Vì sao lại có những "cơn sốt"… thuốc
Sau cơn sốt thuốc chloroquin, aspirin ở năm thứ nhất COVID-19, thì năm thứ 2 người ta lại đua nhau tìm mua lo tích trữ xuyên tâm liên, corticoid. Rồi đến tylenol được thổi bùng lên thành "thần dược".
Sở dĩ có hiện tượng này là do những thông tin thiếu chính xác trên mạng, cùng với sự hoảng sợ về dịch bệnh, nên người dân mù quáng tin theo. Hoặc là với tâm lý tích trữ để dự phòng khi dịch bùng phát thì không có mà mua.
Chị Trần Thị Hường (Hà Nội) chia sẻ, chị đã tìm mua được tất các loại thuốc kể trên. Chỉ riêng tylenol là khó mua hơn, vì nhà thuốc không bán. Chị Hường cho biết: "Tôi cứ mua để đấy nếu không dùng đến cũng không ảnh hưởng gì. Có thuốc trong nhà cảm thấy yên tâm hơn".
DS.Bùi Ngọc Lan Hương một chủ cửa hàng thuốc ở TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hiện tượng người dân đi tìm mua thuốc tylenol là do đây là tên thương hiệu nổi tiếng của Mỹ.
Rất nhiều người "sính" hàng ngoại, cho nên truyền tai nhau đi tìm mua thuốc này. Thực tế, đó chỉ là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường, không phải là thuốc điều trị COVID-19.
Tylenol là thuốc gì?
Theo DS.Bùi Sỹ Thành, tylenol thực chất là một trong rất nhiều sản phẩm thuốc có thành phần hoạt chất là acetaminophen (paracetamol). Thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau thông thường, phổ biến và rất có sẵn trên thị trường với giá thành khá rẻ.
Nhưng chính tâm lý sính ngoại và tìm mua bằng được tên thương mại, đã khiến giá thuốc đội giá tăng vọt, vượt xa giá trị vốn có.
Cùng quan điểm trên, DS.Bùi Ngọc Lan Hương, giá 1 vỉ thuốc paracetamol do các hãng dược Việt Nam sản xuất có giá bán tại nhà thuốc là 5.000đ/vỉ 10v. Tại Hà Nội có nơi bán 10.000-15.000đ/vỉ 10v, tùy hãng sản xuất. Nhưng với tylenol có nơi bán tới 5.000đ/viên.
DS.Hương cho hay: Dù cho tên thương hiệu là tylenol, efferalgan hay panadol… thì cũng cùng một hoạt chất, cùng hàm lượng thì tác dụng cũng như nhau. Do đó, khách hàng không nên chạy theo hàng thương hiệu. Bởi vì trong lúc "săn lùng" mua, vô tình khiến nó trở nên khan hiếm và đội giá. Điều quan trọng nữa là hiệu quả của thuốc là như nhau, chứ không phải dùng hàng hiệu là tốt.
Vì thế, DS.Hương chia sẻ: Cũng khá nhiều người lầm tưởng đó là một loại thuốc gì đó có tác dụng điều trị COVID-19, nên đi tìm mua.
Nên khi được nhà thuốc chỉ ra tên hoạt chất chính là paracetamol dùng để cắt triệu chứng sốt, và hiện nay chưa có thuốc điều trị COVID-19… Nhiều người không còn sốt sắng với tên thương hiệu này nữa.
"Paracetamol hàng Việt Nam sản xuất hiện giờ vẫn nhiều, đủ cung cấp cho thị trường và không tăng giá so với trước dịch. Vì thế người dân không cần quá lo lắng mà mua về tích trữ. Trong lúc giãn cách xã hội, việc đi ra đường khó khăn, giới nghiêm… thì trong gia đình cũng cần có một số thuốc hạ sốt, giảm đau, viamin C… dự phòng. Tuy nhiên chỉ với một số lượng vừa phải. Bởi nếu không may bị sốt thì có sẵn để dùng, sau đó có thể mua tiếp một cách dễ dàng. Còn với trường hợp không dùng đến, để lâu ngày sẽ quá hạn. Việc loại bỏ thuốc quá hạn vừa gây lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường", DS. Hương nói.
Sử dụng thuốc hạ sốt giảm đau sai, nguy hiểm thế nào?
Theo DS.Bùi Sỹ Thành, paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt phổ biến và khá an toàn. Nhưng nếu sử dụng không đúng liều lượng có thể gây ra hậu quả sức khỏe nghiêm trọng. Do đó cần đặc biệt lưu ý như sau:
Bất kỳ thuốc nào trên thị trường chứa hoạt chất acetaminophen cũng sẽ có hiệu quả giảm đau, hạ sốt tương tự tylenol, vì vậy không nên cố tìm cho được cái đang được đồn là "thuốc chữa COVID-19 Mỹ" này.
Sau khi uống thuốc khoảng 30 phút đến 1 giờ thì mới có tác dụng hạ sốt và giảm đau. Vì vậy không nên nôn nóng uống thêm thuốc, vì sẽ bị quá liều gây hại cho gan, thận.
Liều dùng một lần uống (cho người lớn) thường là liều 500-1000mg (1 - 2 viên nén thường). Mỗi lần uống nên cách nhau 4 - 6 tiếng. Không uống quá 1000 mg (2 viên nén 500mg) trong một lần và không uống quá 4g trong 24 giờ (tức là không quá 8 viên 500mg). Nếu uống quá lượng thuốc này sẽ có nguy cơ rất cao bị ngộ độc thuốc nguy hiểm.
Liều cho trẻ em cần được tính toán kỹ càng theo cân nặng. Do đó cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi cho con trẻ uống thuốc.
Cần phải rất thận trọng khi dùng thuốc này cho người có bệnh toàn thân. Đặc biệt là bệnh gan, bệnh thận, người nghiện rượu; đang dùng thuốc trị lao... Và rất nhiều tình trạng toàn thân khác. Tốt hơn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng thuốc cho những trường hợp này.
Cần thận trọng khi kết hợp thuốc này với các thuốc giảm đau khác.
Qua những vấn đề đã nêu, có thể thấy dù chỉ là thuốc hạ sốt giảm đau thông thường, nhưng thuốc luôn là con dao hai lưỡi, dùng sai sẽ thành thuốc độc. Do đó người dân cần phải thật bình tĩnh, sáng suốt để tự bảo vệ sức khỏe của mình.
Tylenol bản chất là thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường, chứa hoạt chất duy nhất là paracetamol. Nếu mắc COVID-19 mà không có sốt, thường không cần dùng.
Riêng với trẻ em, dùng thuốc giảm đau hạ sốt phải rất thận trọng tính liều lượng thường là 10-15mg/kg cân nặng. Uống thuốc 2 lần cách nhau ít nhất 4 tiếng. Nếu là loại siro phải rất cẩn trọng vì nếu tính toán không đúng sẽ sai liều, có nguy cơ thiếu thuốc sẽ không đủ tác dụng hoặc thừa thuốc sẽ gây ngộ độc.
Mời xem thêm video đang được quan tâm
Nam bác sĩ quân đội nghỉ hưu xung phong vào điểm nóng điều trị COVID-19