Con người không bất khả kháng trước Ebola

25-09-2014 13:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Hiện nay, dịch Ebola đang có diễn biến phức tạp và đã gây tử vong cho hàng ngàn người ở Tây Phi.

Hiện nay, dịch Ebola đang có diễn biến phức tạp và đã gây tử vong cho hàng ngàn người ở Tây Phi. Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới chưa có giải pháp hữu hiệu và lâu dài để ngăn chặn, việc khống chế, dự phòng không để dịch lây lan hiện đang là giải pháp hàng đầu và cấp thiết ở mỗi quốc gia.

Nhân loại hay châu Phi không bị hủy diệt bởi Ebola

Tính đến nay dịch sốt xuất huyết Ebola (EHF = Ebola Hemorrhagic Fever) tại khu vực Tây Phi đã làm cho gần 2.500 người tử vong, trong khi gần 5.000 trường hợp nhiễm trùng đã ghi nhận. Đại dịch này đã gây nên nhiều mối quan ngại, lo âu tại nhiều quốc gia. Gần đây, trợ lý Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Bruce Ayluord đã ra tuyên bố: Dịch bệnh bùng phát hiện nay là “chưa từng có trong lịch sử hiện đại” và ngày 16/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama xác định dịch Ebola đang trở thành một nguy cơ đe dọa toàn cầu, cam kết cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn nạn dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người này.

Tiến sĩ y khoa Thommas Cairnas, người tự khỏi sau khi nhiễm Ebola nặng năm 1976.

Tiến sĩ y khoa Thommas Cairnas, người tự khỏi sau khi nhiễm Ebola nặng năm 1976.

Thật ra, căn bệnh do virut Ebola không phải mới mà đã được phát hiện từ năm 1976, tại Zaire, thuộc Cộng hòa Congo. Trong gần 4 thập niên tồn tại, nó từng gây ra nhiều vụ dịch: Năm 1976 dịch tại Congo, Sudan làm 2.400 người mắc với 33% tử vong. Một số vụ nhỏ tái hiện tại Congo vào năm 1995 làm 315 người mắc. Năm 2000 - 2001, Uganda ghi nhận có 425 trường hợp và Congo có 264 trường hợp mắc. Những đợt dịch Ebola trước đây có tỷ lệ tử vong từ 33 - 56%. Dù có tỷ lệ tử vong cao nhưng chúng ta thấy trong vùng dịch vẫn có người không mắc, hơn thế có người mắc nặng, rồi tự qua khỏi. Ở vụ dịch năm 1976, Tiến sĩ y khoa Thommas Cairnas bị nhiễm Ebola, bị sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban đỏ trên da, bong tróc da, mất thính lực, tóc trắng bệch... nhưng sau khi được cách ly, chăm sóc các nốt phát ban, bệnh cũng thuyên giảm, có thể tự đi lại được... và khỏi hẳn. Điều này cho thấy con người có thể có kháng thể tự nhiên để chống lại Ebola, thậm chí có người còn có kháng thể tự nhiên đủ mạnh để đánh bại Ebola. Bởi vậy, nhân loại hay châu Phi sẽ không bị hủy diệt bởi Ebola.

HIV/AIDS làm suy kiệt khả năng miễn dịch, ca nào cuối cùng cũng chết vì bệnh nhiễm trùng cơ hội, vẫn không thể hủy diệt con người. Ebola cũng không thể có sức hủy diệt cao hơn HIV/AIDS.

Đã có thuốc chống lại Ebola?

Công ty Zmapp Biopharmacetical, Califonia (Mỹ) đã sản xuất huyết thanh zmapp. Huyết thanh này đã thử nghiệm và có hiệu quả trên khỉ nhưng chưa được thử trên người. Theo thông lệ quốc tế thì thuốc phải được thử trên người khỏe mạnh, sau đó thử tiếp trên người bệnh, nếu thực sự có hiệu quả an toàn mới được phép lưu hành. Tuy nhiên, hiện nay dịch Ebola đang hoành hành tại Liberia và gây tử vong cho nhiều người, trước yêu cầu cấp thiết của chính phủ Liberia mà trực tiếp là Tổng thống Ellen Johson Sirleaf đề nghị sự giúp đỡ từ Mỹ. Ngày 8/8/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định đưa zmapp đến nước này.

