Hà Nội

Côn trùng đốt – chớ coi thường

14-11-2016 14:18 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Dịp này thời tiết chuyển mùa là lúc rất nhiều loại côn trùng hoành hành tấn công con người. Tưởng chỉ một vết đốt của côn trùng không gây hại nhưng nhiều người đã khốn khổ sau khi bị côn trùng hỏi thăm. Tại buổi tư vấn truyền hình trực tuyến “Phòng bệnh về da do kiến ba khoang, côn trùng đốt” do báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức, các chuyên gia y tế đã đưa ra nhiều khuyến cáo về mức độ nguy hại khi bị côn trùng đốt.

Tổn thương da nghiêm trọng

Côn trùng, kiến ba khoang khi đốt hoặc tiếp xúc với da sẽ gây biểu hiện dị ứng trên da  như đỏ, phát ban, sẩn ngứa, mụn nước, tổn thương trên da... Ngoài ra còn gây tổn thương các cơ quan khác như tim, phổi, thận, máu... thậm chí có trường hợp gây sốc phản vệ, nguy kịch cho tính mạng người bệnh. Theo Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn Nguyên Giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai, có rất nhiều loại côn trùng khi tiếp xúc sẽ gây tổn thương trên da như kiến ba khoang, bọ nẹt, thiêu thân... Khi tiếp xúc với bọ nẹt, lông của con bọ nẹt chạm vào, chích vào phần da hở, ngay trên đầu lông của con bọ nẹt có những yếu tố hay những chất hoá học tiết ra và cắm vào trên da của chúng ta, trong đó có chất là histamin, gây ra ngứa và tổn thương trên da. Có rất nhiều loại côn trùng các nhau, phấn của bướm cũng có thể gây viêm da tiếp xúc. Lúc đầu có thể đỏ, ngứa, sau đó mụn nước như eczema.

Muỗi đốt tưởng chừng như rất bình thường song chớ nên xem nhẹ. Sau khi bị muỗi đốt vào cơ thể có thể mang 2 yếu tố. Thứ nhất là truyền một loại bệnh, ví dụ muỗi truyền bệnh sốt rét và một số bệnh khác. Thứ hai là sau khi hút máu thì muỗi lại truyền những chất vào máu mà thành phần chủ yếu là protein hoặc men thì có thể gây ra phản ứng dị ứng tại chỗ ở da. Khi một protein lạ vào trong cơ thể người thì cơ thể có thể sinh ra những chất kháng thể để chống lại và những lần sau nó sẽ tạo ra những phản ứng dị ứng thể hiện ở tại chỗ hoặc toàn thân. Thậm chí trong quá trình gãi có thể gây nhiễm trùng, bội nhiễm, gây mụn trên da. Ngoài ra, trong lịch sử bệnh miễn dịch - dị ứng cũng ghi nhận một loại dị ứng với muỗi vì mỗi cơ thể con người, hệ thống miễn dịch rất khác nhau với protein rất khác nhau từ các loại muỗi thì nó có thể tạo ra các phản ứng dị ứng sau này nếu tiếp xúc lại.

viêm daNhiều bệnh nhân đến khám viêm da do côn trùng đốt

Ong, rết đốt gây hậu quả đáng ngại

Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn lưu ý, trong những loại côn trùng đốt và cắn thì có 2 loại cần chú ý là ong và rết. Khi bị ong và rết đốt gây những hậu quả đáng ngại vì trong nọc độc của rết và ong có 2 thành phần quan trọng là acid hyaluronidase và một loại men nữa mà khi tiếp xúc với cơ thể thì nó là yếu tố lạ (dị nguyên), nó kích thích cơ thể sinh ra kháng thể để lần sau gặp thì nó gây ra những phản ứng cực nặng. Thứ hai là trong nọc ong hay rết có những loại men khác được giải phóng ra làm tiêu huỷ protein, gây ảnh hưởng chức năng, tổn thương về thần kinh và các cơ quan khác. Những loại này có 2 xu hướng gây độc và gây dị ứng. Nó có thể gây tổn thương tại chỗ là gây loét trên da, đau vô cùng, gây tổn thương mạch máu, đông máu, tổn thương thận, gan, tim khi bị lượng độc tố vào quá nhiều.

Có những trường hợp sau khi bị rết cắn thì vài ngày sau mới có biểu hiện tổn thương và có những trường hợp tổn thương rất nặng và tổn thương ở khắp nơi, tất cả các hệ thống cơ quan và gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Khi bị rết cắn phải xử lý ngay ở vết cắn bằng cách rửa nước xà phòng, nước muối loãng, có thể dùng thêm kháng sinh để chống nhiễm khuẩn trên da, dùng thuốc giảm đau rát, trường hợp nặng phải tiến hành thêm các biện pháp điều trị khác. Rết cắn không chỉ gây tổn thương trên da, lâu lành da, mà còn biểu hiện ở hệ thần kinh gây đau vô cùng. Đó là những dấu hiệu đáng lưu ý của rết cắn. Vì vậy khi bị rết, ong cắn  cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị.

