Cơn sốt săn lùng đinh lăng lâu năm

SKĐS - Thời gian gần đây, ở Kon Tum nhiều thương lái mua gom cây đinh lăng với giá cao khiến loại cây này trở nên khan hiếm, đặc biệt là những cây đinh lăng càng lâu năm giá trị càng lớn.

Cây đinh lăng thường được trồng làm cảnh, lấy lá ăn sống hoặc dùng trong đông y; giá trị kinh tế không cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh nhiều thương lái đi mua gom cây đinh lăng với giá cao khiến loại cây này trở nên khan hiếm, đặc biệt là những cây đinh lăng càng lâu năm giá trị càng lớn.

Trước đây, cây đinh lăng thường chỉ được một số người chơi cây cảnh săn lùng. Ban đầu, một cây đinh lăng 5 - 7 năm tuổi có giá khoảng vài chục nghìn đồng/cây, sau đó giá tăng dần nhưng cũng chỉ dừng lại ở con số vài trăm ngàn đồng/cây.

Thời gian gần đây, cây đinh lăng trên địa bàn tỉnh được các thương lái lùng mua nhiều nên giá được đẩy lên tới hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng. Không chỉ có giá “cắt cổ”, người mua còn phải đặt cọc tiền trước và chờ đợi hàng tháng trời mới có thể sở hữu được những gốc đinh lăng tốt.

Gốc đinh lăng giá hàng chục triệu

Giới chuyên săn lùng đinh lăng hay kháo nhau rằng, cây đinh lăng càng già càng tốt, càng lâu năm các hoạt chất của cây đinh lăng càng nhiều. Thậm chí củ và thân đinh lăng già có tuổi thọ hàng chục năm có giá trị tương đương với nhân sâm...

Ông Nguyễn Văn Tý nhà ở thôn Tam An, xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy) cho biết: Nhà tôi có trồng 2 cây đinh lăng trước nhà cho đẹp, hai cây này được trồng cách đây hơn chục năm rồi. Nghe mấy ông hàng xóm nói cây đinh lăng dạo này được giá lắm. Cách đây không lâu, có mấy người lạ đến hỏi mua nhưng tôi chưa bán. Tôi nghĩ nếu người ta đi tìm nhiều như vậy thì chắc chắn công dụng của cây đinh lăng rất tốt nên mới đây tôi đã đào một cây ngâm rượu uống dần. Rượu đinh lăng uống có vị ngọt, mùi khá thơm, dễ uống. Thấy nhiều nhà ngâm mình cũng ngâm vì nghe đồn nó tốt như nhân sâm. Cây còn lại tôi vẫn chưa có ý định bán, cho dù có nhiều người lui tới hỏi mua…

Chị Hạnh, nhà ở sau lưng chợ Đăk Hà (huyện Đăk Hà) là người chuyên mua bán đinh lăng và một số loại thảo dược khác cho biết: Giá trị gốc đinh lăng được tính theo tuổi đời và màu sắc của rễ. Gốc càng to, càng lâu năm càng đắt tiền. Đặc biệt, đinh lăng cũng có nhiều loại, chỉ có cây đinh lăng loại lá nhỏ mới được ưa chuộng. Thường 1 gốc đinh lăng có tuổi đời 10 năm được thu gom với giá từ 3 đến 4 triệu đồng. Những gốc trên 10 năm có khi giá lên đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, những gốc lâu năm ngày càng hiếm. Mới đây tôi bán một hũ rượu ngâm gốc đinh lăng với giá gần 40 triệu đồng cho một khách hành ở tận Hà Nội. Khách mua gốc đinh lăng chủ yếu là người có thu nhập khá, thường độ tuổi trung niên, mua về ngâm rượu, gốc nhỏ để nấu nước uống. Tuỳ vào khách thương lượng mà người buôn thu được lời. Do hiện nay nhiều người đổ xô lùng mua đinh lăng về bán kiếm lời nên nguồn hàng đang khan hiếm dần. Nhiều khi tôi phải đi qua các tỉnh khác thu gom để cung cấp cho những khách hàng đặt cọc tiền trước.

Trước thực trạng nhiều người đổ xô đi tìm cây đinh lăng, chúng tôi đã đi tìm hiểu và được biết, có nhiều thương lái thường lần mò tới các xóm nhỏ ở các địa phương để mua đinh lăng, bởi người dân dường như không biết về giá trị của cây đinh lăng. Vì vậy, các thương lái thường mua được với giá hời và cứ mua theo kiểu cây nhỏ giá thấp, cây lớn giá cao. Tuy nhiên, khi bán lại cho các “tay chơi” đinh lăng thì họ tính theo kilôgam có khi lên đến gần cả triệu/kg.

Gốc đinh lăng giá hàng chục triệu

Lý do khiến đinh lăng bỗng trở nên đắt giá cũng xuất phát từ những thông tin trị bệnh của loài cây này liên tục được lan truyền rộng rãi. Nhiều người truyền tai nhau đây là cây thuốc quý với khả năng trị bách bệnh. Nhiều tác dụng nổi bật của đinh lăng được truyền tụng đó là làm tăng cường sức dẻo dai và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, chống được hiện tượng mệt mỏi, giúp cơ thể ăn ngon, ngủ yên, tăng khả năng lao động và làm việc bằng trí óc, lên cân và chống độc. Đặc biệt cây đinh lăng là một phương thuốc hữu hiệu để chữa trị căn bệnh rối loạn tiền đình, chữa bại liệt...

Chúng tôi đã tìm đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tìm hiểu công dụng của cây đinh lăng. Bác sĩ Đoàn Thị Tuần - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết: Cây đinh lăng còn được dân gian gọi là cây gỏi cá, là cây gỗ nhỏ, không lông, không gai. Theo “Từ điển cây thuốc Việt Nam” của Võ Văn Chi thì rễ của cây đinh lăng tính bình, vị ngọt, có tác dụng bổ ngũ tạng, giải độc, bổ huyết, tăng sữa, tiêu thực, tiêu sưng. Ngoài ra đinh lăng cũng là loại thuốc tăng lực. Đinh lăng ít độc hơn nhân sâm, không gây tăng huyết áp. Đinh lăng còn dùng làm thuốc bổ trị suy nhược cơ thể tiêu hóa kém. Kinh nghiệm cho thấy đinh lăng còn làm tăng trí nhớ dùng tốt cho người già trí nhớ giảm sút, hay quên... Chính vì thế, do có những tính chất như nhân sâm nhưng là loại cây dễ trồng, dễ tìm nên người dân có thể trồng và sử dụng. Danh y Hải Thượng Lãn Ông từng gọi cây đinh lăng là "cây sâm của người nghèo". Thân, rễ đinh lăng thường để ngâm rượu hoặc sắc nước uống…

Với những giá trị y dược như vậy của cây đinh lăng, việc nhiều người chọn rễ loại cây này làm thảo dược bồi bổ sức khoẻ là bình thường. Tuy nhiên, trước thực trạng vì lợi nhuận mà các thương lái săn lùng cây đinh lăng mua với bất kỳ giá nào theo kiểu tận diệt, chúng tôi tin rằng trong một tương lai gần cây đinh lăng sẽ bị tuyệt diệt. Các cơ quan hữu quan cần sớm có những cảnh báo cho người dân biết và giữ gìn giống cây đinh lăng, trước khi mọi việc quá muộn.


Bảo Châu
Ý kiến của bạn