Tôi vẫn coi nhà văn Nguyễn Khắc Phục như người anh lớn trong gia đình, trong văn chương. Bởi một lẽ nữa là tôi không có anh trai, nên tôi coi anh như anh trai của mình. Và anh lớn tuổi hơn nhiều, nên tôi cũng hay chống đối anh như thường chống đối ý kiến của bố mẹ tôi. Nhưng sự thật thì, tôi đã học được của anh rất nhiều. Và những gì anh nhìn nhận ra, chỉ bảo cho tôi, cho đến bây giờ tôi đều thấy ngạc nhiên, cứ như anh có con mắt thứ ba, thấu thị trước những điều tôi hoặc người thường không nhìn thấy, chưa linh cảm được.
Sau khi đọc văn tôi, Nguyễn Khắc Phục tìm tòi, rồi đặt bút danh dùng trong văn chương cho tôi bằng tiếng Phạn là Samadhi. Ông giải thích, Samadhi có nghĩa là Ngọn lửa không màu. Lửa không nóng dữ dội, không màu, không nhìn thấy được bằng mắt thường, nhưng nó cháy bền bỉ và rất giàu nội lực.
Ông động viên tôi tiếp tục viết, nhưng cũng căn dặn rằng, tôi nên bớt bản năng, chuộng lạ và màu mè đi. Viết thật giản dị thôi và phải viết nhiều, viết hàng ngày, miệt mài, không được lười biếng chờ cảm xúc đến rồi mới viết. Vốn tính ngang ngạnh, tôi đã cả gan tranh luận với ông rằng, viết nhiều chưa chắc đã là giỏi, viết nhiều nhưng phải hay, hay được đã khó, lạ được còn khó hơn. Em viết văn không vì danh tiếng, mà trước tiên vì muốn thỏa mãn đam mê của chính mình, thế nên nó phải bản năng... Ông chỉ cười, nheo mắt nhìn tôi qua làn khói thuốc. Dù sao, tôi nhớ những lời ông dặn, mãi mãi.
Những ngày trên giường bệnh, ông vẫn luôn lạc quan và say mê văn chương.
Tới năm 2007, tôi nhận được Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ. Lễ trao giải diễn ra ở Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam. Lúc nhận giải xong, về nhà, tôi nhận được cuộc gọi của Nguyễn Khắc Phục. Ông hỏi tôi một câu rất lạ:
- Em có nhận ra điều gì không?
- À, em cũng rất vui và bất ngờ. Em không nghĩ là mình được Giải thưởng. - Tôi băn khoăn trả lời, vì chưa đoán được thực ra là ông muốn đề cập tới chuyện gì.
- Anh đã đến để mừng cho em. Nguyễn Khắc Phục nói.
- Thật sao? - Tôi ngạc nhiên - Em có nhìn thấy anh trong hội trường đâu?
- Anh đạp xe đến Hội Nhà văn lúc họ trao giải cho em, nhưng anh chỉ ngồi ở dưới nhà, không lên chỗ hội trường. Anh không thích một số đứa ở đó...
Tôi đã lặng đi. Tôi quả là một con ngốc!
Ông cực đoan như vậy đó, khi đã thương quý ai thì hết lòng. Nhưng không ưa người nào thì thậm chí sự có mặt của người đó khiến ông không thở nổi. Tôi nhớ có lần, khi đến thăm ông, Nguyễn Khắc Phục dành cả tiếng đồng hồ nói với tôi về một cái tít truyện ngắn mà ông rất tâm đắc. Có một người viết trẻ khác, viết được cái truyện ngắn khá hay, nhưng không tìm ra cái tít nào phù hợp để đặt cho truyện, đã tìm đến ông. Nguyễn Khắc Phục đọc truyện xong thì đặt luôn được cái tít truyện là Nọc người. Người viết trẻ đó đã sử dụng luôn tít ấy cho truyện, không bàn bạc gì thêm, vì nó quá hay, quá thâm thúy và chính xác. Chính Nguyễn Khắc Phục cũng sung sướng cả buổi vì cái tít truyện đó. Tôi khá ngạc nhiên, không phải truyện của ông viết ra, mà sao ông lại có cái vẻ ngời ngời vui thích như thế kia. Có được một đàn anh trong nghề viết với tấm lòng như thế, đâu phải dễ tìm trong đời này?
Sau khi tôi được giải thưởng văn học, Nguyễn Khắc Phục cảnh báo tôi rằng, em hãy cẩn thận với hào quang văn chương, nó là khắc tinh của hạnh phúc gia đình... Tôi một lần nữa lại bướng bỉnh, cãi với ông rằng, tôi viết văn không vì danh tiếng, thì làm sao một cái giải thưởng kia ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi được? Ông không nói gì thêm, lại chỉ nheo mắt nhìn tôi qua làn khói thuốc. Khói thuốc vờn bay quanh mái đầu bạc trắng của ông. Tóc tôi thì còn xanh. Đầu xanh bướng bỉnh. Tôi đâu có ngờ, chỉ một năm sau lời nhắc nhở của ông thì gia đình tôi có chuyện đổ vỡ. Lúc đó, tôi mới công nhận, ông có “con mắt thứ ba”.
