Cơn sốt “tầm gửi chữa bách bệnh”

04-04-2013 09:42 | Thời sự

Tầm gửi vốn là loài sống nhờ trên thân của cây khác và có nhiều loại khác nhau. Theo dân gian, mỗi loài tầm gửi có tác dụng chữa mỗi thứ bệnh khác nhau; trong đó, tầm gửi cây gạo là loại quý nhất, có thể làm mát gan, chống viêm gan và một số bệnh về thấp khớp.

Tầm gửi vốn là loài sống nhờ trên thân của cây khác và có nhiều loại khác nhau. Theo dân gian, mỗi loài tầm gửi có tác dụng chữa mỗi thứ bệnh khác nhau; trong đó, tầm gửi cây gạo là loại quý nhất, có thể làm mát gan, chống viêm gan và một số bệnh về thấp khớp. Đó cũng là lý do tại sao hiện tầm gửi cây gạo lại được nhiều người tìm đến mua với giá rất cao.

Mua cả cây... giả

Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xuất hiện nhiều trường hợp bỏ ra tiền triệu để lùng mua bằng được cây tầm gửi. Anh Đỗ Ngọc Hân (Hà Nội) cho biết, trong một chuyến công tác ở huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) anh có mua được 5 cành tầm gửi tươi của một người đi rừng với giá 3 triệu đồng. Khi mang ra TP. Cao Bằng khoe với bạn bè, ai cũng khen anh mua được của “xịn” vì cành nào cành nấy đều dính nguyên vỏ cây gạo. Bạn bè còn hỏi anh địa chỉ để khi nào có dịp vào Bảo Lâm mua biếu người thân. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, anh đã điện lên Cao Bằng kêu ca là mua phải hàng giả. Theo anh mô tả, các cành dính vào vỏ cây gạo được “phù phép” bằng keo 502, giống như công nghệ dính quả sung cảnh thành chùm mà những người đi bán cây cảnh rong vẫn thường làm. Chỉ đến khi chặt nhỏ mấy cành tầm gửi ra để đem phơi, con gái anh mới biết mớ tầm gửi kia là hàng giả.

Cơn sốt “tầm gửi chữa bách bệnh” 1
Thận trọng khi sử dụng các loại cây tầm gửi trong chữa bệnh.
Không chỉ trường hợp của anh Hân mà anh Nông Văn Thắng, người gốc Cao Bằng và có thâm niên săn các loại tầm gửi như: tầm gửi nghiến, tầm gửi gạo, tầm gửi cây chanh..., nhưng không ít lần mắc lừa những người bán tầm gửi rong. Theo anh Thắng, tầm gửi gạo có đặc điểm cơ bản là: cây gỗ, có bụi hoặc cây bụi nhỏ, một vài trường hợp dây leo; không rễ hoặc có rễ (đúng hơn là giác mút), nửa ký sinh ở các phần trên mặt đất của cây chủ, ít khi ký sinh trên rễ của cây chủ thân gỗ, giòn, cành có thể chia đốt, không có lông đến lông tơ; lá đơn, mọc đối hoặc chụm ba (ít khi giảm thành vảy hoặc không có lá), phiến lá hình mác đến oval, gân lá hình lông chim hoặc song song. Tuy nhiên, những đặc điểm ấy chỉ người trong nghề mới phân biệt được. Hiện nay, vì giá 1kg tầm gửi gạo phơi hoặc sấy khô rất cao (khoảng 1,2-1,5 triệu/kg) nên lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng, nhiều người trộn kèm nhiều loại tầm gửi khác vào tầm gửi gạo để bán kiếm lời.

Tác dụng chữa bệnh đến đâu?

Trên một diễn đàn, tác dụng của cây tầm gửi với phụ nữ sau sinh cũng được nhiều chị em quan tâm, chia sẻ và có cả một chủ đề liên quan. Tuy nhiên, thật bất ngờ, khi trao đổi với các nhà khoa học về y học cổ truyền, chúng tôi đều nhận được câu trả lời, chưa có căn cứ khoa học. Khi nghe phóng viên trình bày một số tác dụng chữa bệnh của tầm gửi cây gạo đã tìm hiểu qua dân gian, bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc Bệnh viện YHCT Cao Bằng cho biết: Không thể phủ nhận giá trị của y học dân gian vì người ta thường nói y học dân gian là một bộ phận của y học cổ truyền. Nhưng y học dân gian chỉ là kinh nghiệm chữa bệnh của một nhóm người hay một khu vực nào đó. Nếu muốn y học sử dụng như một loại thuốc phổ biến thì cần phải có sự nghiên cứu theo quy trình khoa học cụ thể. Theo dân gian thì loại cây này có thể có tác dụng chữa được một số bệnh. Tuy nhiên, có tác dụng hay không, chữa được bệnh gì, cách uống thế nào, liều lượng ra sao... thì cần có sự phân tích, nghiên cứu trên cơ sở khoa học mới có thể khẳng định được. Ngoài việc xác định tác dụng của loài cây này thì việc nghiên cứu trên cơ sở khoa học còn có mục đích đặc biệt quan trọng là để xác định độ an toàn của nó. Vì trong tự nhiên có rất nhiều cây cỏ có tác dụng làm mát cơ thể và cũng không có hại gì. Tuy nhiên, một số loại cây được cho là có tác dụng chữa bệnh lại có thể gây tác dụng phụ mà có khi đến nhiều năm sau khi uống mới có biểu hiện. Bà Dung khẳng định, hiện nay chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu sâu về thành phần hóa học và tính năng chữa bệnh của tầm gửi cây gạo. Loại cây này chủ yếu được dùng theo kinh nghiệm dân gian. Do đó, bà Dung khuyên người dân, đặc biệt là những người khỏe mạnh bình thường không nên lạm dụng loài cây này. Nếu có sử dụng thì cần được sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ. Khi bị bệnh, cách tốt nhất là đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị. Trong thiên nhiên có nhiều loại cây có tác dụng quý hiếm mà chúng ta chưa thể biết hết. Tầm gửi cây gạo cũng có thể là một trong số đó. Nếu quả thực đây là loài cây có tác dụng chữa bệnh tốt thì điều đó vừa có ý nghĩa cho y học nước nhà vừa đem lại lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, để tránh tình trạng tiền thật nhưng mua phải của giả, mỗi người dân cần trang bị cho mình kiến thức về loại cây này, đồng thời cần sự tư vấn của thầy thuốc.

Mạnh Hà – Hoài Hương


Ý kiến của bạn