gây ngứa, sưng, mẩn ngứa, khó thở và phản ứng dị ứng nghiêm trọng (như sốc phản vệ). Những phản ứng này đòi hỏi sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
  • Bệnh truyền nhiễm: Một số loại côn trùng đốt có thể mang theo các loại vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây bệnh và truyền nhiễm cho con người. Ví dụ, muỗi có thể truyền bệnh sốt rét, virus Zika và virus Dengue.
  • Độc tố: Một số loại côn trùng như nhện độc hoặc ong gai có thể gây độc, gây ra triệu chứng nghiêm trọng và đòi hỏi sự chăm sóc y tế khẩn cấp.
  • Nhiễm trùng: Khi bị côn trùng đốt, việc gãi vùng da có thể dẫn đến nhiễm trùng. Nếu không được điều trị đúng cách, nhiễm trùng có thể lan rộng và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

2. Xử trí khi bị côn trùng đốt

Khi bị côn trùng đốt, có thể thực hiện các biện pháp sau để xử lý triệu chứng và giảm khó chịu, bao gồm:

  • Không gãi: Tránh gãi vùng bị đốt. Dù có ngứa đến đâu, việc gãi chỉ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và làm sưng nặng hơn.
  • Làm sạch vùng bị đốt: Rửa vùng bị đốt bằng nước sạch và dung dịch sát khuẩn để loại bỏ các tác nhân kích thích và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Chườm lạnh: Chườm lạnh vào vùng bị đốt trong khoảng 10-15 phút để làm giảm đau và sưng.

Hầu hết mọi người đều có phản ứng tốt với điều trị tại chỗ đối với vết côn trùng cắn hoặc đốt. Những người có tiền sử phản ứng nghiêm trọng nên đến khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất sau khi bị côn trùng đốt.

Những người không có tiền sử phản ứng dị ứng cũng nên đến khoa cấp cứu ngay lập tức nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây: Thở khò khè, khó thở, đau hoặc tức ngực, hoặc khó nói hoặc khó nuốt...

Bị côn trùng đốt có nguy hiểm? Cách xử trí và dùng thuốc như nào? - Ảnh 2.

Gãi làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và làm sưng nặng hơn.

3. Thuốc điều trị côn trùng đốt

Đối với phản ứng cục bộ:

- Thuốc giảm đau: Nếu vết đốt của côn trùng gây đau, có thể sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà sản xuất.

- Thuốc kháng histamine dạng bôi tác dụng tại chỗ: Ví dụ diphenhydramine hoặc tripelennamine để giảm ngứa.

- Thuốc bôi ngoài da có chứa corticosteroid: Ví dụ triamcinolone 0,1% giúp giảm viêm, giảm phù nề và ngăn ngừa bội nhiễm.

Đối với phản ứng toàn thân:

- Thuốc kháng histamine đường uống giúp giảm triệu chứng dị ứng toàn thân. Các loại thuốc này bao gồm cetirizine, loratadine, và fexofenadine. Tuy nhiên, cần đọc kỹ hướng dẫn và tuân thủ liều lượng đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc nhà sản xuất.

- Nếu có phản ứng dị ứng nghiêm trọng như khó thở, hoặc phát ban toàn cơ thể, việc điều trị nên được thực hiện tại khoa cấp cứu. Điều trị có thể bắt đầu bằng adrenaline như epinephrine, thuốc kháng histamine diphenhydramine và steroid được tiêm tĩnh mạch. Kháng sinh đường uống có thể được chỉ định trong trường hợp nhiễm trùng.

Đối với vết cắn và vết đốt dẫn đến lây truyền sinh vật gây bệnh, bác sĩ sẽ chẩn đoán xác định để có thể thực hiện phương pháp điều trị thích hợp.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Kê gối cao hay thấp để có giấc ngủ ngon


Ds. Đoàn Thị Phương Thảo
Ý kiến của bạn