- Bé Gạo ở nhà với ai?
- Dạ thưa cô, con ở nhà với ngoại!
- Vì răng con ở nhà với ngoại?
- Dạ vì mẹ làm bác sỹ hay trực ở bệnh viện để chữa bệnh cho các em bé nhỏ xíu mau được về nhà với ba mẹ.
- Thế còn ba của bé Gạo?
- Ba của con cũng làm bác sỹ nhưng mà ở bệnh viện ngoài Quảng Bình…
Một chiều nắng gắt, bác sỹ Nguyễn Thị Hoài Thu bước nhanh ra từ phòng Hồi sức sơ sinh ở Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị ngay sau cuộc điện thoại gọi báo có trẻ sinh non ra viện tháng trước được bà ngoại đưa tới tái khám.
Nhờ người bà bế em bé ngồi lên giường bệnh kế bên máy siêu âm, bác sỹ Thu khử khuẩn tay rồi mở hai tà áo bé đang mặc ra để quan sát, dùng đầu ngón tay đè nhẹ lên da ngực, da bụng của bé trong vài giây.
Những băn khoăn của người bà được BS Thu giải đáp theo cách dễ hiểu, là bé bị vàng da sinh lý khá nhẹ và sẽ tự khỏi sau từ 7 ngày đến 10 ngày nếu chăm sóc tốt theo hướng dẫn của bác sỹ.
Cùng với thao tác siêu âm tim, nữ bác sĩ giải thích về ống động mạch trong những tuần lễ đầu sau sinh của bé rồi sẽ tự đóng. Nét mặt của người bà dịu dần. Dáng nằm thiu thiu của đứa trẻ gợi cảm giác yên ổn.
Cùng lúc ấy, con gái 4 tuổi của thạc sĩ, bác sỹ nội trú (Ths.BSNT) Nguyễn Thị Hoài Thu - Phó trưởng Khoa Nhi - là bé Gạo được bà ngoại đến đón ở trường mầm non như mọi ngày.
Bà Lê Thị Niềm - bà ngoại của bé Gạo kể: "Trước đây tôi làm điều dưỡng viên và thường đưa con đi trực trong những lúc không gửi ai được nên Thu theo mẹ vào bệnh viện từ lúc 3 tuổi. Bây giờ tôi nghỉ hưu nên giúp con gái chăm nom cháu để Thu yên tâm làm nhiệm vụ của một bác sỹ. Nhưng cũng đôi khi thấy, sáng chiều cháu được ông bà ngoại đưa đón, tối ăn cơm cùng ông bà, rồi đi ngủ cũng với bà ngoại, thì càng thương mẹ con cháu".
Với BS Nguyễn Thị Hoài Thu, dẫu có nhiều lúc thấy con gái nhỏ của mình phải chịu thiệt thòi so với các bạn cùng lớp - luôn được mẹ đưa đón mỗi ngày. Nhưng công việc của bác sỹ phụ trách phòng nuôi trẻ sơ sinh, trẻ sinh non với các bệnh lý phức tạp như nhiễm trùng sơ sinh, dị tật sơ sinh, suy hô hấp,… làm cô không dễ buông bỏ.
Điều đó xuất phát từ tình cảm yêu thương trẻ và niềm yêu thích công việc khám chữa bệnh cho trẻ sơ sinh từ khi Hoài Thu đang là sinh viên năm 6 của Trường Đại học Y-Dược Huế. Cô đi thực tập ở bệnh viện rồi chọn thi bác sỹ nội trú Nhi khoa sau 2 tháng về công tác ở BVĐK tỉnh Quảng Trị, dù biết rằng rất vất vả.
"Vất vả là đặc thù, thường trực của công việc điều trị bệnh lý và chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ sinh non, nhất là trẻ cực non vì phần lớn trẻ có vấn đề bệnh lý phức tạp, diễn biến nhanh, trở nặng cũng nhanh. Vậy nên mỗi khi có trẻ sinh non hay trẻ cực non đủ điều kiện sức khỏe được bố mẹ đưa về nhà thì cùng với chúc mừng gia đình của trẻ là tập thể bác sỹ, điều dưỡng viên Khoa Nhi cũng chan hòa niềm vui", Ths.BSNT Nguyễn Thị Hoài Thu nói.
BS Thu lấy ví dụ về ca nuôi dưỡng thành công một bé gái 27 tuần thai với cân nặng 730 gram trong 3 tháng đầu năm 2023. Bằng hàng loạt kỹ thuật như đặt ống nội khí quản để bé thở máy, lấy vein ở tĩnh mạch trung tâm để truyền đạm và sữa, kiểm tra não và siêu âm tim mỗi ngày, áp dụng phương pháp Kangaroo, cuối cùng bé đã được nằm trong vòng tay và hơi ấm của bố mẹ từ lúc được 900 gram.
Niềm vui của BS Thu và đồng nghiệp càng lớn bởi bố của bé là người cùng cơ quan, lập gia đình khi đã gần 50 tuổi. Bé này là một trong những trường hợp mà nhiều người không tin sẽ sống được.
Một trẻ sơ sinh non hơn và nhẹ cân hơn nữa là con của sản phụ 28 tuổi Tr.Th.M.H. ở thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng. Trường hợp này sinh thường tại BVĐK tỉnh Quảng Trị vào ngày 16/4/2023 khi đang trong tuần thai thứ 25 với cân nặng 670 gram - được xem là nhỏ nhất về tuổi thai và nhẹ cân nhất tính đến thời điểm hiện tại. Một lần nữa, Ths.BSNT. Nguyễn Thị Hoài Thu cùng các đồng nghiệp và điều dưỡng viên Khoa Nhi đã gắn chặt với các căn phòng hồi sức sơ sinh, phòng Kangaroo,… để làm nên những kỳ tích.
Con gái của chị Tr.Th.M.H. cử động rất yếu, thở không đều và có cơn ngưng thở dài, phổi thông khí kém hai bên phải được tiến hành hồi sức sơ sinh ngay tại phòng sinh. Các y, bác sỹ Khoa Nhi hỗ trợ đặt ống nội khí quản rồi chuyển bé lên phòng Hồi sức sơ sinh ngay khi da của bé có dấu hiệu hồng hơn và bé mở mắt, có phản xạ tay chân.
Phải cứu sống bé. Mệnh lệnh của trái tim thầy thuốc đã thúc giục Ths.BSNT Nguyễn Thị Hoài Thu cùng bác sỹ Trần Vĩnh Hoàng và các điều dưỡng viên Hồ Thị Thơm, Lê Thị Tuyết, Lê Thị Bích, Bùi Thị Lan Ngọc, Mỹ Hương tìm mọi biện pháp chuyên môn tốt nhất để giữ gìn sự sống đồng thời cải thiện cân nặng của bé: Đưa bé vào nằm lồng ấp, cho bé thở máy qua ống nội khí quản, ủ ấm bé trong môi trường 36°C, bơm thuốc trưởng thành phổi, truyền kháng sinh và thuốc vận mạch qua catheter tĩnh mạch rốn, nuôi dưỡng bằng bằng đạm kết hợp sữa công thức và sữa mẹ, kiểm soát ánh sáng và tiếng động xung quanh bé cũng như các yếu tố có thể gây nhiễm khuẩn theo cách đặc biệt nghiêm ngặt.
Tất cả những kỹ thuật được thực hiện với rất nhiều cố gắng, kiên nhẫn, tìm cách giảm đau cho bé khi lấy vein bởi trên cơ thể quá nhỏ của bé thì việc tìm vein và giữ vein là việc khó ở ngưỡng gần như tuyệt đối, đòi hỏi phải luôn cẩn thận, tỉ mỉ, nhẹ nhàng ở mức cao. Chỉ như vậy mới tránh cho bé không bị suy hô hấp, xuất huyết não hoặc phổi, hoại tử ruột, nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa, tan máu vàng da…
Cũng có lúc trong giờ phút thường trực chuyên môn bên bé, Ths.BSNT.Nguyễn Thị Hoài Thu cùng điều dưỡng viên thay tã, vỗ về, hát ru, nựng nịu bé. Để rồi, sự đền đáp với những hy sinh lặng thầm ấy chính là sức khỏe của bé tốt hơn sau ngày thứ 7 của quá trình chăm sóc tích cực và nuôi dưỡng đặc biệt.
Bền bỉ với mục đích vì sức khỏe của bé, BS Thu đã có những chỉ định chăm sóc tăng cường, như vừa truyền dịch vừa cho ăn mỗi lần 0,5ml sữa qua bơm tiêm điện và tăng dần số lần ăn, gọi bố mẹ bé vào thăm con thường xuyên.
