Con người là hoa của đất...

08-12-2018 10:32 | Y tế
google news

SKĐS - Đầu tuần này, tôi làm Chủ tịch hội đồng cho một học viên cao học nữ từ miền Tây lên học. Bảo vệ vừa xong, em quấy quả chạy ngay ra bến xe về cho kịp trực.

Bệnh viện canh rất chuẩn, buổi chiều bảo vệ tốt nghiệp là buổi tối phải nhận trực ngay, không cần biết cái kiệt sức về thể chất lẫn tâm lý sau những tháng ngày căng thẳng tốt nghiệp và đoạn đường 4 giờ đi xe để về đến nơi.

Chăm sóc bệnh nhân là công việc vất vả của các điều dưỡng.

Chăm sóc bệnh nhân là công việc vất vả của các điều dưỡng.

Hai vợ chồng trẻ, cũng đều là bác sĩ nhưng để một người có thể trụ lại trong bệnh viện công thì một người phải ra ngoài làm cho hãng cung cấp thiết bị y tế. Ít nhất thì em còn may mắn là có một người chồng chịu hy sinh để đảm bảo kinh tế cho vợ vừa trụ lại bệnh viện công, vừa đi học. Lương ở bệnh viện công ấy (cũng như rất nhiều bệnh viện công khác) rất eo hẹp. Eo hẹp đến độ không thể vừa thuê nhà trọ vừa nuôi con cho ra ngô ra khoai. Bươn chải là điều mà không ít nhân viên y tế, trong đó đa phần là nữ giới phải chấp nhận để hành nghề và để đảm bảo cuộc sống gia đình. Ngay trong khoa tôi, có bạn điều dưỡng nam còn chạy thêm xe ôm, các bạn nữ đi làm thêm, chăm sóc tại nhà, bán hàng trên mạng. Đồng tiền kiếm được cũng hằn hai chữ nhọc nhằn.

Hài hước một điều là khi nói đến bác sĩ, người ta nghĩ ngay đến một chữ giàu, hai chữ phong bì. Trưa nay, tôi cùng thầy tôi nói chuyện với một bác sĩ trẻ đang theo học siêu âm tim, cũng đến từ miền Tây. Em cười bảo “Dạ, giờ hai vợ chồng em may mắn còn hưởng chế độ xã nghèo (Chương trình 135) nên thu nhập cũng đủ trang trải”.

Giữa tuần, tôi đi công tác một tỉnh miền Đông, thì cả Bí thư Tỉnh ủy và Thường vụ Tỉnh ủy tiếp đón, chứng tỏ một sự trọng thị không hề nhỏ đối với nghề y. Điều này cũng chứng tỏ không phải các cấp lãnh đạo không biết và không phải làm ngơ trước thực trạng của ngành. Nhưng những thầy thuốc vẫn bị trói buộc bởi vòng quay nhọc nhằn “lương và cuộc sống”. Muốn giúp lắm nhưng cũng đành đồng ý với nhau rằng “Thôi thì bắt đầu từ cái nhỏ nhất. Bởi nguồn nhân lực tại chỗ quá thiếu và dường như có sự động cựa của dịch chuyển khi một tập đoàn y tế tư nhân đã vươn đến nơi này. Lương của một bác sĩ ở khu vực tư cao gấp 400% khu vực công. Có gì đáng phê phán ở chỗ con người ta mưu cầu sự no ấm không? Cùng với đó, khi bệnh nặng rất nhiều, tâm lý người nhà rất căng thẳng, tâm lý xã hội cũng rất nặng nề... Tất cả áp lực đó tôi có thể thấy rõ trong cái dáng tất tả từ nửa đêm về sáng của những điều dưỡng (trên 80% là nữ điều dưỡng). Dù có viết vạn trang thì cũng không thể nào chuyển tải được nỗi nhọc nhằn của các điều dưỡng, đặc biệt trong những phiên trực cấp cứu, hồi sức. Họ phải sống trong môi trường: bệnh nhân nôn ói, máu me, phân, nước tiểu, xì hơi, chửi bới, tấn công (bằng lời nói và đôi khi bằng vũ lực)...

Những nữ bác sĩ, nữ cử nhân, nữ điều dưỡng, nữ y công là hàng vạn bông hoa của ngành y tế. Thay vì hời hợt tặng họ một bó hoa mua được ở đâu đó nhân ngày lễ lạt, thì hãy nhìn họ như những bông hoa. Những bông hoa ấy, tôi nghĩ, chưa được xã hội trân trọng đúng mức. Được hành nghề trong sự an toàn mà pháp luật quy định và hành nghề trong một môi trường nhân văn nơi phẩm giá của mỗi một người đều được nâng niu như nâng niu sự sống!


BS. Lê Minh Khôi
Ý kiến của bạn