Con thuyền nước Anh chao đảo trong sóng lớn Brexit

04-04-2019 10:20 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sáng sớm ngày 4/4 (theo giờ Việt Nam), dự luật Brexit được thúc đẩy tại tất cả các cấp thuộc Hạ viện Anh và chỉ trong chưa đầy 6 giờ, dự luật đã được thông qua với số phiếu sít sao 313 phiếu ủng hộ so với 312 phiếu chống.

Tuy nhiên, để chính thức có hiệu lực, dự luật này vẫn còn cần nhận được sự ủng hộ của Thượng viện Anh. Trong bối cảnh đó, cả nước Anh và cả Châu Âu vẫn rối bời bởi những nỗi lo về tương lai kinh tế, những kịch bản khó khăn được vẽ ra khi Anh dứt áo rời bỏ châu Âu....

Sự ra đi và những tỷ bảng Anh thiệt hại

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế hàng đầu, Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ thiệt hại khoảng 58 tỷ bảng Anh (80,4 tỷ USD) do Brexit. Năm nay, trong giai đoạn mới chỉ bàn tính đến việc rời bỏ châu Âu, kinh tế Anh – nước chủ động “li hôn” - được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 1,2% trong năm nay, giảm mạnh so với mức dự báo trước đó của Chính phủ vào tháng 10/2018 là 1,6%. Chính bản thân Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond phải thừa nhận rằng: “Sẽ xảy ra tình trạng đổ vỡ rất đáng kể trong ngắn hạn và tác động rất lớn tới nền kinh tế của Anh trong trung hạn tới dài hạn”.

Cụ thể hơn, Tổ chức tư vấn Oxford Economics ước tính, kịch bản Brexit không thỏa thuận sẽ khiến Anh chịu tổn thất khoảng 140 tỷ euro và nhiều khả năng sẽ có khoản vay mới lên tới 80 tỷ bảng Anh/năm cho đến năm 2033. Tổn thất với 27 nước thành viên EU còn lại đến năm 2020 là 112 tỷ euro. Đây thực sự là kịch bản tồi tệ mà cả EU và Anh đều không muốn.

Trong khi đó, theo báo cáo của công ty tư vấn Oliver Wyman và công ty luật Clifford Chance, nếu đàm phán Brexit kết thúc mà không đạt được thỏa thuận mới về thương mại, các doanh nghiệp EU xuất khẩu sang Anh sẽ phải trả khoảng 31 tỷ bảng Anh tiền thuế/năm. Con số tương ứng với các nước EU là 27 tỷ bảng Anh/năm.

Hiệp hội bán lẻ Anh quốc (BRC) và công ty Barclaycard vừa tiến hành một cuộc khảo sát chi tiêu của người dân nước Anh và thấy rằng trong “bối cảnh Brexit” hiện nay, người tiêu dùng Anh trong tháng 2/2019 đã thắt chặt hầu bao, chú trọng vào mua thực phẩm, trong đó có thực phẩm dự trữ, hơn là mua các mặt hàng không thiết yếu. Thậm chí, Chính phủ Anh còn phải lập ra một khoản quỹ đặc biệt trị giá 26,6 tỷ bảng Anh (khoảng 35,2 tỷ USD) để ứng phó với những thiệt hại có thể xảy ra do Brexit.

Con thuyền nước Anh chao đảo trong sóng lớn Brexit

Châu Âu “cuống cuồng”

Không chỉ riêng nước Anh lo lắng, các nước EU cũng đang gấp rút lên kế hoạch đối phó với Brexit. Do mối quan hệ kinh tế gắn bó với Anh, Bỉ bị cho là nằm trong số các quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất từ tác động của Brexit. Ngân hàng Trung ương Bỉ ước tính, ở kịch bản tồi tệ nhất của Brexit, GDP của nước này sẽ bị sụt giảm 2,3%, tức mức thiệt hại ở vào khoảng 9,8 tỷ euro.

Để giảm bớt tác động của Brexit, Chính phủ Bỉ phải cầu viện tới Quỹ hỗ trợ toàn cầu hóa của châu Âu để lập ra một quỹ khẩn cấp giúp đỡ những người bị mất việc làm khi một doanh nghiệp lớn đóng cửa hoặc chuyển công xưởng sang nơi khác. Với biện pháp đó, Bỉ hy vọng thiệt hại của Brexit sẽ giảm xuống còn khoảng 4,5 tỷ euro.

Với Cộng hòa Czech, nước có tới hơn 100 nghìn công dân đang sinh sống  và làm việc tại Anh. Chính phủ Czech đã thông qua dự luật nhằm tạo điều kiện cho các công dân Anh đang sinh sống tại nước Đông Âu này được đảm bảo quyền lợi như là công dân EU trong giai đoạn chuyển giao từ 30/3/2019 đến 31/12/2020 theo như dự kiến. Đây là biện pháp nhằm thúc đẩy London cũng có biện pháp tương tự để bảo vệ quyền lợi của công dân Czech ở Anh.

Ngoài các biện pháp tự bảo vệ của Anh và các thành viên EU, các chuyên gia kinh tế khuyên rằng, để giảm nhẹ tác động của các rào cản thương mại hậu Brexit, hai bên có thể xây dựng một hiệp định thương mại mới tương tự với liên minh thuế quan của EU, nhằm giúp giảm thiệt hại hàng năm xuống còn 14 tỷ bảng Anh cho các doanh nghiệp EU và còn khoảng 17 tỷ bảng Anh cho Anh.

Phản đối và hối hận

Tuần qua, một cuộc biểu tình kéo dài hơn 5 giờ với hơn 1 triệu người tham gia đã diễn ra tại khu vực xung quanh tòa nhà Quốc hội Anh để phản đối việc nước này rời khỏi EU (Brexit), yêu cầu tiến hành trưng cầu ý dân lần 2 và đòi Thủ tướng Theresa May từ chức. Số người tham gia cuộc tuần hành phản đối được cho ngang với cuộc biểu tình hồi năm 2003 yêu cầu chấm dứt chiến tranh tại Iraq, vốn được cho là cuộc biểu tình lớn nhất thế kỷ ở Anh.

Đơn kiến nghị trên website của Quốc hội Anh kêu gọi đình chỉ thực thi Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon và hủy bỏ tiến trình Anh rời khỏi EU đã chạm mốc 4 triệu chữ ký. Có những lúc có tới gần 2 nghìn người ký đơn kiến nghị trong một phút, khiến trang web nhiều lần bị sập vì không chịu nổi lượng truy cập kỷ lục. Ngày càng có nhiều người Anh tỏ ra hối tiếc vì từng ủng hộ Brexit và muốn hủy bỏ mọi thứ, bao gồm cả thỏa thuận Brexit mà bà May đưa ra trước Quốc hội. Những người này còn kêu gọi tổ chức lại trưng cầu dân ý về Brexit.

Một số tờ báo địa phương như tờ Times đưa tin rằng nội bộ Đảng Bảo thủ đang bàn kế hoạch về thời điểm để Thủ tướng May từ chức. Bản thân Văn phòng Thủ tướng Anh cũng gián tiếp đưa ra lời cảnh báo về khả năng tổng tuyển cử nếu như thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May một lần nữa thất bại tại Quốc hội.

Tại giây phút hiện tại, không ai có thể biết đích xác liệu rồi con thuyền nước Anh sẽ đi về đâu trong làn sóng Brexit vẫn đang cuộn lớn....


Hà Anh (tổng hợp)
Ý kiến của bạn