Con mực

01-10-2012 09:58 | Y học cổ truyền
google news

Mấy ngày qua, do ảnh hưởng của thời tiết khiến cho hầu như ngày nào cũng mưa. Những ngày mưa như vậy, vừa ngồi nhà xem truyền hình, vừa nhâm nhi mấy miếng khô mực nướng, tận hưởng sự ngọt ngào, dai dai của miếng mực thì thật là hấp dẫn. Nhưng mực còn là món ăn - vị thuốc mà nhiều người chưa quan tâm đến.

Mấy ngày qua, do ảnh hưởng của thời tiết khiến cho hầu như ngày nào cũng mưa. Những ngày mưa như vậy, vừa ngồi nhà xem truyền hình, vừa nhâm nhi mấy miếng khô mực nướng, tận hưởng sự ngọt ngào, dai dai của miếng mực thì thật là hấp dẫn. Nhưng mực còn là món ăn - vị thuốc mà nhiều người chưa quan tâm đến.

Con mực tên khoa học là Sepia esculenta Houle, họ Cá mực (Sepiidae).

Ngoài phần thịt được cung cấp như một món ăn, món nhậu, cá mực còn cung cấp một vị thuốc rất độc đáo, đó là mai mực (nang mực - ô tặc cốt, hải phiêu tiêu - Os sepiae seu sepiellae).


Trong dược liệu của Đông y, thường người ta chỉ dùng nang mực.

Thịt mực vừa dùng ăn tươi (nấu, xào, luộc), vừa có thể phơi khô trở thành món nhâm nhi giải trí và là món khoái khẩu của dân nhậu.

Trong thực dưỡng lại thường dùng thịt mực tươi như một món ăn vừa dùng làm thuốc để bồi bổ cơ thể, trị bệnh.

Cách chế biến mai mực: thường người ta lấy mai mực, cạo sạch vỏ cứng ở ngoài, ngâm nước cho đến khi hết mặn, sau đó phơi hoặc sấy khô, khi dùng tán bột. Để có mai mực có phẩm chất tốt nhất nên dùng những mai dày, màu trắng như phấn, không gãy vỡ.

Theo Đông y, mai mực vị mặn, tính ấm không độc, có tác dụng làm se và cầm máu; cố tinh và trừ khí hư, chống toan hóa và giảm đau, làm lành vết loét.

Nang mực có chứa calium carbonate, phosphate, có tác dụng kềm chế acid, có hiệu quả đối với người có quá nhiều dịch vị, dư acid và người loét dạ dày.

Dùng bên ngoài trị bị thương ngoài da ra máu, chi dưới loét lâu không kín miệng.

Một số kinh nghiệm dùng mai mực:

Trị ho ra máu:

Mai mực 45g, cỏ nhọ nồi 30g, cỏ tháp bút 100g. Mai mực bỏ vỏ cứng tán bột mịn, cỏ nhọ nồi sao cháy cùng cỏ tháp bút đun lấy 250ml nước thuốc đặc. Cho bột mai mực vào nước thuốc, quấy đều chia 3 phần uống trong ngày (sáng, trưa, tối).

Mai mực 9g, bạch cập 9g, ngó sen 15g, nấu 2 chén nước, lọc còn 1 chén, thêm 20ml mật ong trộn đều, chia 3 lần uống trong ngày.

Trị hen suyễn:

- Mai mực 300g, rửa sạch, nung trên hòn ngói cho vàng, tán mịn. Người lớn uống mỗi lần 8g, chia 2 lần. Trẻ em ngày uống 2 lần, mỗi lần 3g.

- Mai mực 9g, phèn chua 3g, đường trắng 30g. Tất cả tán thành bột mịn, chia 3 lần uống trong ngày, uống với nước sôi.

Trị lao phổi:  mai mực 15g, bạch cập 240g, bối mẫu 60g, nhau thai 60g. Tất cả sấy khô tán bột mịn, mỗi đêm uống 1 lần 9g với nước sôi.

Trị loét dạ dày và hành tá tràng, dịch vị quá nhiều: mực nang, nghiền thành bột mịn, mỗi lần dùng 3g, hòa nước đường uống, ngày 2 - 3 lần.

Trị đau loét dạ dày, tá tràng, ợ chua, đại tiện táo: mai mực 20g, cam thảo 12g, thổ bối mẫu 6g, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g trước bữa ăn khoảng nửa giờ.