Thời còn năng đi lại thăm ông, tôi thường đến vào những buổi chiều, dựng xe trước cửa rồi leo lên căn gác trọ của ông ở ngõ Dã Tượng, Hà Nội. Cảnh tượng ở đó khắc đậm trong tôi như một bức ảnh rõ nét mỗi khi tôi hồi tưởng. Một người đàn ông tóc trắng xóa, khói thuốc luôn vờn bay quanh tóc trắng, làn da tróc vảy bất cần, đôi mắt như đựng cả một trời trăn trở nghĩ suy. Nhưng lạ là mỗi khi ông cười thì cả bầu không khí xung quanh trở nên ấm áp, như chẳng còn gì đáng lo trên đời. Chúng tôi thường ngồi bên bàn uống trà và trò chuyện văn chương. Xung quanh chúng tôi ngồn ngộn sách đã xuất bản của ông. Ông bảo nếu chồng những trang bản thảo ông đã viết lên thì cao hơn người. Ông là một trong những nhà văn viết khỏe nhất, giàu sức sáng tạo nhất trong văn đàn đương thời. Trung bình mỗi ngày, ông viết tới một ngàn chữ. Cái lạ của ông là ông đang trò chuyện với ai đấy, về một cái gì đấy tưởng như vô tình, nhưng cũng là điều ông đang viết đấy, sẽ xuất hiện trong trang viết của ông. Thời điểm năm 2006, ông bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết Hỗn độn. Ông bộc bạch rằng, đây là cuốn tiểu thuyết ông tâm đắc nhất đời, nó sẽ dày cả ngàn trang. Ông cũng nói, ông cùng xây dựng ý tưởng viết cuốn tiểu thuyết này với một nữ nhà văn đang sống ở nước ngoài. Hàng ngày, ông vẫn trao đổi cùng chị ấy qua email. Tuy nhiên, ông không cho tôi biết người phụ nữ ấy là ai. Mỗi khi tôi đến, tôi hay thấy ông ngồi ở góc nhỏ trong phòng, xoay lưng lại cửa ra vào, chăm chú gõ bàn phím máy tính. Thường thì ông mặc kệ tôi tự pha trà uống, tự tìm một cuốn sách nào đó trong bề bộn sách của ông quanh bàn, trên ghế mà đọc và đợi cho đến khi ông viết dứt dòng suy nghĩ dang dở của mình mới đứng lên đi tới bàn nước để trò chuyện cùng tôi.
Mỗi khi rảnh rỗi vài phút, ông hỏi sang chuyện làm báo, chuyện kiếm ăn của tôi và bày cho tôi kinh nghiệm để “đừng dại dột với đời”. Khi biết về quá trình học nghề, làm báo của tôi và lúc tôi mới chuyển sang làm thuê cho một tạp chí, có sự hỗ trợ của một soái lớn từ Nga trở về, Nguyễn Khắc Phục bảo, với những chiêu em học được từ bọn làm báo Thụy Sỹ và với nhạy cảm, tinh tế của chính em, thì đừng bao giờ, với bất cứ nơi nào em làm việc, em bày ngay ra hết các chiêu của mình nhé. Nếu có mười chiêu, em chỉ mang vài ba chiêu ra sử dụng thôi, cùng lắm là năm chiêu, còn lại giữ cho mình mà phòng thân. Bởi có rất nhiều đứa không chịu làm gì, chỉ nhăm nhăm ngồi lên lưng người khác mà hưởng.
Tôi thấy ông lúc nào cũng bận. Một tài năng như thế, luôn bị người đời làm phiền, vắt cho kiệt cùng. Có lúc tôi đến thấy ông vò đầu cáu kỉnh. Nơi này giục, nơi kia giã. Cho dù ông đã đặt ra yêu cầu ngang xương là phải đặt tiền nhuận bút trước cho ông rồi ông mới viết, đó là với những kịch bản lễ hội, mà người ta vẫn chấp nhận và không ngừng làm ông bận rộn. Tiền trót nhận rồi, phải kéo cày trả nợ thôi. Trong khi tiểu thuyết Hỗn độn mà ông tâm huyết nhất lại phải gác sang một bên. Ông bảo vậy. Sau này, tôi cứ nhìn ông mà sửa mình. Vì thế, nên khi Nhà xuất bản Phụ nữ có nhã ý ứng trước nhuận bút cuốn tiểu thuyết tôi chưa viết, tôi đã không nhận. Tôi không muốn phải “kéo cày trả nợ” như anh Phục. Tôi muốn khi viết tiểu thuyết hay truyện ngắn, phải là những gì chính tôi khao khát viết ra, không vì sức ép bên ngoài.
Thấy ông hút nhiều thuốc lá, tôi cũng lo. Mỗi lần đến thăm ông, tôi thường mang theo ít trái cây tươi. Em gái tôi dặn, anh Phục sống một mình, đàn ông ít chịu chăm sóc bản thân, chị mang trái cây tươi đến nhé. Tôi biết em gái tôi lo, rằng thiếu bàn tay phụ nữ trong nhà, chế độ ăn của ông thiếu cân bằng.
Tôi chỉ có một hối tiếc, đó là có những khi tôi lỡ các buổi ăn trưa đầy ý nghĩa với ông. Những buổi ăn trưa luôn đầy ắp chuyện trò, mà tôi học được nhiều hơn cả ở trường đại học. Có lần, khi ông gọi điện nói tôi đi ăn trưa với ông, tôi đang công tác ở TP. HCM nên không đi được, ông đã thất vọng bảo, sao lúc nào anh gọi điện thì em cũng đang ở một nơi xa xôi thế? Hay là những điều anh nói đã không còn mới mẻ và thú vị với em nữa rồi? Ông nói rồi ngắt máy, không nghe tôi giải thích nữa.
Cho tới bây giờ, thì khi nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã đi thật xa rồi, tôi nghĩ, lúc này ông mới thực sự được nghỉ ngơi hoàn toàn. Sống là làm việc, chết là nghỉ ngơi.