“Con sông hiến mình tất cả...”

28-07-2013 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Hơn nửa thế kỷ trước, một chàng trai dòng dõi nhà chí sĩ cách mạng Phó Đức Chính tên là Phó Đức Phương sinh ra ở Hà Nội, quê cha mẹ ở Hưng Yên đã đặt cuộc đời mình vào con đường âm nhạc một cách hồn nhiên, thơ ngây nhưng không kém phần quyết liệt...

Hơn nửa thế kỷ trước, một chàng trai dòng dõi nhà chí sĩ cách mạng Phó Đức Chính tên là Phó Đức Phương sinh ra ở Hà Nội, quê cha mẹ ở Hưng Yên đã đặt cuộc đời mình vào con đường âm nhạc một cách hồn nhiên, thơ ngây nhưng không kém phần quyết liệt...

Đến nay, gần tuổi 70 mà ông vẫn còn nguyên sự ngây thơ và quyết liệt ấy. Tuổi Giáp Thân - 1944, nhưng nếu gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Phó Đức Phương thấy dường như ông vẫn còn rất trẻ, vẫn rụt rè, thẹn thùng, hay đỏ mặt như một cô gái mới lớn. Sinh ở Hà Nội, nhưng hồi nhỏ, hè nào ông cũng được mẹ đưa về quê ngoại Bắc Ninh, nơi “tuổi thơ đẹp như giấc mơ tôi”. Những cánh đồng xanh tươi bát ngát, những làn dân ca quan họ đậm đà tình quê, đã thúc đẩy Phó Đức Phương khi ấy vừa thi đậu vào trường nhạc đã viết ra Những cô gái quan họ. Bài hát đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi vận động sáng tác ca khúc của tỉnh Hà Bắc năm 1965, đẹp như một bức tranh miền quê vùng châu thổ sông Hồng. Bài hát đầu tay chính thức ghi tên Phó Đức Phương trong lòng công chúng yêu nhạc cả nước.
“Con sông hiến mình tất cả...” 1
 “Ông bản quyền” Phó Đức Phương. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Thực ra thì Phó Đức Phương đã có một vài bài hát từ thời còn đang học cấp hai, một cách bản năng, tự nhiên. Ngày đó, hầu hết thanh niên hoặc đi bộ đội hoặc theo ngành sư phạm. Thầy giáo khuyên cậu trai Hà Nội nên chọn con đường thứ hai. Và vì học khá giỏi các môn tự nhiên nên khi vào sư phạm, Phó Đức Phương chọn khoa Toán - Lý.

Tác giả của Những cô gái quan họ là người thành danh sớm nhất trong nhóm “tứ kiệt Hà Nội” với Nguyễn Cường, Dương Thụ, Trần Tiến. Ban đầu, Phó Đức Phương mê thơ, cho đến bây giờ, trong những câu chuyện, ông vẫn nói rằng “thơ có thể giải phóng con người từ bản chất”. Ông đọc nhiều sách và thơ. Khi nghe bất kể ai đọc thơ, ông đều cảm nhận sâu sắc từng câu từng chữ. Câu nào hay ông nhớ liền cho dù ông bảo: “Con người ta cũng còn phải tập quên”. Bây giờ, ai mách ông một cuốn sách mới, ông tư lự một hồi rồi bảo, mình bây giờ phải chi li với quỹ thời gian lắm. Toàn bộ sức lực, tâm trí ông đang dành cho hoạt động bảo vệ bản quyền âm nhạc. Nếu ai quen biết ông lâu thì thấy tính ông vốn thế, làm cái gì là làm đến nơi đến chốn, trong âm nhạc một câu, một nốt, một từ có khi ông sửa đi sửa lại cho đến khi thật đắt mới thôi. Cũng như bây giờ làm bảo vệ quyền tác giả, dù là đơn vị có hiệu quả nhất trong 4 CMO (4 đơn vị bảo vệ quyền tác giả tập thể của Việt Nam), hằng năm đã đem quyền lợi không nhỏ về cho các nhạc sĩ, các nhà thơ có thơ phổ nhạc... nhưng ông vẫn không nguôi trăn trở. Ông cho rằng, các tác giả đã một đời cống hiến để có tác phẩm, vậy mà có người sử dụng cứ không muốn trả, là chuyện ông phải lo, phải buồn, là trách nhiệm của cơ quan mà ông đứng đầu và là niềm tự hào về sự nghiêm minh của luật pháp nước nhà.

Trước khi làm nhạc đã đi chăn lợn

Lại nói về cái ngày đầu âm nhạc. Mê thơ, “bị” thơ làm cho mê muội nhưng “con âm” trong ông vô cùng mạnh mẽ, nên nó thôi thúc ông đi con đường âm nhạc. Có lẽ ông cho rằng lời và nhạc quyện nhau sẽ chinh phục cảm xúc người ta tốt hơn. Thời đó, sinh viên không được phép học hai trường hoặc chuyển trường. Vì vậy, khi nhận ra ước mơ lớn nhất của mình, muốn chuyển sang học trường nhạc, ông phải tìm cách thôi sư phạm. Giữa năm thứ hai sư phạm, ông làm đơn xin thôi để đi lao động với lý do “gia đình khó khăn”. Ở nông trường Cửu Long (Lương Sơn, Hòa Bình), ban đầu, chàng trai trẻ có năng khiếu được “cơ cấu” để làm công tác văn nghệ. Nhưng Phó Đức Phương nằng nặc đòi đi lao động thực tế. Và nông trường xếp cho việc chăn lợn, anh cũng đồng tình. Nhờ vậy, sau đó, Phó Đức Phương về Hà Nội nhập học Trường Âm nhạc Việt Nam. Vừa vào trường, ông đã hoàn thành Những cô gái quan họ. Ra trường, năm 1971, ông đã có Hồ trên núi. Hai bài hát đó cùng Huyền thoại Hồ núi Cốc, Một thoáng Tây Hồ, Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi, Về quê... sau này đều là những ca khúc bất hủ trong kho tàng nhạc Việt Nam đương đại. Âm nhạc Phó Đức Phương vừa giàu bản sắc dân gian vừa chứa đựng chất hàn lâm cổ điển. Ngoài ra, tài sản âm nhạc của ông còn gồm hàng trăm tác phẩm viết cho sân khấu, múa, điện ảnh... được đồng nghiệp rất nể phục. Các đoàn nghệ thuật phía Bắc hầu hết nhờ đến ông, từ nhạc cho múa đến nhạc cho kịch. Không chỉ bài hát ông mới làm kỹ, vô cùng kỹ từ giai điệu đến ca từ, từ hòa âm phối khí đến thu âm, dàn dựng, ngay cả ca sĩ hạng diva, ngôi sao ông cũng muốn dựng bài hát với họ sao cho có được sự đồng điệu cảm xúc khi thể hiện tác phẩm tới từng nốt. Nhạc của ông không dễ hát, nếu không giàu cảm xúc, không đủ nội lực và kỹ thuật thì không hát hay được. Nhưng bài hát đã vang lên thì cả tác giả lẫn người biểu diễn đều được tung hô, ngưỡng mộ. Cũng giống như Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường..., ông là người hát bài của mình khiến người nghe thú vị nhất, cho dù giọng ông có thâm niên thuốc lá 40 điếu/ngày.

“Con sông hiến mình tất cả...” 2
 Ca sĩ Mỹ Linh gắn bó với nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Rẽ ngoặt vào một lĩnh vực khác hẳn

Tiếng tăm vẫn lên như diều no gió thì bỗng nhiên người ta thấy Phó Đức Phương “rửa tay gác kiếm”, làm bản quyền âm nhạc - một lĩnh vực khó và chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Các nước tiên tiến cũng phải lộ trình hằng vài chục năm thì luật pháp mới được thực thi nghiêm chỉnh trong lĩnh vực này. Ở nước ta, luật cũng có đủ và được bổ sung hoàn thiện dần từ ngày ta gia nhập WTO và ký Công ước Berne nhưng người trốn thi hành luật thì vẫn nhiều không kể xiết, trong đó có cả những bầu sô không những trốn tránh mà còn ỷ thế cậy tiền thách thức, dọa nạt nhân viên của cơ quan do ông đứng đầu.

