Còn sự hy sinh thầm lặng nào hơn nữa?

22-08-2015 18:19 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nhưng sự hy sinh của điều dưỡng Võ Văn Đấu là sự hy sinh đến tột cùng: cả tính mạng của mình. Điều không mong đó vẫn xảy ra với thầy thuốc, những người đi cứu người…

Thế là điều dưỡng Võ Văn Đấu (26 tuổi, ngụ ở Hữu Đạo, Châu Thành, Tiền Giang, điều dưỡng Bệnh viện Tâm Thần Tiền Giang) đã mất, vào lúc 20 giờ ngày 3/8, sau 3 tuần nằm viện, dù được các bác sĩ khoa Bỏng và Phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Chợ Rẫy tận tình cứu chữa, dù tất cả đồng nghiệp ở Tiền Giang, trong cả nước đứng bên cạnh anh, lo lắng theo dõi anh, lo lắng cho từng nhịp đập con tim và hơi thở yếu ớt của anh… Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm anh, chỉ đạo bệnh viện dùng kỹ thuật cao nhất, không kể đến tốn kém tiền bạc để cứu anh. Tuy nhiên, do bị bỏng nặng, biến chứng viêm phổi, suy thận, nhiễm nấm máu, nhiễm trùng máu, anh đã không thể ở lại với biết bao nhiêu người yêu mến, khâm phục anh.

Một bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần TP.HCM khi hay tin đồng nghiệp của mình là điều dưỡng Võ Văn Đấu đã mất, bàng hoàng nhận xét: “Nghề thầy thuốc điều trị bệnh nhân tâm thần là nguy hiểm như vậy đó. Nguy hiểm luôn thường trực và luôn bất ngờ”.

Ở trường hợp của anh Đấu còn đau lòng hơn khi lẽ ra anh không gặp nạn. Hôm xảy ra sự việc (tối 12/7), anh đã kết thúc ca trực và trở về nhà bên đứa con gái mới 4 tuổi nhưng nhận được điện thoại cần anh đi hỗ trợ, khống chế một bệnh nhân tâm thần đang trong tình trạng kích động, đòi đốt nhà, nhằm đưa bệnh nhân này về bệnh viện điều trị. Thế là anh lên đường làm nhiệm vụ. Không ngờ, khi lao vào khống chế bệnh nhân, anh bị bệnh nhân hắt cả thùng xăng lên người, xăng bắt lửa từ lò hấp bánh bao gần đó… Sự ra đi của điều dưỡng Đấu: đau lòng, không lường trước được. Sự ra đi này là sự tổn thất cho ngành Y tế: mất một con người dũng cảm, tận tâm với công việc; là tổn thất lớn cho gia đình khi anh là trụ cột của gia đình, con còn thơ dại.

Sự việc đã xảy ra, điều còn lại là làm sao bù đắp cho tổn thất cho anh Đấu, cho gia đình nhỏ bé, yếu ớt của anh, khi trụ cột gia đình đã gãy. Đó là cần một chính sách phù hợp nhất nhằm đảm bảo cuộc sống cho vợ con anh. Theo những tiền lệ đã có, những trường hợp tử vong trong khi làm nhiệm vụ, dũng cảm quên mình để cứu người, để dẹp đi một mối nguy hiểm đến tính mạng, đã được công nhận là liệt sĩ, như trường hợp “Hiệp sĩ nhường áo phao” Trần Hữu Hiệp trong vụ chìm tàu ở biển Cần Giờ, TP.HCM gần đây chẳng hạn. Anh Đấu mất khi anh khống chế bệnh nhân tâm thần lăm lăm can xăng đe dọa đốt nhà, đốt người khác. Sự ra đi của anh cũng là vì anh toàn tính mạng của người khác, trong đó có “thủ phạm”, cho sự bình yên của người dân. Nếu anh Đấu được công nhận liệt sĩ, điều đó sẽ bù đắp được phần nào tổn thất của anh và gia đình anh; đồng thời động viên các thầy thuốc nói chung, các thầy thuốc trong lĩnh vực điều trị tâm thần nói riêng, giúp họ có thêm sức mạnh để hoàn thành công việc.

Điều cuối cùng: chợt nghĩ đến biết bao nhiêu gương thầy thuốc hy sinh thầm lặng cho công việc cứu người, có người quên cả hạnh phúc gia đình riêng, có người quên đi sự hiểm nguy để luôn bên cạnh bệnh nhân mắc bệnh lây nhiễm hiểm nghèo… Nhưng sự hy sinh của điều dưỡng Võ Văn Đấu là sự hy sinh đến tột cùng: cả tính mạng của mình. Điều không mong đó vẫn xảy ra với thầy thuốc, những người đi cứu người…

​THẾ PHONG

 

 


Ý kiến của bạn