Còn ống động mạch có nguy hiểm?

22-02-2019 16:23 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Còn ống động mạch là bệnh rất thường gặp, chiếm khoảng 10% các bệnh tim bẩm sinh.

Đây là một bệnh tim dễ chẩn đoán nhờ nghe tim thấy có tiếng thổi liên tục điển hình ở vùng dưới xương đòn trái. Còn ống động mạch tạo ra sự lưu thông bất thường giữa đại tuần hoàn (động mạch chủ) và tiểu tuần hoàn (động mạch phổi). Vì vậy, về mặt điều trị, cần làm ngưng sự lưu thông bất thường này càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng trầm trọng về sau này.

Ống động mạch có vai trò gì?

Trong thời kỳ thai nhi, ống động mạch có vai trò như một kênh dẫn máu từ tiểu tuần hoàn sang đại tuần hoàn. Các động mạch của tiểu tuần hoàn bị phủ một lớp dịch nhầy làm thành mạch dày lên và lòng mạch nhỏ đi một cách tương đối, gây nên hiện tượng tăng sức cản của tiểu tuần hoàn (động mạch phổi). Lúc này, sức cản của tiểu tuần hoàn cao hơn sức cản đại tuần hoàn dẫn đến lưu lượng máu lên phổi ít (chiếm 7-10% cung lượng tim), chủ yếu với chức năng dinh dưỡng cho phổi. Phần lớn lượng máu từ thất phải đi lên động mạch phổi rồi qua ống động mạch sang động mạch chủ, trộn lẫn với máu ở động mạch chủ (từ thất trái), được trao đổi ôxy ở rau thai rồi đi nuôi cơ thể.

Còn ống động mạch là tồn tại ống nối động mạch phổi và động mạch chủ, thường xảy ra ở trẻ sinh non.

Còn ống động mạch là tồn tại ống nối động mạch phổi và động mạch chủ, thường xảy ra ở trẻ sinh non.

Ống động mạch được đóng khi nào?

Gần như ngay sau khi trẻ ra đời, ống động mạch được đóng lại về mặt chức năng do sự co thắt ống. Và ống động mạch được đóng hoàn toàn về mặt giải phẫu trong khoảng thời gian từ 1-3 tháng sau khi sinh. Phản ứng tự co thắt ống động mạch xảy ra khoảng 10-15 giờ sau sinh. Sau 72 giờ, ống động mạch được đóng về mặt cơ năng ở trên 95% trẻ sơ sinh mạnh khoẻ, sinh đủ tháng. Khi các quá trình này hoàn tất, ống động mạch được đóng kín hoàn toàn và tạo thành dây chằng động mạch. Trong 88% trường hợp, ống động mạch đóng hoàn toàn vào tuần thứ 8 sau sinh. Nhưng ở số trẻ còn lại, ống động mạch đã không được đóng kín dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Sự nguy hiểm của dị tật còn ống động mạch

Mức độ nặng và diễn biến của bệnh phụ thuộc vào kích thước ống, độ chênh áp giữa động mạch chủ và động mạch phổi. Luồng thông bất thường sau khi sinh này sẽ dẫn đến giãn buồng tâm thất trái, rồi gây tình trạng suy tim ứ huyết và tiến triển đến suy tim toàn bộ. Luồng thông trái - phải của ống động mạch làm giảm lưu lượng của động mạch chủ từ đoạn eo động mạch chủ trở xuống (chủ yếu ở động mạch chủ xuống) và có thể gây ra các triệu chứng ngoại biên thường gặp đầu tiên ở chi dưới. Cuối cùng, với sự diễn biến tự nhiên của bệnh dần dần dẫn đến tăng áp động mạch phổi nặng. Đến khi áp lực động mạch phổi trở nên cao hơn áp lực động mạch chủ làm luồng thông đảo chiều (shunt đảo chiều phải - trái) gây ra hội chứng Eisenmenger, lúc này không thể điều trị bằng phương pháp ngoại khoa hay can thiệp được nữa.

Biểu hiện của bệnh

Các triệu chứng lâm sàng: Phụ thuộc vào kích thước của ống động mạch và mức độ nặng của luồng thông. Thông thường, trẻ có các triệu chứng như chậm phát triển về thể chất, hay bị viêm phổi và khó thở khi gắng sức. Nhưng cũng có nhiều bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng gì và chỉ được phát hiện một cách tình cờ khi kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Đôi khi trẻ có biến dạng lồng ngực điển hình: khoang liên sườn III-IV trái nhô ra phía trước. Sờ thấy có rung miu (cảm giác rung tay như sờ lưng mèo), nghe thấy tiếng thổi liên tục ở vùng dưới đòn trái. Mạch ngoại biên nẩy mạnh. Huyết áp tâm thu có thể tăng, huyết áp tâm trương giảm làm tăng khoảng cách giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.

Siêu âm tim là biện pháp thăm dò rất hữu ích giúp phát hiện và đánh giá mức độ trầm trọng của bệnh. Trong những trường hợp còn ống động mạch có luồng thông lớn có thể thấy hình ảnh giãn các buồng tim. Ngoài ra, siêu âm tim còn giúp ta phát hiện các tổn thương phối hợp khác như thông liên thất, hẹp van động mạch phổi, hẹp eo động mạch chủ... Chụp ống động mạch với thuốc cản quang giúp xác định vị trí, kích thước và hình thái giải phẫu của ống động mạch để các thầy thuốc có thể đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.

Các phương pháp điều trị bệnh còn ống động mạch

Đóng ống động mạch bằng thuốc

Nguyên lý của phương pháp điều trị này là gây co thắt ống động mạch bằng các thuốc ức chế tổng hợp prostaglandin E - một chất có tác dụng giãn mạch. Thuốc hay được sử dụng trên lâm sàng là indomethacin và cần phải áp dụng sớm ngay trong giai đoạn sơ sinh. Phương pháp này có tỷ lệ thành công khoảng 83%.

Phẫu thuật đóng ống động mạch

Đây là một thủ thuật ít tai biến khi có chỉ định chính xác, tuy nhiên, tỷ lệ tái thông ống sau đó khá cao. Hơn nữa, trong một số trường hợp như đường kính ống lớn hơn 15mm hoặc ở người lớn tuổi... thì khả năng ống bị xé rách khi thắt rất cao gây nguy hiểm cho người bệnh.

Đóng ống động mạch qua thông tim

Đây là biện pháp điều trị bằng tim mạch can thiệp không phẫu thuật rất hiệu quả. Đóng ống động mạch bằng phương pháp thông tim đã được thực hiện lần đầu tiên năm 1967 bởi Porstmann và cộng sự. Các dụng cụ đóng ống động mạch ngày càng được cải tiến giúp an toàn hơn về mặt kỹ thuật cũng như có hiệu quả điều trị cao hơn.

Còn nhiều lựa chọn khác như phẫu thuật, dùng coil đóng ống... Đóng ống động mạch bằng phương pháp can thiệp qua da không để lại vết sẹo, bệnh nhân không phải chịu một cuộc mổ với gây mê toàn thể, thời gian nằm viện ngắn (khoảng 1-2 ngày).


TS. Nguyễn Quang
Ý kiến của bạn