Thấy ông vất vả và mấy năm liền không ra tác phẩm mới, không ít người tiếc rẻ, đặt với ông câu hỏi: Phó Đức Phương sẽ trở lại với công chúng như thế nào sau 12 năm dứt áo với sáng tác? Liệu có thêm một Hồ trên núi khác, một Chảy đi sông ơi mới? Ban đầu, ông cho nghe Nao nao Thác Bà, một tác phẩm ông viết trong thời gian đầu những năm đã làm giám đốc bản quyền âm nhạc. Nhưng sau đó, ông trầm ngâm: “Quả thật, bề bộn quá, việc của cơ quan không ngờ chiếm tâm trí, sức lực toàn diện quá... Mình đã định lui về phía sau rồi, nhưng bạn biết đấy, các nhạc sĩ vẫn còn chưa được bảo vệ đủ quyền lợi đúng như lẽ ra phải thế. Nhận thức xã hội vẫn còn thấp, các cơ quan chức năng không phải lúc nào cũng sẵn sàng vào cuộc nên mình vẫn phải lao vào... Trở lại sáng tác với mình bây giờ cũng khổ ải và kịch tính lắm. Công chúng trẻ bây giờ đòi hỏi rất khác, đó cũng là một điều không đơn giản với người sáng tác ở thế hệ mình”.

Được biết, ông đã từng trải qua giai đoạn tương tự, quãng 1996, lúc này đã hơn 10 năm ông chỉ tập trung làm nhạc cho sân khấu và nhạc phim, không viết ca khúc. Nhưng rồi năm 1997 có Trên đỉnh phù vân, Chảy đi sông ơi, Không thể và có thể. Năm 1998 có Về quê. Rồi năm 2011 có Nao nao Thác Bà khá trẻ trung và dữ dội.

Năm 2000, chấp bút viết bản kiến nghị về vấn đề quyền tác giả và “vã nước lên hồ” từ đấy. Nhiều năm đi làm không lương, bạn bè, người thân nhất mực can ngăn, có người đã bảo ông: “Cả một cơ quan khổng lồ là Tổng cục Thuế còn không dẹp nổi buôn lậu, trốn thuế nữa là các ông!...”. Lại có người cười bảo: văn nghệ sĩ thì dễ đánh trống bỏ dùi, thành công được trong sáng tác thôi chứ việc khác thì thách cũng không làm được. Ông tâm sự rằng, nếu không hy sinh, không tận tâm thì nhiều người thiệt thòi, nhưng không thể nói ra như vậy, thôi thì cứ phải làm: “Mệnh của mình nó thế! Phải mất 1 giáp khổ ải trên con đường này”. Vâng, bây giờ là chẵn một giáp. Tiền thu về cho các nhạc sĩ năm vừa rồi đã lên tới ngót 49 tỷ đồng. Trong năm này, có hẳn 100 người trong số hơn 2.500 người, ủy thác cho trung tâm của ông, nhận một năm từ 99 - 400 triệu.

Số phận buộc phải thế hay cái tính sống vì người khác thôi thúc?

Cũng thật lạ lùng cho người cực ú ớ, hồn nhiên, ngây thơ trong đời sống lại có thể sắc sảo trong ngôn từ khi soạn thảo văn bản pháp luật, khi tranh cãi lý lẽ về quyền tác giả và sở hữu tác phẩm. Gần 70 vẫn lái xe ngon lành, chăm chỉ học tiếng Anh (đủ để nói chuyện trực tiếp và tham gia hội thảo quốc tế).

Hình như cuộc đời luôn đẩy Phó Đức Phương tới những tình thế “bỗng dưng thành người hùng”, để ông bộc lộ một cá tính, một nhân cách, cái nhân cách đã làm là phải thành công. Cái “hy sinh” mình cho cái chung của ông, không chỉ bây giờ mới xuất hiện. Người biết rõ về ông, thấy ông như “dòng sông miệt mài chảy mãi khôn nguôi”, một dòng sông hiến mình trọn vẹn để cho đời tươi đẹp.          

  Trần Hường


Ý kiến của bạn