“Con ong” cần nguồn lực để cho “mật”

20-06-2014 00:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Cô đỡ thôn bản (CĐTB) như những con ong thợ cần mẫn và chăm chỉ đã góp phần thay đổi hành vi, nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản cho phụ nữ người dân tộc thiểu số tại các thôn, bản

Cô đỡ thôn bản (CĐTB) như những con ong thợ cần mẫn và chăm chỉ đã góp phần thay đổi hành vi, nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản cho phụ nữ người dân tộc thiểu số tại các thôn, bản. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của CĐTB cần có sự quan tâm cũng như chính sách ưu đãi từ phía chính quyền các địa phương - nơi cô đỡ hoạt động.

Cứu tinh của phụ nữ vùng sâu, vùng xa

Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Giang, qua thực tế triển khai mô hình CĐTB người dân tộc tại địa phương này, cô đỡ đã từng bước thực hiện có hiệu quả và mang lại niềm vui, hạnh phúc cho cộng đồng nơi họ sinh sống, góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại các địa phương đó. Điển hình như tại Trạm y tế xã Ma Lé, xã Lũng Táo... huyện Đồng Văn, tỷ lệ phụ nữ mang thai đến khám và sinh đẻ tại trạm hàng năm đều tăng, tỷ lệ quản lý thai đạt 100%. Chị Vàng Thị Xuyến - thai phụ ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn cho biết: “Trước đây sinh con tại nhà thôi, không đi đến trạm y tế bao giờ. Nhưng từ ngày có cô đỡ về khám có gì bất thường cô đỡ sẽ tư vấn và chỉ dẫn cho nên yên tâm cái bụng lắm”. Các cô đỡ sẽ tuyên truyền để bà con bỏ dần các hủ tục, tiếp cận với điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người mẹ và em bé trong cả quá trình mang thai và sinh nở.

Cô đỡ Vừ Thị Mỵ khám thai định kỳ cho phụ nữ mang thai ở Lũng Cú, Đồng Văn. Ảnh: Tuấn Anh

Cô đỡ Vừ Thị Mỵ khám thai định kỳ cho phụ nữ mang thai ở Lũng Cú, Đồng Văn. Ảnh: Tuấn Anh

Cũng như Hà Giang, Lai Châu - tỉnh miền núi với đa số là người dân tộc thiểu số, công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng gặp nhiều khó khăn. Trước đây, tỷ lệ tử vong mẹ ở Lai Châu được đánh giá là cao so với mặt bằng chung của cả nước. Nguyên nhân là do phong tục, tập quán của đồng bào thường sinh đẻ tại nhà và không được quản lý, theo dõi thai sản mà chủ yếu dựa vào bà mụ, thầy mo... Tuy nhiên, khi mô hình CĐTB được triển khai tại địa phương này chỉ sau một thời gian góp phần xóa đi rào cản về tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa với hàng trăm phụ nữ và trẻ sơ sinh được sự hỗ trợ của nhân viên y tế khi sinh nở. CĐTB đã góp phần tác động trực tiếp đến việc thay đổi hành vi của người dân trong thôn, đặc biệt là các đối tượng phụ nữ trong việc khám thai và đến đẻ tại cơ sở y tế. Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lai Châu, với những hiệu quả mang lại và nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, Lai Châu sẽ phát triển rộng mạng lưới CĐTB, phấn đấu khoảng 50% thôn bản trên toàn tỉnh có cô đỡ và bồi dưỡng cho khoảng gần 500 cô đỡ trong giai đoạn tiếp theo.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Ông Arthur ErKen - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNFPA tại Việt Nam trong chuyến đi giám sát về hoạt động mô hình CĐTB tại Hà Giang cho biết, sự khác biệt đáng kể về tình trạng sức khỏe, đặc biệt là tỷ suất tử vong mẹ vẫn còn tồn tại giữa vùng đồng bằng và miền núi. Việc thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng đỡ đẻ ở miền núi và vùng khó khăn là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt. Nếu không có nhân viên y tế, đặc biệt là những cô đỡ người dân tộc có kỹ năng hộ sinh đã được đào tạo thì phụ nữ và trẻ sơ sinh sẽ tiếp tục phải chịu những cái chết không đáng xảy ra, đặc biệt là những vùng núi cao và vùng khó tiếp cận. Cô đỡ Vừ Thị Mỵ (dân tộc Mông ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) chia sẻ: “Công việc của CĐTB vất vả lắm, phải đi đến từng nhà, từng hộ dân để khám thai và quản lý thai sản, đường đi lại khó khăn, cách trở, có khi để đến được nhà một sản phụ phải mất cả nửa ngày đường với mức thù lao hơn 500.000đ/tháng. Tuy nhiên, Mỵ rất yêu thích công việc này, đặc biệt từ khi những người hoạt động như Mỵ được công nhận trở thành chức danh chính thức trong ngành y tế”.

Hiệu quả của mô hình CĐTB là không thể phủ nhận, mặc dù vậy, để CĐTB nhiệt tình và hoạt động hiệu quả trong công việc, ngoài những nỗ lực của ngành y tế, cần có sự quan tâm sâu sắc từ chính quyền địa phương và cần có chế độ đãi ngộ hợp lý hơn với CĐTB. Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Giang, với mức thù lao thấp, công việc vất vả, đi lại khó khăn khiến những CĐTB chưa thực sự nhiệt tình trong công việc. Bên cạnh đó, do công việc có tính chất đặc thù, khối lượng công việc nhiều theo chức năng nhiệm vụ của CĐTB cùng với địa bàn hoạt động không thuận lợi đã khiến cô đỡ gặp nhiều khó khăn trong khâu thực hiện các nội dung công việc.

Những “con ong” vẫn cần mẫn làm “mật” cho đời. Họ là nguồn lực giúp giảm sự thiếu hụt trong việc cung cấp các dịch vụ làm mẹ an toàn ở những vùng xa xôi và vùng kinh tế khó khăn của đất nước, góp phần thu ngắn khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi. 

    Tuệ Khanh

 


Ý kiến của bạn