Và cho đến nay kiến thức về virus vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhân loại.
Trên da và bên trong cơ thể chúng ta có chứa ít nhất 38 nghìn tỷ vi khuẩn sinh sống và lượng virus trú ngụ trong cơ thể còn lớn hơn gấp 10 lần, lên tới 380 nghìn tỷ. Chúng tạo thành một cộng đồng được gọi chung là virus người (Human Virome).Virus xâm nhập bất kỳ hình thể sống nào trên hành tinh chúng ta thậm chí từ quả cà chua đến 1 nhành hoa.
Liên tục phát hiện những virus mới
Dường như lúc nào, nơi nào trên trái đất cũng có những dịch bệnh truyền nhiễm. Thế giới mới bắt đầu biết về những dịch bệnh do virus gây ra từ đầu thế kỷ 20. Dịch bệnh do virus trên người đầu tiên được báo cáo là dịch sốt vàng. Từ đó cho đến nay, ước tính mỗi năm trung bình chúng ta phát hiện từ 3-4 loài virus gây bệnh trên người mới. Ngoài ra, vẫn còn khoảng 250 loài virus vẫn chưa được khám phá.
Phát hiện được một loại virus mới ngày nay rất phức tạp và đòi hỏi nhiều bước. Thông thường, các nhà khoa học phải mô tả được mã di truyền hoàn chỉnh của virus nhờ phân tích DNA chuyên sâu trong phòng thí nghiệm. Sau đó là những tính toán sử dụng đến cơ sở dữ liệu tham chiếu khổng lồ để biết chắc đó là một loài virus thực sự mới. Tiếp theo, công việc được chuyển cho những nhà nghiên cứu dịch tễ học và các phòng thí nghiệm y sinh, để xác định virus nào có thể gây bệnh nguy hiểm cho con người. Phải mất một thời gian nữa để khẳng định chắc chắn một loại virus chính là nguyên nhân gây ra một căn bệnh cụ thể nào đó cho chúng ta, đôi khi là hàng chục năm.
Hình ảnh Virus Sputnik.
Virus “ăn bám” trên một con virus khác
Năm 2008, nhóm nghiên cứu người Pháp đã lần đầu tiên tìm thấy trong mẫu vật lấy từ một đài phun nước tại Paris: Một con virus đang “ăn bám” một con virus khác. Họ đặt tên cho nó là Sputnik. Sputnik có đường kính khoảng 50nm, và có khoảng 18.000 cặp bazơ nitơ (trong khi con người có khoảng 3 tỉ cặp trong ADN), kí sinh lên một virus khác thuộc dòng Mimivirus. Mimivirus chứa hơn 900 gene, trong đó có cả những protein mà các virut khác không có, nghĩa là lớn gấp 2 lần lượng gene của bất kỳ virus nổi tiếng nào và lớn hơn rất nhiều so với vi khuẩn.
Mamavirus có mối liên quan mật thiết với Mimivirus nhưng lại lớn hơn cả Mimivirus và cũng đã được tìm thấy trong một amip ở tháp làm lạnh tại Paris, Pháp. Mamavirus lớn đến nỗi tự nó có thể tồn tại độc lập, đây là loại virus vệ tinh nên được người ta đặt cho cái tên là Sputnik.Amoebas có thể “tiến hóa” thành virus mới, có khả năng tiêu hóa cả những vật khổng lồ, hay còn được ví là vật thể lai, nơi virut và vi khuẩn có thể trao đổi gene với nhau. Các loại virus con người đã biết có thể gây lây nhiễm động vật, thực vật, nấm, nguyên sinh... và vi khuẩn nữa. Riêng virus Sputnik và Mamavirus còn có thể lây nhiễm các virus khác.
Cuộc chiến với virus
Trên thực tế, con người chưa có một loại thuốc cụ thể nào để chống lại hầu hết các virus nguy hiểm. Điều này một phần là do virus thường phát triển nhanh và phân hóa thành nhiều chủng loài. Chúng ta không có một loại thuốc nào nhắm mục tiêu để diệt được một phổ rộng virus như cách mà thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn. Ngoài ra, virus thường ký sinh và sử dụng tài nguyên của tế bào người nhiễm bệnh. Việc tiêu diệt nó thường ảnh hưởng đến chính tế bào con người, bởi vậy, thuốc chống virus có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ.
Mặc dù việc đối mặt với những virus nguy hiểm còn gặp nhiều thách thức, hoạt động nghiên cứu của con người tiếp tục mang lại nhiều giải pháp sáng tạo hơn nữa. Những loại thuốc và vắc-xin chống virus vẫn liên tục được ra đời và thử nghiệm, mới đây nhất, vắc-xin HIV đã tiến đến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2b.
Một số chương trình sáng tạo như World Mosquito, sử dụng vi khuẩn tự nhiên và an toàn để ngăn chặn sự phát triển của virus trong muỗi. Các nhà khoa học cố tình lây nhiễm một loại vi khuẩn gọi là Wolbachia vào muỗi để phá vỡ chu kỳ truyền nhiễm của chúng.
Và cuộc chiến giữa con người và virus vẫn đang tiếp diễn. Nhưng với kiến thức cùng với sự phát triển không ngừng, chúng ta có quyền hy vọng trong cuộc chiến này phần thắng sẽ thuộc về mình.