“Con người có tổ có tông”

16-04-2013 10:40 | Văn hóa – Giải trí
google news

Tối ngày 13/4, mở màn lễ hội Đền Hùng 2013, trước sự chứng kiến của hàng ngàn khán giả tại Quảng trường Khu di tích lịch sử Đền Hùng – Phú Thọ và đông đảo đồng bào qua truyền hình

Tối ngày 13/4, mở màn lễ hội Đền Hùng 2013, trước sự chứng kiến của hàng ngàn khán giả tại Quảng trường Khu di tích lịch sử Đền Hùng – Phú Thọ và đông đảo đồng bào qua truyền hình, bằng chứng nhận Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đã được đại diện UNESCO trao cho lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, Bộ VH-TT&DL cùng đại diện các nghệ nhân của địa phương để tôn vinh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.

Cộng đồng phải được tiếp sức

Tham dự sự kiện quan trọng này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dẫn câu ca dao: “Con người có tổ có tông/Như cây có cội như sông có nguồn” để khích lệ toàn dân cùng chung sức giữ gìn di sản. Chủ tịch nước cho rằng: “Thờ cúng các vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước yên vui, thịnh vượng mà còn có ý nghĩa sâu xa, nhắc nhở, kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.

“Con người có tổ có tông” 1
 Biểu diễn tôn vinh di sản và khai mạc lễ hội tối 13/4.

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh, chương trình hành động quốc gia về bảo vệ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ trong giai đoạn 2013-2015 với tầm nhìn 2020 sẽ được thực hiện theo 9 nội dung. Phần lớn hướng về cộng đồng với các hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng; tạo điều kiện cho cộng đồng bảo tồn di sản bằng việc sưu tầm, truyền dạy cho lớp trẻ, kết nối cộng đồng với giới chuyên môn; xây dựng các chương trình quảng bá, truyền thông về di sản, các chương trình giáo dục để đưa vào trường phổ thông. Cùng với đó, chương trình hoạt động cũng nhấn mạnh việc tăng cường nguồn đầu tư của Nhà nước và huy động xã hội hóa để bảo vệ di sản; nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác quản lý ở cơ sở... Như vậy có thể thấy, ngoài vai trò nghiên cứu của các chuyên gia, sự có mặt trong tư thế chủ thể của cộng đồng là tối quan trọng để đảm bảo cho trạng thái “sống” của di sản. Đồng thời, lực lượng cán bộ văn hóa cơ sở cũng đứng trước yêu cầu cao phải được nâng cấp, bồi bổ để cùng với cộng đồng bảo tồn, phát huy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nhìn một cách tổng thể, bà Katherine Muller Marin – Trưởng văn phòng đại diện của UNESCO tại Hà Nội cũng nhấn mạnh: Bảo tồn và phát huy di sản chỉ có được khi có sự chung sức của các cơ quan cấp cao như Bộ VH-TT&DL, Ủy ban UNESCO, UBND các tỉnh, các nhà khoa học và người dân.

Bảo vệ cả hai di sản với yêu cầu cao

Như vậy, tại Phú Thọ đã có 2 Di sản thế giới, trong đó cùng với việc bảo tồn, phát huy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thì nhiệm vụ đưa di sản hát xoan được phong tặng vào cuối năm 2011 ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp cũng quan trọng và cần kíp không kém. Trong năm qua, để cải thiện tình hình mai một của hát xoan, Phú Thọ đã có nhiều chương trình, hoạt động như dự án khôi phục lại không gian gốc cho việc diễn xướng hát xoan, dự án tổ chức dạy hát xoan trong cộng đồng và cho giáo viên các trường phổ thông. Tỉnh này cũng đang nghiên cứu đưa một số tiết dạy hát xoan vào trường phổ thông và đã tổ chức được liên hoan hát xoan và dân ca trong ngành giáo dục. Riêng liên hoan hát xoan và dân ca của toàn tỉnh thì trong dịp lễ hội này sẽ được tổ chức lần thứ 3. Theo ông Phạm Bá Khiêm – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh, Phú Thọ đã ban hành quy chế phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian của tỉnh và phong được cho 34 nghệ nhân với 3 cụ ở Vĩnh Phúc. Các hoạt động khảo sát, kiểm kê hát xoan thời gian qua đã được thực hiện ở khắp các địa phương có hát xoan với 31 đình trên địa bàn 18 xã của 9 huyện thuộc cả 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Ông Phạm Bá Khiêm nói: “Tin rằng đến năm 2015 có thể đề nghị UNESCO đưa hát xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp để trở thành Di sản đại diện của nhân loại”.

Từ nay đến hết ngày 20/4 (tức 10/3 âm lịch), tại Phú Thọ đang và sẽ diễn ra nhiều nghi lễ, hoạt động triển lãm, biểu diễn, thi đấu... hướng về cội nguồn, tôn vinh di sản. Được biết, theo khung chương trình hành động lớn để bảo vệ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, sẽ có nhiều hoạt động, dự án cụ thể. Như vậy, sắp tới, cần có và triển khai sớm các biện pháp nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để cộng đồng phát huy giá trị di sản. Cùng với đó, phải có sự phối hợp tốt giữa các chương trình, biện pháp bảo tồn hai Di sản là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát xoan. Và kỳ vọng, yêu cầu đưa hát xoan ra khỏi tình trạng khẩn cấp cũng vẫn đặt ra câu hỏi cho đến khi các cơ quan chức năng có thể trả lời xong.

Bài và ảnh: Dương Xuân


Ý kiến của bạn