Trị xuất huyết đường tiêu hóa: mai mực 9g, bạch cập 9g. Xay thành bột mịn, chia 2 lần uống trong ngày với nước sôi, cần uống trong nhiều ngày.

Trị đại tiện ra máu:

- Mai mực 40g, mộc tặc (cỏ tháp bút) 100g. Mai mực bỏ vỏ cứng, tán nhỏ mịn; cỏ tháp bút sắc lên lấy 150ml nước thuốc, chắt lấy nước, trộn bột mai mực, chia 2 lần uống trong ngày, uống liền 5 - 7 ngày.

- Mai mực l00g, rửa sạch, bỏ vỏ cứng, phơi khô, xay thành bột mịn, mỗi lần uống 6g với nước cháo đặc, ngày uống 2 lần. 7 ngày là 1 liệu trình, cần dùng 2 - 3 liệu trình.

Trị trĩ ngoại: mai mực 60g, dầu vừng 30ml. Mai mực tán bột mịn, cho vào dầu vừng quấy đều, bôi vào chỗ trĩ lòi ra, ngày 2 - 3 lần. Nên dùng một ít phèn chua pha với nước âm ấm nóng, đặt mông ngồi vào, dùng nước này rửa sạch búi trĩ rồi mới bôi thuốc.

 Trị viêm thận mãn: mai mực 9g, bạch truật 9g, cá diếc 1 con (300g), gạo nếp 100g. Tất cả sấy khô, tán bột mịn, ngày uống 3 lần mỗi lần 9g với nước sôi.

Trị băng huyết:

- Mai mực 15g, sinh địa 30g. Mai mực bỏ phần cứng, tán bột mịn, sinh địa sắc lấy 200ml nước thuốc đặc. Cho bột mai mực vào nước thuốc quấy đều chia 3 lần uống trong ngày, cần uống liền 3 ngày.

- Mai mực 9g, quán chúng (đốt thành than) 30g. Tán bột mịn, mỗi lần uống 9g với nước có pha 50% rượu vào buổi sáng, tối. Kiêng ăn đắng, cay.

Trị bế kinh:  mực 100g, ngải cứu 100g, dầu thực vật, muối mắm vừa đủ. Mực làm sạch, thái miếng, ngải cứu rửa sạch, thái dài 4cm, dùng dầu thực vật xào mực với ngải cứu thêm muối mắm vừa đủ. Khi chín cho bệnh nhân ăn ngày 1 lần, cần ăn liền 5 - 7 ngày.

Trị bạch đới:

- Mai mực 120g, bỏ phần cứng, sao tồn tính, tán bột mịn, chia 10 phần, mỗi tối uống 1 phần với nước nóng.

- Mai mực 40g, bạch chỉ 60g, tóc rối 30g. Bạch chỉ sao thơm, tóc rối đất thành than, tất cả tán bột mịn, ngày uống 1 lần 6g với nước nóng có pha 50% rượu.

- Mai mực 20g, cây xấu hổ 15g. Sấy khô, tán bột mịn, chia 3 lần uống trong ngày với nước nóng.

- Mai mực 24g, bối mẫu 6g. Sấy khô, tán bột mịn, chia 3 lần uống trong ngày với nước nóng.

- Mai mực 9g, hạt sen 9g. Mai mực đốt thành than, hạt sen sao vàng, tán bột mịn, chia 2 lần uống trong ngày với nước sôi có pha 50% rượu.

- Mai mực 60g, khiếm thực (củ súng) 60g. Sấy khô, tán bột, ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g với nước nóng.

- Mai mực 9g, kim anh tử 9g, bạch liên tu 9g, hạt súng 12g, nấu nước uống.

Trị lở loét chảy nước: mai mực 100g, bỏ phần cứng, giã nhỏ. Dùng nước chè xanh đặc rửa sạch chỗ đau sau đó lấy bột mai mực rắc vào chỗ đau ngày làm 2 lần, làm liên tục cho đến khi khỏi.

Trị trẻ nhỏ xương mềm yếu: mai mực 9g, quy bản 12g, thiến thảo 6g, nấu nước, cho đường hòa đều uống, mỗi ngày chia 2 - 3 lần uống.

Lưu ý: không dùng mai mực cho các trường hợp âm suy và nhiệt vượng.

Lương y HOÀNG DUY TÂN


Ý kiến của bạn