Xử lý vết thương thế nào?

TTƯT. PGS.TS Nguyễn Hữu Sáu - Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương nhấn mạnh, phản xạ của chúng ta khi bị côn trùng đốt thường là cầm, giật ra và vứt đi. Tuy nhiên khi đó ngòi của chúng vẫn còn trên da, gây ra phản ứng lâu dài sau này, có thể ngứa nhiều tháng nếu không loại bỏ được nó. Thông dụng nhất là hơ đũa nóng để vào đít con côn trùng đó nó sẽ nhả ra.  Khi loại bỏ con côn trùng đó, chúng ta có thể rửa bằng nước sạch, hoặc xà phòng, dùng chất sát khuẩn tại chỗ, theo dõi tiến triển của vùng bị đốt.

viêm daXứ lý vết thương do côn trùng đốt cần đúng cách để tránh bị sẹo

Trong trường hợp nhẹ, gây ra các phản ứng tại chỗ như đỏ, ngứa chúng ta vẫn tiếp tục dùng thuốc sát khuẩn hoặc các kem làm mát da như kem Uma, hoặc một số kem chống dị ứng. Trong trường hợp tổn thương nặng hơn vì các côn trùng có thể đưa vào cơ thể người các nguồn bệnh, cần đưa người bệnh đến bệnh viện. Rất nhiều côn trùng có thể gây bệnh. Bệnh lime do con ve đốt có  thể gây tổn thương như ban đỏ, nặng có thể có sốt, mệt mỏi phải dùng kháng sinh. Có những trường hợp nặng như ong đốt, có thể gây sốc, khi tổn thương phù nề, mệt mỏi, đau nhức nhiều cần đưa bệnh nhân đến cơ sở khám và cấp cứu kịp thời.

Các cách để loại bỏ các chất đó có nhiều cả theo kinh nghiệm dân gian và hiện đại. Người ta có thể sử dụng băng dính nhấc nó ra hoặc lấy các thứ khác để lăn trên da như dùng cơm xôi, quả đào... Thứ hai là có thể sử dụng các thuốc kháng histamin để điều trị ngứa như loratadin, cetirizin... theo đường uống (nếu bị nặng) hoặc bôi tại chỗ ngứa trên da.

Nhiều loại côn trùng rất thích ánh sáng, nên phòng tránh bằng cách đóng cửa sổ khi bật đèn, hoặc làm cửa lưới. Khi các con côn trùng đã bay vào nhà và tiếp xúc với người thì cần rửa bằng nước, không nên gãi khi bị đốt để tránh làm tổn thương trầm trọng hơn, có thể bôi các kem corticoid loại nhẹ, nặng hơn có thể uống thuốc chống ngứa kháng histamin, nặng hơn nữa phải đến các bác sĩ da liễu để được khám và chỉ định điều trị.

Khi chúng ta bị côn trùng cắn, điều lo lắng đầu tiên là vết thương có để lại sẹo hay không, nhất là các vùng cơ thể như mặt, tay, chân.... ThS.BS. Lê Thị Hải -nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, khi vết thương đã thành sẹo rồi vì chế độ ăn uống cũng không có tác động mấy. Nếu vết sẹo quá mất thẩm mỹ, có thể tìm đến BV Da liễu để xử lý. Ngày nay, công nghệ xóa sẹo rất tốt,  hoàn toàn có thể xóa đi những vết sẹo không mong muốn trên cơ thể của mình. Nếu chỉ là vết thâm, chúng ta cũng không nên lo lắng vì vết thâm sẽ mờ dần, từ khoảng 1-2 tháng.

viêm da

TTƯT. PGS.TS Nguyễn Hữu Sáu khuyến cáo: Hiện nay nhiều người nhầm lần bệnh giời leo (hay còn gọi là zona), và bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng đốt. Phương pháp chữa bệnh bằng cách đắp đậu xanh nhá vào vết thương rất dễ bội nhiễm, chúng tôi không khuyến cáo vì khi nhai đậu xanh trong miệng của chúng ta rất nhiều vi khuẩn. Cách phân biệt giữa bệnh giời leo và viêm da tiếp xúc như sau: Nếu bị zona (giời leo), các bọng nước, mụn nước rất trong, một nửa bên cơ thể, thành từng chùm tiến triển 1 tuần đến 10 ngày rồi xẹp xuống, đóng vảy và thành sẹo. Tổn thương viêm da tiếp xúc do côn trùng đốt lúc đầu rất rát bỏng, sau đó xuất hiện mụn mủ, tổn thương trắng ra kiểu như da hoại tử. Tổn thương này xuất hiện 1-2 ngày sau khi tiếp xúc. Người bệnh n nên đến khám để bác sĩ xác định chính xác là là zona hay viêm da tiếp xúc.


Ngọc Phương
Ý kiến của bạn