Đến ngày tròn 1 tháng tuổi, cân nặng của bé tăng 230 gram và sức khỏe hoàn toàn ổn định nên được đưa sang phòng Kangaroo để được bố mẹ ấp da kề da. Từ lúc này, bé phát triển rất nhanh trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, có thể tự bú mẹ và đạt 1.800 gram khi được ra viện vào ngày 10/7/2023. Đến tuần đầu tiên của tháng 8/2023, bé đạt 2.400 gram trong niềm vui khôn tả của gia đình.
Nỗ lực và sự hi sinh của BS Thu và cộng sự gây cảm kích đến nỗi nhiều bố mẹ, ông bà của các bé sinh non được nuôi thành công đã viết thư cảm ơn y bác sỹ Khoa Nhi. Có người mẹ viết thư bằng chính danh xưng của con mình.
Thư của bé Phạm Thanh Ngọc Minh viết: "Ngày ra đời em chỉ vừa đúng 900 gram, nhờ được các cô chăm sóc nay em đã được 1.900 gram. Đây là một cách biệt to lớn mà đến mẹ của em cũng tưởng như vừa qua một giấc mơ. 70 ngày em được các bác, các cô chăm sóc là khoảng thời gian các cô thức khuya, dậy sớm để cho các bạn nhỏ sinh non những giọt sữa ngọt ngào. Các cô quấn bé và bế bồng đưa từ khu này qua khu khác. Trong vòng tay các cô em luôn cảm thấy bình yên và vững tâm. Với tình thương yêu, sự chăm sóc ngày đêm của các cô mà hôm nay em được trở về với vòng tay yêu thương của gia đình".
Thư của bé Nguyễn Ngọc Thanh An viết: "Chính sự yêu thương của các cô, các bác sỹ của Khoa Nhi đã cho con sự lớn lên, cho con từng chút sữa, cho con từng hơi thở".
Là mẹ của bé gái sinh non ở tuần thứ 30 được BS Nguyễn Thị Hoài Thu cùng đồng nghiệp nuôi dưỡng thành công, chị Lê Thị Nữ cảm động viết: "Tại phòng cấp cứu sơ sinh, con tôi được các bác sỹ và điều dưỡng viên tận tình chăm sóc đến ngày thứ 45 được ra viện. Bác sỹ và điều dưỡng viên tận tình theo dõi sức khỏe của con tôi, chăm bón từng giọt sữa, quan sát màu da và màu mắt bất kể ngày đêm mà không hề có bất kỳ một đòi hỏi gì cho bản thân, luôn vui vẻ và nhiệt tình giải đáp mọi thắc mắc cũng như cùng mẹ chăm bé trong những ngày đầu ra khỏi lồng ấp".
Mẹ của bé Đặng Thành Nhân sinh vào tuần thai thứ 37 nhưng bị suy dinh dưỡng bào thai, nặng 1.100 gram tâm sự: "Ở Khoa Nhi, bé Nhân được các y, bác sỹ luôn bên cạnh để chăm sóc và Khoa Nhi như ngôi nhà thứ hai của bé Nhân, cứu được bé lúc sức khỏe yếu nhất. Cảm ơn gia đình thứ hai của bé Nhân, nơi bé nhận được rất nhiều tình cảm quý giá".
Bố mẹ của một cặp song sinh bày tỏ lòng biết ơn/; "Trong những ngày ở phòng cấp cứu sơ sinh, hai con của chúng tôi được các y, bác sỹ tận tình chăm sóc. Hai cháu đến nay được 40 tuần và được ra viện. Gia đình tôi vô cùng cảm động và biết ơn các y, bác sỹ của Khoa Nhi đã chăm sóc sức khỏe hai cháu bất kể ngày đêm để hai con tôi được khỏe như hôm nay".
Không gì ngoài mục đích giúp trẻ sinh non và cực non có cơ hội được sống và được yêu thương, những đóng góp của Ths.BSNT Nguyễn Thị Hoài Thu và đồng nghiệp đã chạm tới trái tim của mọi người. Họ đã hi sinh bản thân cho cả hai vai trò, người mẹ và người thầy thuốc.
Nhờ mẹ chăm sóc con gái nhỏ của mình, BS Thu tiếp xúc hàng giờ với những em bé ra đời sớm và quá sớm là con của rất nhiều người khác. Việc đó được thực hiện bằng trái tim của một người mẹ.
Món quà cô và đồng nghiệp tặng mỗi bé góp phần lan tỏa tình yêu trẻ và làm rạng rỡ ngành y, như một người mẹ của trẻ sinh non đã viết: "Cho con từng hơi thở, cho con sự lớn lên".