Quyết định đưa zmapp đến châu Phi là điều trái với thông lệ vì huyết thanh này mới chỉ thử có hiệu quả trên khỉ nhưng chưa thử trên người, song cũng không phải là lần đầu. Trước đây, một số thuốc sinh học chỉ mới thử trên người với qui mô nhỏ cũng đã được đem dùng theo yêu cầu tự nguyện của người bệnh. Bởi vậy, khi dịch Ebola đang hoành hành ở Tây Phi có nguy cơ lan rộng ra nhiều châu lục khác mà Tổ chức Y tế Thế giới chưa có thuốc điều trị thì việc đưa zmapp đến Liberia cũng được xem là giải pháp cấp thiết.

Hiện nay, mặc dù zmapp được xem là giải pháp cấp thiết nhưng không thể xem là giải pháp dự phòng ổn định và lâu dài vì một số lý do sau:

Những người đang theo dõi tình hình dịch Ebola ở Tây Phi đang bắt đầu quen thuộc với loại huyết thanh thử nghiệm zmapp đã được dùng cho hai bệnh nhân người Mỹ đầu tiên - BS. Kent Brantly và người đồng sự, Nancy Writebol. Khi ngày càng có nhiều báo cáo về sự hồi phục “kỳ diệu” của Brantly và sự cải thiện ổn định của Writebol, thế giới đang muốn biết loại huyết thanh này là gì và liệu nó có phải là phương thuốc chữa khỏi bệnh mà chúng ta đang chờ đợi hay không. Điều này đã làm dấy lên nhiều hy vọng, tuy nhiên chưa đủ số liệu thông kê để xác định zmapp có hiệu lực chắc chắn. Như đã trình bày ở trên, cũng có trường hợp người bệnh tự khỏi do kháng thể tự nhiên như TS. Thommas Cairns (!)

Khi bị nhiễm, virut sinh ra các loại độc tố có hại. Tiêm huyết thanh chống lại độc tố này thì huyết thanh phải được dùng đúng lúc (thường là sớm) mới có hiệu quả. Những biểu hiện đầu tiên của sốt xuất huyết Ebola giống cúm, khi có triệu chứng đặc trưng thì đã nặng, nên chọn người, thời điểm dùng zmapp là không hề đơn giản (!)

Vaccin hay huyết thanh có tính đặc hiệu, chỉ có tác dụng trên một týp virut Ebola nhất định. Ebola có đến 5 týp, trong đó có 4 týp gây bệnh. Dich Ebola ở Tây Phi bước đầu được xác định là do một týp, nhưng trong quá trình dịch phát triển, liệu chỉ có týp ấy hay còn týp nào khác? Zmapp không phải có hiệu quả như nhau cho cả 4 týp Ebola.

Do các hạn chế trên, không thể chỉ dựa vào thuốc zmapp, mà cần có những biện pháp phòng dịch Ebola chủ động.

Có cách nào để khống chế hữu hiệu Ebola?

Virut cúm A/H7N9 (Trung Quốc - 2013) từ loài chim, phát tán vào không khí, rồi lây qua người qua đường hô hấp. Có 40% người bệnh nhiễm A/H7N9 mà không hề tiếp xúc với chim. Trong khi đó, theo ông Masaya Gato, chuyên gia của WHO, virut Ebola không lây qua không khí, qua đường hô hấp. Xét riêng trên góc độ lây nhiễm thì cách lây của A/H7N9 có phần nguy hiểm hơn Ebola.

Cũng theo ông Masaya Gato, Ebola lây nhiễm do trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, hoặc gián tiếp qua các vật dụng có vương vãi bệnh phẩm (phân, chất nôn, đờm dãi, chất tiết, phủ tạng...) của người bệnh hay người bệnh sờ mó đến vật dụng ấy... Như vậy, nếu không đi đến vùng dịch, không tiếp xúc gần với người bệnh hay vật dụng vương vãi bệnh phẩm của người bệnh thì có thể cắt đường lây, phòng được dịch. Cách kiểm tra hành khách ở sân bay, bến cảng, cửa khẩu chặt chẽ, quyết liệt sẽ làm dịch khó lan đến các quốc gia khác.

Ebola lúc mới nhiễm có các biểu hiện như cúm nhưng ngay sau đó sớm xuất hiện các triệu chứng đặc trưng, có thể xác định bệnh qua lâm sàng sau khi phát hiện sốt bằng máy đo thân nhiệt. Mặt khác, nước ta có một số cơ sở có thể xét nghiệm Ebola. WHO cho biết sẽ cung cấp Ebola bất hoạt cho các nước làm chuẩn. Điều đó giúp cho việc xác định đúng người bệnh để cách ly. Đây là cách khống chế dịch có hiệu quả nếu không may nước ta có người bệnh.

DSCKII. Bùi Văn Uy

 


Ý kiến của bạn