Mới đây, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi bị viêm cơ tim cấp do virus với tình trạng rất nặng. Đó là trường hợp của bé P.N.N (trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ).
Từ cơn sốt nhẹ đến hôn mê, mất ý thức
Theo thông tin từ phía gia đình, 4 ngày trước khi vào viện trẻ chỉ có triệu chứng sốt nhẹ. Khi được gia đình đưa đến khám tại phòng khám tư, trẻ được chẩn đoán viêm Amydal và được kê thuốc kháng sinh về nhà uống.
3 ngày sau, tình trạng sốt của trẻ không tiến triển, thậm chí trẻ sốt cao hơn, mệt nhiều hơn, ăn uống kém và có lần nôn ra thức ăn. Đêm trước ngày vào viện trẻ quấy khóc, khát nước, uống nước liên tục và đi tiểu rất nhiều lần.
Đến khoảng 4h00 sáng ngày 1/9/2021, bố mẹ trẻ phát hiện trẻ rơi vào trạng thái lơ mơ, mất ý thức, gọi hỏi không biết nên đưa trẻ vào Trung tâm Y tế huyện. Tại đây trẻ đã hôn mê, các bác sĩ tiến hành cấp cứu, đặt ống nội khí quản và chuyển bé xuống Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.
Khi đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, trẻ hôn mê sâu, test glucose máu rất cao, xét nghiệm khí máu có tình trạng toan chuyển hóa nặng, rối loạn điện giải nặng. Trẻ được nhận định ban đầu là hôn mê do nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Ngay lập tức trẻ được các y bác sĩ hồi sức tích cực, thiết lập các đường truyền trung tâm, đo huyết áp động mạch liên tục, điều chỉnh rối loạn nước điện giải và thăng bằng kiềm toan.
Nhưng 2h sau đó trẻ bắt đầu có rối loạn nhịp tim, xuất hiện nhưng cơn rung thất và ngưng tim 3 lần. Các bác sĩ phải nỗ lực ép tim, sốc điện, sau khi lập lại tuần hoàn cho trẻ, một chẩn đoán viêm cơ tim cấp được đặt ra, bệnh nhi ngay lập tức được lọc máu liên tục, sử dụng các loại thuốc trợ tim, vận mạch điều trị tối ưu. Bên cạnh đó trẻ cũng được làm thêm các xét nghiệm để loại trừ các bệnh bẩm sinh nhưng thật may mắn khi các xét nghiệm khác đều cho kết quả âm tính.
May mắn thay, điều kỳ diệu đã đến như đáp lại nỗ lực của các bác sĩ trong suốt những ngày qua khi sang ngày lọc máu thứ 6, bé đã có một chút nước tiểu. "Chúng tôi vỡ òa sung sướng, thậm chí còn đùa vui rằng chưa bao giờ mà nhìn giọt nước tiểu lại lung linh đến thế. Đó cũng là lúc các chỉ số sinh tồn của bé tốt lên, chức năng tim bắt đầu cải thiện rõ rệt, chúng tôi đã bắt đầu giảm được các thuốc hỗ trợ cho bé. 2 ngày sau bé được cai máy thở và rút ống nội khí quản" - BS. Hưng thông tin.
Hiện tại, sau khoảng 3 tuần điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của trẻ đã ổn định và có kế hoạch được xuất viện.
Viêm cơ tim cấp đặc biệt nguy hiểm nhưng triệu trứng ban đầu không đặc hiệu và dễ lẫn với cúm sốt thông thường!
Đó là khẳng định của ThS. BS Cao Việt Hưng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. Không phải bệnh nhi nào cũng có những biểu hiện triệu trứng bệnh lý viêm cơ tim ngay từ giai đoạn đầu mới khởi phát triệu chứng sốt. Trên thực tế, có những trẻ bị sốt kéo dài 4-5 ngày đầu hoàn toàn bình thường, trẻ vẫn ăn uống được, chơi ngoan cho đến ngày thứ 5, thứ 6 mới biểu hiện bệnh rõ rệt.
Chính vì vậy, cha mẹ, người chăm sóc trẻ có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh lý cảm sốt thông thường khác nên tự mua thuốc về điều trị cho trẻ, và chỉ khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu nặng nề mới đưa trẻ đến bệnh viện dẫn đến việc điều trị chậm trễ, khó khăn.
Các dấu hiệu thường gặp của viêm cơ tim cấp:
+ Dấu hiệu ban đầu của bệnh rất khó phát hiện bởi triệu chứng lâm sàng không điển hình, giống cảm sốt thông thường như: mệt mỏi, đau nhức người, chán ăn... hơn nữa lại hay gặp ở người trẻ tuổi nên càng dễ chủ quan, coi nhẹ.
+ Bệnh viêm cơ tim cấp chỉ sau vài ngày đã gây ra các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, suy tim.
+ Vì vậy, nếu bị cảm sốt và đi kèm theo những biểu hiện khác thường như:
. Tức ngực,
. Khó thở,
. Nhịp tim nhanh... thì người bệnh cần lập tức đến cơ sở y tế để phát hiện và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh viêm cơ tim
+ Chủ yếu là do virus, trong đó thường gặp nhất là do virus coxsackie B.
+ Một số loại virus khác như:
. Virus gây cảm lạnh thông thường (adenovirus),
. Virus gây sốt phát ban (parvovirus B19),
. Virus herpes (gây bệnh thủy đậu, zona thần kinh),
. Echovirus (virus gây nhiễm trùng đường tiêu hóa),
. Virus rubella (gây bệnh sởi) cũng là nguyên nhân tiềm tàng của viêm cơ tim.
Các trường hợp viêm cơ tim ở trẻ nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sau phục hồi sẽ không để lại di chứng. Nhưng ngược lại, nhiều trường hợp nặng, phát hiện bệnh muộn, nguy cơ để lại biến chứng suy tim hoặc rối loạn nhịp tim, thậm chí có nguy cơ tử vong cao.
Cách phòng ngừa bệnh viêm cơ tim
Dịp tháng 6, tháng 7 hàng năm là dịp trẻ nghỉ hè và cũng là lúc thời tiết rất khắc nghiệt, nóng ẩm, mưa nhiều. Đó cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại virus và các bệnh truyền nhiễm phát triển. Một số bệnh như viêm não, viêm cơ tim, sốt do virus cũng phát triển rất mạnh vào mùa này. Trong đó, viêm cơ tim do virus là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra những tổn thương rất nặng nề và tỉ lệ tử vong rất cao.
Để có thể phòng ngừa, hạn chế nguy cơ xảy ra tình trạng viêm cơ tim cấp ở trẻ, các bác sĩ khuyến cáo bố mẹ cần:
+ Cho trẻ ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng;
+ Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người lớn hay những trẻ khác đã mắc bệnh liên quan đến siêu vi như cảm cúm, quai bị, rubella,…
+ Thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là các mũi tiêm chủng bạch hầu, cúm, quai bị, rubella.
Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường như sốt, khó thở, tim đập nhanh hơn bình thường hoặc trẻ quấy khóc, bỏ ăn,… cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời.
Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng thuốc điều trị tại nhà bởi các bệnh lý nguy hiểm có thể diễn biến nặng rất nhanh, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ.