Các nhà đầu tư đã đổ xô vào kim loại quý này, nhờ kỳ vọng vào chương trình nới lỏng tiền tệ, căng thẳng địa chính trị tại châu Âu và Trung Đông và đáng chú ý nhất là hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương, dẫn đầu là Trung Quốc.
Giá vàng giao ngay đang giao dịch quanh mức 2.300 USD/ounce sau khi đạt kỷ lục 2.449,89 USD/ounce vào ngày 20/5. Từ đầu năm đến nay, giá kim loại quý này tăng hơn 11%.
Phát biểu bên lề hội nghị Kim loại quý châu Á Thái Bình Dương tại Singapore, ông Ruth Crowell, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thị trường Vàng London nhận định có nhiều lý do thúc đẩy giá vàng hiện nay và một trong số đó là hoạt động mua vào của Trung Quốc.
Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc, đã tăng cường dự trữ vàng trước đà giảm của tiền tệ và rủi ro địa chính trị lẫn kinh tế. Vàng được biết đến như một tài sản an toàn chống lại rủi ro địa chính trị và kinh tế.
Chuyên gia Amar, người phụ trách mảng kim loại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông tại StoneX cho rằng nhu cầu mua vàng vật chất vẫn mạnh mẽ và giá vàng sẽ dễ đạt 2.600 - 2.700 USD/ounce trong năm nay.
Các nhà phân tích cho biết, khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự rõ ràng về thời điểm cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cuộc bầu cử vào tháng Mười Một tại Mỹ có thể sẽ gây thêm biến động cho thị trường.
Mặc dù hầu hết các nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng giá vàng, khả năng giá kim loại quý vượt qua mức 3.000 USD/ounce vẫn khá xa vời vào thời điểm này.
Không chỉ vàng, giá bạc cũng đang giao dịch gần với mức cao nhất trong hơn 11 năm. Bạc vừa là tài sản đầu tư vừa là kim loại công nghiệp được sử dụng trong thiết bị điện tử và tấm pin Mặt Trời.
Ông Michael DiRienzo, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Viện Bạc cho rằng triển vọng của giá bạc rất tươi sáng khi xét đến nhu cầu sử dụng trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Thống kê cho thấy nhập khẩu bạc của Ấn Độ trong 4 tháng đầu năm đã vượt tổng lượng của cả năm 2023, do nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp tấm pin Mặt Trời.